Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia, DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nước sạch trên địa bàn TP.
Hệ lụy neo giá trong thời gian dài
Còn nhớ, cách đây chục năm, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND về giá bán nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Theo đó, từ ngày 1/10/2013 các hộ gia đình sử dụng nước sạch dưới 10m3/tháng sẽ phải trả 4.172 đồng/m3, từ trên 10m3 đến 20m3 là 4.930 đồng/m3, từ trên 20m3 đến 30m3 là 6.068 đồng/m3 và trên 30m3 là 10.619 đồng/m3.
Từ ngày 1/10/2014 số tiền phải trả được tăng lên lần lượt là 5.020, 5.930, 7.313 và 13.377 đồng/m3; Từ 1/10/2015 đến nay, mức phí phải trả tiếp tục được tăng lên với các mức 5.973, 7.052, 8.669 và 15.929 đồng/m3.
Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình là trong 2 năm (2023 - 2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các DN. Dự kiến đối với 1 hộ gia đình tiêu thụ 10m3/tháng, chi phí tăng khoảng 15.270 đồng. Với các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng khoảng 20%.
Ông Nguyễn Xuân Sáng – Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội
Có thể nói, việc TP duy trì giá bán nước ổn định trong một khoảng thời gian dài đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo cuộc sống của người dân. Do đó, việc các đơn vị chức năng TP đề xuất tăng giá bán nước sinh hoạt sau gần 8 năm duy trì ổn định (tính từ lần tăng giá cuối cùng theo Quyết định 38 - PV) đã khiến dư luận không khỏi lo lắng và có những ý kiến trái chiều. Song, thực tế cho thấy, sự ổn định kéo dài của giá nước đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng phát triển, chất lượng nước của các DN.
Sở dĩ nói như vậy là bởi, nhằm thực hiện hóa mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn, ngoại thành của Hà Nội được sử dụng nước sạch vào năm 2025, trong những năm qua, TP đã triển khai rất nhiều dự án, huy động sự vào cuộc của các DN. Song, với đặc thù ở nhiều khu vực người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước tự nhiên như giếng khoan, giếng khởi, nước mưa, ao, hồ, sông, suối…
Nhiều hộ chỉ sử dụng nước sạch cho việc ăn uống nên mức tiêu thụ nước rất thấp (chủ yếu dưới 10m3)… Trong khi đó, những chi phí về đầu tư, xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phát triển hệ thống đường ống dẫn đến trước đồng hồ nước vào nhà dân lớn… khiến lợi nhuận thu lại từ việc cung cấp nước sạch không đáp ứng được chi phí mà DN phải bỏ ra. Từ đó, nhiều DN không mặn mà với việc “phổ cập” nước sạch cho khu vực nông thôn, ngoại thành.
Không chỉ tại các khu vực ngoại thành, việc giá nước sinh hoạt ổn định trong một thời gian dài, trong khi giá nguyên liệu đầu vào biến động lớn, cũng khiến công tác vận hành, duy trì nguồn cung cho các khu vực có có nền cao, cuối nguồn… trong khu vực nội thành gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những ngày nắng nóng.
Lãnh đạo một đơn vị cung cấp nước sạch trong khu vực nội thành cho hay, những khó khăn trên đã tồn tại từ lâu, đơn vị cũng rất muốn khắc phục, sửa chữa để phục vụ khách hàng tốt hơn, nhưng giá nước thấp, trừ tất cả các khoản chi đi, số còn lại không đủ để tiến hành sửa chữa, nâng cấp, thay thế thường xuyên, liên tục.
Cần những chính sách dài hơi
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh tăng giá nước, đại diện Sở Tài chính cho biết, hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch tại Hà Nội ngày một tăng do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, dân số tăng cơ học.
