Tại Hollywood, nơi mà sự công nhận cho những người không phải “da trắng” là rất khó, “Everything Everywhere” đã làm lên lịch sử cho người châu Á.
Có lẽ gốc gác đã giúp đoàn làm phim tạo dựng nên một bộ phim ý nghĩa và xuất sắc từ vị thế của chính họ – người châu Á nhập cư.
Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nội dung bộ phim cũng phản ánh sự kỳ thị chủng tộc – thách thức đối mặt của các diễn viên. Vì vậy, loạt bài phát biểu sau khi bộ phim giành được 7 giải Oscar đã truyền cảm hứng cho những người đang theo đuổi ước mơ.
“Đây là một minh chứng cho thấy giấc mơ trở thành hiện thực và là ngọn hải đăng của những hy vọng cho những chàng trai, cô gái. Mọi thứ đều có thể” - Dương Tử Quỳnh chia sẻ trên sân khấu với tư cách là người phụ nữ gốc Á đầu tiên giành giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất.
Người Châu Á là không biết nói Tiếng Anh?
Nổi danh ở Hồng Kông trước khi đến Hollywood, Dương Tử Quỳnh - đóng vai người mẹ siêu anh hùng Evelyn Wang trong phim - sớm nhận thấy ngành công nghiệp giải trí Mỹ khác với những gì cô mong đợi.
“Đó là một giấc mơ trở thành hiện thực khi tôi bước chân đến đây. Tuy nhiên, mọi người ở Hollywood đều có định kiến về tôi vì có khuôn mặt châu Á, cho rằng tôi là người thiểu số và ngạc nhiên khi tôi nói tiếng Anh” - Cô chia sẻ tại lễ trao giải Quả cầu vàng
Tuy đã 60 tuổi nhưng cô không cam chịu đóng đinh vai diễn chỉ bởi mình là người châu Á tại Hollywood, còn đàn ông luôn là những người dấn thân vào các cuộc phiêu lưu và giải cứu thế giới.
Sau khi đọc kịch bản của bộ đôi biên kịch và đạo diễn Daniel Kwan và Daniel Scheinert, vai diễn Evelyn ngay lập tức thu hút cô, thay vì là nhân vật có sức mạnh siêu nhiên, Evelyn là một phụ nữ châu Á nhập cư lớn tuổi gặp rất nhiều vấn đề giống như bao người khác lại trở thành siêu nhân trong đa vũ trụ.
Sau bao nỗ lực, trong niềm vui chiến thắng lịch sử, Dương Tử Quỳnh được Hollywood và mọi người công nhận là diễn viên tài năng với lối diễn xuất đỉnh cao chạm cảm xúc người xem, cùng những màn đấu võ xuất sắc.
Suốt 20 năm không có một vai diễn
Câu chuyện của Quan Kế Huy - người vừa giành giải Oscar nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn Waymond Wang - lại có hành trình dài gập ghềnh trước khi chạm đến vinh quang.
“Bắt đầu trên một con thuyền, trải qua một năm trong trại tị nạn và bây giờ tôi đang đứng trên sân khấu lớn nhất của Hollywood. Những tưởng câu chuyện này chỉ có thể thấy ở phim ảnh nhưng nó đang xảy đến với tôi và đây chính là giấc mơ Mỹ”, diễn viên người Mỹ gốc Việt chia sẻ.
Sinh ra tại TP. Hồ Chí Minh, đến Los Angeles vào năm 1979, Quan Kế Huy (Jonathan Ke Quan) bắt đầu sự nghiệp ở Hollywood với tư cách là một diễn viên nhí trong “Indiana Jones and the Temple of Doom” và “The Goonies”. Sau đó, tuy đi thử vai nhiều nhưng cơ hội dành cho diễn viên gốc Á quá ít. Trong gần 20 năm, Quan không có một vai diễn nào! Để tiếp tục theo đuổi ước mơ sự nghiệp, anh học điện ảnh tại Đại học Nam California, Mỹ, và làm nhiều công việc hậu trường như điều phối viên đóng thế và trợ lý đạo diễn.
Bộ phim “Crazy Rich Asians” 2018 đã truyền cảm hứng và khiến anh nhận ra rằng diễn xuất vẫn là đam mê cháy bỏng của mình. Ngay khi đọc kịch bản “Everything Everywhere All at Once”, anh biết mình là người phù hợp với vai diễn Waymond, như thể kịch bản viết riêng cho anh vậy.
