Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau cuộc gặp thượng đỉnh hời hợt giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin

Đại sứ Trần Đức Mậu - Cựu Đại sứ Việt Nam tại Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ai dùng kết quả cụ thể để đánh giá thì chắc chắn sẽ coi sự kiện này là thất bại.

Sau cuộc trao đổi riêng kéo dài hơn hai giờ đồng hồ và cuộc hội đàm tiếp theo đó ở diện rộng hơn, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin đã kết thúc cuộc thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và Nga kể từ khi ông Trump chính thức nhậm chức tổng thống ở Mỹ chỉ bằng họp báo chung chứ không đưa ra tuyên bố chung.
 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên tại Phần Lan.
Theo những phát biểu và trả lời giới truyền thông của ông Trump và ông Putin ở đó thì chỉ thấy hai người này đánh giá cao lẫn nhau và nhất trí quan điểm về các vấn đề trên chương trình nghị sự và chỉ bất đồng quan điểm về vấn đề Crimea. Kết quả như thế của cuộc gặp này không gây bất ngờ gì mà đều đã có thể được dự đoán từ trước.
Vấn đề cần giải quyết giữa Mỹ và Nga hiện quá nan giải và nhạy cảm về chính trị nội bộ ở Mỹ, tức là tiềm ẩn không ít rủi ro về chính trị  đối với ông Trump ở Mỹ, mà đây lại là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ông Trump và ông Putin kéo dài cả thảy không đầy 4 giờ đồng hồ nên sẽ hoàn toàn phi thực tế nếu kỳ vọng hoặc đòi hỏi hai người này nhất trí được với nhau về giải pháp cụ thể cho mọi vấn đề.
Trong bối cảnh tình hình mối quan hệ song phương giữa hai nước tồi tệ suốt thời gian dài, đầy rẫy đối đầu và nghi kỵ lẫn nhau, cọ xát và xung khắc lợi ích chiến lược trong nhiều chuyện và ở nhiều nơi trên thế giới mà ông Trump và ông Putin vẫn gặp nhau đủ để thấy phải nhìn nhận và đánh giá sự kiện này không phải ở những kết quả cụ thể đã đạt được hay chưa mà phải ở ý nghĩa chung của sự kiện.
Vì không có tuyên bố chung nào được đưa ra sau sự kiện và cũng chẳng ai biết ông Trump và ông Putin đã trao đổi với nhau về cái gì trong cuộc gặp riêng nên thiên hạ chỉ có thể nhìn vào cuộc họp báo chung của hai người để đánh giá.
Những ai dùng kết quả cụ thể để đánh giá thì chắc chắn sẽ coi sự kiện này là thất bại. Những ai luận giải từ sự tung hứng nhịp nhàng giữa ông Trump và ông Putin ở cuộc họp báo thì lại sẽ không thể không thấy rằng hai người này đã có được sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn trước và sự nhất trí khá sâu rộng với nhau về mọi vấn đề đang đặt ra.
Họ không đề cập đến nội dung giải pháp cụ thể mà đến cách giải quyết vấn đề và việc cùng nhau giải quyết vấn đề. Họ không lẩn tránh những vấn đề chưa thể khắc phục được như vấn đề Crimea và trừng phạt Nga mà thẳng thắn đề cập nhưng không để bị chi phối hay ảnh hưởng bởi sự bất đồng quan điểm về những vấn đề ấy. Họ cũng không đưa ra những điều kiện để đòi hỏi lẫn nhau phải đáp ứng thì mới thúc đẩy quan hệ song phương.
Rõ ràng là đằng sau sự nhất trí chung chung, thậm chí cả hời hợt nữa ở bên ngoài có sự đồng thuận quan điểm rất cơ bản giữa ông Trump và ông Putin về sự cần thiết phải khởi động lại mối quan hệ giữa Mỹ và Nga, phải dùng sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề chính trị an ninh thời sự của thế giới để gây dựng lòng tin lẫn nhau giữa Mỹ và Nga cũng như để tạo nền tảng và động lực mới cho việc thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Đằng sau đó rõ ràng có sự nhất trí giữa hai người này về vai trò cá nhân của họ và về sự đắc dụng của cơ chế đối thoại và thương thảo tay đôi.
 Tổng thống Trump và Tổng thống Putin trao đổi trước cuộc gặp riêng.
Ông Putin có được từ phía ông Trump sự công nhận vai trò chính trị thế giới cho nước Nga và sự coi trọng của Mỹ hơn cả dành cho EU và Nato. Ông Trump càng thân thiện và cởi mở với Nga và ông Putin thì EU và Nato càng thêm hậm hực. Quả đắng này đối với EU và Nato là thắng lợi chính trị đối ngoại và an ninh lớn đối với Nga và cá nhân ông Putin. Giữa Mỹ với Nato và EU càng phân hoá sâu sắc thì Nga càng được lợi.
Ông Trump có được từ sự kiện này sự khẳng định của ông Putin là Nga không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, có được bằng chứng cho quan điểm là muốn thành công thì phải làm khác người tiền nhiệm, thể hiện cách tiếp cận "thà chấp nhận rủi ro về chính trị để theo đuổi hoà bình còn hơn là liều lĩnh với hoà bình để làm chính trị".
Cuộc thượng đỉnh này có ý nghĩa với tầm vóc lịch sử hay không là câu hỏi rồi đây sẽ được lịch sử trả lời. Nhưng hiện có thể chắc chắn được là nó sẽ là chuyển biến mối quan hệ giữa hai nước theo hướng tích cực, cho dù có thể chưa sớm được nhanh chóng.