Đời sống của người dân càng được nâng cao thì yêu cầu về sản lượng và chất lượng nước sạch ngày càng cao, trong khi nguồn nước ngầm suy giảm và có dấu hiệu ô nhiễm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách rất hạn chế… Từ đó, đại diện Sở Tài chính khẳng định, việc tăng giá nước là điều cần thiết nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Theo tính toán của Tổ công tác thẩm định phương án điều chỉnh giá nước, mỗi hộ gia đình sẽ dùng 10 - 16m3/tháng, tương đương số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Tại nông thôn, mức dùng 50 - 70 lít/ngày/người, một hộ gia đình sẽ sử dụng 6 - 8m3/tháng nên số tiền họ phải chi thêm là 10.000 - 13.000 đồng/tháng.
"Mức tăng thiết kế theo lộ trình hai đợt, cơ bản không tác động đến thu nhập của người dân, đối tượng sử dụng nước sạch sinh hoạt vì tiền nước chỉ chiếm 0,72% tổng thu nhập và chi tiêu mỗi tháng của một hộ gia đình tại khu vực thành thị"- đại diện Sở Tài chính khẳng định.
Với những tính toán của DN thì việc tăng giá nước sạch là cần thiết, tuy nhiên việc tăng giá cần được công khai, minh bạch các yếu tố đầu vào, cơ cấu tính giá và tác động của việc tăng giá nước sạch đến đời sống. Việc tăng giá cần phải phù hợp để không gây lo ngại cho người dân.
Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện hành lang pháp lý thu hút đầu tư tư nhân để có thể mở rộng nguồn cung nước sạch, bảo đảm được quyền tiếp cận nước sạch cho người dân. Để làm được chúng ta cần phải hoàn thiện các khuôn khổ, quy định cho thị trường.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính)
Hiện, Hà Nội cũng đang đặt ra mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn, ngoại thành sẽ được sử dụng nước sạch vào năm 2025. Song, hiện nay, TP vẫn còn 149 xã chưa được kết nối với mạng cấp nước của TP. Trong đó, 28 xã thuộc khu vực địa hình khó khăn, chưa có nhà đầu tư; 105 xã đã giao dự án cho nhà đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 song chưa thực hiện...
Để khắc phục tình trạng này, trong giai đoạn 2023 - 2025, TP Hà Nội đã xác định hoàn thành 2 dự án phát triển nguồn nước sạch, gồm: Dự án Nhà máy Nước mặt sông Hồng (công suất 300.000m3/ngày, đêm) và Dự án Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2, nâng công suất từ 300.000m3/ngày đêm lên 600.000m3/ngày đêm. Đồng thời, triển khai hệ thống cấp nước Xuân Mai, dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long - Vân Trì và nghiên cứu dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đuống.
Ngoài ra, theo kế hoạch, năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các địa phương: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã)...
Qua đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch sẽ nâng lên đạt khoảng 90%. Song, theo các chuyên gia, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch, để nâng cao hiệu quả công tác cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô, TP cần quản lý có hiệu quả mạng lưới cấp nước, áp dụng công nghệ mới vào cung cấp nước sạch. Đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hóa đầu tư, hạn chế đầu tư từ nguồn ngân sách, có những chính sách hỗ trợ về tài chính cho các DN tham gia đầu tư, phát triển, mở rộng mạng lưới cấp nước…
Năm 2024, giá nước sạch có thể lên tới 27.000 đồng/m3
Sở Tài chính vừa có tờ trình gửi UBND TP Hà Nội phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn TP từ tháng 7/2023. Theo đó, Sở Tài chính Hà Nội dự kiến giá bán lẻ nước sinh hoạt sẽ tăng theo hướng sử dụng càng nhiều nước sẽ càng phải trả nhiều tiền. Cụ thể, 10m3 đầu tiên từ 5.973 đồng/m3 hiện nay sẽ tăng lên 7.500 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 8.500 đồng/m3 vào năm 2024. Từ 10 - 20m3 tăng từ 7.052 đồng/m3 lên 8.800 đồng/m3 từ tháng 7/2023 và lên 9.900 đồng/m3 vào năm 2024. Từ 20 - 30m3 tăng từ 8.669 đồng/m3 lên lần lượt mức 12.000 đồng/m3 và 16.000 đồng/m3. Mức giá cao nhất với nước sinh hoạt trong năm 2024 sẽ là 27.000 đồng/m3 khi sử dụng trên 30m3.