Vai diễn đã mang lại cho anh nhiều lời khen ngợi cũng như giải thưởng, bao gồm Quả cầu vàng, Sự lựa chọn của các nhà phê bình và Hiệp hội diễn viên màn ảnh (SAG) cho nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Anh cho rằng đến thời điểm hiện tại, diễn viên châu Á đã từng bước chinh phục Hollywood. Anh cổ vũ những người cảm thấy lạc lõng trên con đường chinh phục giấc mơ với thông điệp: Hãy vững tin, rồi một ngày ánh đèn sân khấu sẽ tìm đến bạn!
Bố mẹ là nguồn cảm hứng
Trong một đêm tràn ngập niềm vui và phấn khởi, Đạo diễn Jonathan Wang đã nhắc đến người cha quá cố trong lễ trao giải 'Giải Lựa chọn của các nhà phê bình'. “Giải thưởng này dành tặng cho cha tôi - một người nhập cư Đài Loan đã làm việc vất vả đến lúc mất. Giải thưởng này cũng dành cho Evelyn và Waymond và những bậc cha mẹ nhập cư sẵn sàng hy sinh để mang lại cuộc sống tốt hơn cho con mình”.
Cha của Wang đã truyền cảm hứng cho rất nhiều chi tiết kỳ lạ của bộ phim và nhiều phim khác của anh. Anh tự hào về bố mẹ mình và rơi những giọt nước mắt hạnh phúc.
Thành công ngoài mong đợi
Sau một vở diễn tại trường học, Stephanie nhận ra cô có khiếu diễn xuất nhưng không nghĩ mình sẽ trở thành diễn viên, đó là điều xa vời với cô gái gốc Á. Tuy nhiên, Stephanie vẫn học diễn xuất tại trường đại học New York và trở thành ngôi sao của Broadway trong vở nhạc kịch “Be More Chill” và “SpongeBob SquarePants” và xuất sắc nhận được một vai trong “The Marvelous Mrs. Maisel”.
Được nuôi dạy bởi người mẹ Đài Loan nhập cư đã giúp cô hoàn thành tốt vai diễn trong “Everything Everywhere”.
“Tôi đã rất ấn tượng về mối quan hệ mẹ con trong phim, nó gần như giống với câu chuyện của tôi thật. Vì thế tôi rất hiểu nhân vật mình đóng” - Stephanie chia sẻ.
Nói về phân biệt chủng tộc, cô cho rằng đây vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của Hollywood. Một lần cô bị nhầm thành ngôi sao gốc Á, Lana Condor của “To All the Boys I’ve Loved Before” và một khoảnh khắc tại buổi chiếu phim “Everything Everywhere” tại New York, khi một nhà báo châu Á tiến lại và khen ngợi về một màn trình diễn mà cô chưa bao giờ làm.
Cô kể lại về hành trình của James Hong (người đóng vai ông nội của cô trong phim) đã bắt đầu sự nghiệp vào lúc mọi người chỉ gọi ông là “người Trung Quốc” thay vì tên ông.
Người Châu Á không mang lại giá trị thương mại tốt
James Hong đã 94 tuổi, ông dành cả cuộc đời của mình để cống hiến cho điện ảnh. Vai diễn đầu tiên của ông là một vai được viết với giọng điệu không tôn trọng người châu Á. Thời điểm đó, các nhà sản xuất đều cho rằng người châu Á không đủ tốt và không mang lại giá trị phòng vé.
“Yellowface” - từ miêu tả người châu Á lúc đó rất phổ biến và sự nghiệp của ông cũng bắt đầu lúc đó, ông chỉ có thể vào vai những người giặt là hoặc những người Trung Quốc bị đàn áp. “Rất khó để thoát khỏi khuôn mẫu đó” - ông chia sẻ
Cơ hội dành cho các diễn viên châu Á rất hạn chế khi mới vào nghề nên Hong đã đồng sáng lập công ty của riêng mình, đó là East West Players huyền thoại với mục đích tạo cơ hội cho các diễn viên châu Á. Những điều ông làm đã thu hút sự chú ý và nay ông đứng nhận giải trên sân khấu lớn nhất Hollywood và tự hào nói rằng "tôi đã thành công". James Hong hy vọng ông có thể cống hiến tiếp và quay lại lễ trao giải của Hiệp hội diễn viên màn ảnh (SAG) khi ông 100 tuổi.