Đăng ký kinh doanh trực tuyến: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?

Khắc Kiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập DN, Sở KH&ĐT đã quyết tâm đẩy mạnh công tác đăng ký DN (ĐKDN) trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Đăng ký kinh doanh trực tuyến: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà? - Ảnh 1
Bà Phạm Thị Kim Tuyến -Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) số 1, Sở KH&ĐT Hà Nội trao đổi về vấn đề này.

Công tác ĐKDN trực tuyến trên địa bàn TP hiện đang được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Việc ĐKDN được tiến hành theo 2 cách thức: Nộp hồ sơ trực tiếp là cách thức truyền thống, được thực hiện trong toàn hệ thống các cơ quan ĐKKD. Còn ĐKDN qua mạng điện tử là cách thức đăng ký rất mới, hiện đại và có nhiều ưu điểm. Thực hiện theo cách thức này sẽ giảm đáng kể thời gian và chi phí đăng ký thành lập hoặc thay đổi ĐKDN của các tổ chức và công dân; góp phần xây dựng một hệ thống ĐKKD minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người.

Dù phương thức ĐKDN qua mạng điện tử đã có những chuyển biến đáng kể trong thời gian qua nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Trong 2 năm 2013 - 2014, bình quân mỗi năm tỷ lệ ĐKDN qua mạng điện tử là 0,13%, năm 2015 tăng lên 0,5% tổng số DN đăng ký thành lập mới. Quý I/2016, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua mạng đạt 1,12% và hiện đạt khoảng 2%.
Hướng dẫn DN nộp hồ ĐKDN trực tuyến tại Phòng ĐKKD Sở KH&ĐT. Ảnh: Khắc Kiên
Hướng dẫn DN nộp hồ ĐKDN trực tuyến tại Phòng ĐKKD Sở KH&ĐT.     Ảnh: Khắc Kiên
Trong quá trình thực hiện có thuận lợi và khó khăn gì?

- Thuận lợi đối với tổ chức, công dân là sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho việc nộp hồ sơ và nhận kết quả (không phải xếp hàng, không mất thời gian đi lại). Bởi, thông qua hệ thống internet, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi và có thể nhận kết quả tại nhà qua dịch vụ bưu điện (dịch vụ 24/7). Đồng thời, được hỗ trợ trực tiếp và tra cứu tên DN trước khi đăng ký tên chính thức, cũng như trạng thái hồ sơ xử lý được cập nhật trực tuyến. Còn phía cơ quan ĐKKD thì không phải nhập dữ liệu hồ sơ DN, giảm áp lực hành chính về giấy tờ. Đặc biệt, tránh được tình trạng quá tải khi tổ chức, công dân xếp hàng nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa.

Tuy nhiên, khó khăn gặp phải đối với tổ chức, công dân ở khả năng tiếp cận và xử lý thông tin qua mạng còn hạn chế, thói quen sử dụng dịch vụ hành chính điện tử chưa phổ biến; Phải có sự đầu tư trang thiết bị như máy scan văn bản, máy tính, tài khoản ngân hàng thanh toán trực tuyến khi thực hiện giao dịch…; Nhiều tổ chức, công dân chưa nắm rõ các quy định của pháp luật về ĐKDN và ĐKDN trực tuyến; Chi phí sử dụng chữ ký điện tử còn cao (trường hợp DN có nhiều thành viên, hay cổ đông sáng lập sẽ phải đăng ký sử dụng và duy trì nhiều chữ ký số công cộng, chi phí tốn kém hơn); Hệ thống phần mềm ĐKDN trực tuyến nhiều khi quá tải, hệ thống bị chậm…

Về phía cơ quan cấp ĐKKD, việc đọc hồ sơ tài liệu trên máy tính được gửi qua mạng thường khó soát nội dung hơn là đọc bản giấy. Bởi, đặc thù của hồ sơ ĐKDN không chỉ đơn thuần là thông tin kê khai theo biểu mẫu trong Hệ thống trực tuyến, mà còn là tính hợp lệ thể hiện trong hồ sơ được scan đính kèm theo. Ngoài ra, tài liệu DN gửi đến nhiều khi bản scan không theo thứ tự hoặc các mặt giấy bị đảo ngược hoặc bị mờ, mất chữ,…; Hệ thống phần mềm ĐKDN trực tuyến cũng còn hạn chế vì thường quá tải, mở hồ sơ bị chậm, thiếu những tiện ích để nhận biết quá trình đã xử lý; Thông tin thông báo cho DN còn chưa đảm bảo tính chất của văn bản hành chính (thông báo đến nộp bản giấy); thiếu dấu hiệu nhận biết để phân công hồ sơ nhanh hơn (địa bàn, tên cán bộ đã xử lý gửi thông báo đến nộp bản giấy); Chưa quy định đối với định dạng file phù hợp với mỗi loại tài liệu đính kèm; DN nhập dữ liệu chưa đầy đủ nhưng hệ thống vẫn cho phép DN gửi hồ sơ lên hệ thống nên mất thời gian của cả tổ chức/công dân và cơ quan quản lý… Phải thêm việc giải quyết sau ĐKDN trực tuyến trong trường hợp bộ hồ sơ nộp bằng bản giấy không chính xác so với bộ hồ sơ được gửi qua mạng điện tử...

Theo bà, để thực hiện tốt ĐKDN trực tuyến cần những yêu cầu gì?

- Trước hết, cần hoàn thiện, sửa đổi Quy trình giải quyết các thủ tục hành chính về ĐKDN. Trong đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ ĐKDN trực tuyến theo yêu cầu của Chính phủ và TP. Tập trung giải quyết các hồ sơ ĐKDN trực tuyến đảm bảo tỷ lệ 100% không bị chậm, đồng thời phấn đấu các hồ sơ qua mạng được giải quyết chỉ trong 2 ngày làm việc đối với quá trình giao dịch trên mạng và trả kết quả ngay trong ngày kể từ khi tiếp nhận hồ sơ bằng bản giấy tại cơ quan ĐKKD…

Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện ĐKDN qua mạng; Tăng cường thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách mới, các thủ tục hành chính trên các phương tiện truyền thông... Một yếu tố không kém phần quan trọng là đầu tư trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác tại các phòng ĐKKD. Định kỳ, vào ngày cuối tháng thực hiện tổng hợp kết quả thực hiện, phân tích đánh giá, rút kinh nghiệm hoặc cải tiến quy trình để nâng cao hiệu quả công tác ĐKDN qua mạng điện tử.

Xin cảm ơn bà!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần