Phát triển ngành Nội thất
Danh chưa chính, ngôn khó thuận
Kinhtedothi - Theo các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, đây là thời kỳ vàng của nội thất Việt Nam. Tuy nhiên, các khó khăn về thể chế, các quy định pháp luật ngành Xây dựng như hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn thiếu và chưa phù hợp cho cả kiến trúc và nội thất là rào cản, điểm nghẽn cho sự phát triển của ngành Nội thất Việt Nam.
Còn khó khăn
Phó Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương cho biết, tốc độ đô thị hóa không dừng lại, vẫn tiếp tục ở mức cao, xu hướng hội nhập, sáp nhập hành chính tạo ra cơ hội lớn cho phát triển đô thị kiến trúc và nội thất. Tuy nhiên, các khó khăn về thể chế, các quy định pháp luật ngành Xây dựng cũng như hệ thống tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn thiếu và chưa phù hợp đang là rào cản, điểm nghẽn cho sự phát triển của nội thất Việt Nam.
Đại diên một DN trong ngành nhìn nhận, công việc của nội thất chưa được xem trọng trong các quy định, cho nên nguồn việc, các dự án chủ yếu đến từ tư nhân. Trong quá trình thực hiện, đều trực tiếp thương thảo giữa hai bên, chưa có văn bản quy định (như thiết kế phí, hạng mục...) và gần như không có một hướng dẫn cụ thể.

Ảnh minh họa.
Đồng sáng lập TTT Architects KTS Trần Khánh Trung chia sẻ, năm 2016 DN có tham gia dự án thiết kế cho một dự án ngân sách Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh với vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng và đã thi công xong phần thô. Tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu không đề cập đến nội thất, dẫn đến trường hợp hình khối của kiến trúc không chứa được "ruột" và khiến dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Dự án KTS Trần Khánh Trung nói đến, thuộc dự án Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP Hồ Chí Minh triển khai khởi công năm 2013 đến nay vẫn dang dở. Với kiến trúc hai khối đặt nghiêng, chụm vào nhau, khối thép tạo hình tam giác, Trung tâm Triển lãm được xem là công trình công cộng mang tính biểu tượng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án được thi công đến cuối năm 2017 thì tạm ngưng do khó khăn, vướng mắc liên quan đến gói thầu XL6 (sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại). Gói thầu có trị giá 107 tỷ đồng, nhưng là hạng mục bao che bên ngoài nên khi dừng thi công dẫn đến các gói khác cũng không thể triển khai.
Mặt khác, do dự án bị dừng thi công nhiều năm nên phát sinh chi phí như: trượt giá, hư hỏng thiết bị, chi phí bảo vệ công trường... với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ xong vào năm 2015. Sau đó, ngày hoàn thành được gia hạn thêm một năm nhưng đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thành.
"Từ đó, chúng ta có thể thấy vai trò quan trọng của nội thất trong dự án xây dựng. Các dự án mời thầu, "đề bài" cần thiết kế kèm nội thất, bởi nếu không tính toán kỹ càng có thể gây thiệt hại rất lớn" - KTS Trần Khánh Chung cho hay.
Cần hướng tiếp cận rõ ràng
Chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam KTS Lê Trương chia sẻ, thời điểm hiện tại chính là cơ hội vàng cho ngành Kiến trúc xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, ngành Nội thất vẫn chưa được chính thức công nhận trong các văn bản Nhà nước, cả về phạm vi lẫn chi phí thiết kế. Đây là một vấn đề cần có chủ trương và hành động cụ thể, thông qua các buổi tọa đàm và nghiên cứu kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và thế giới.
"Việc tổng hợp những bài học này thành một tài liệu hoàn chỉnh sẽ giúp xác định rõ giá trị và phạm vi của ngành Nội thất. Khi đó, chúng ta có thể xây dựng kế hoạch tiếp cận các cơ quan Nhà nước để thúc đẩy sự công nhận chính thức của ngành Nội thất" - KTS Lê Trương nhìn nhận.
PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương bổ sung thêm, Việt Nam mới chỉ thực sự bước vào thời kỳ hòa bình cách đây vài chục năm. Trong chiến tranh, con người chỉ mong có một nơi để trú ẩn và nội thất đơn thuần là sự sắp đặt mang tính tạm bợ.
Khi bước vào thời kỳ đổi mới, dù nhận thức về không gian sống đã có sự thay đổi, nhưng tư duy “nhà là nơi để ở” vẫn chi phối, khiến nội thất chưa được chú trọng. Người ta quan tâm đến kiến trúc bề thế hơn là giá trị của nội thất, vốn thường bị xem là yếu tố phụ thuộc vào kinh tế và đi sau kiến trúc. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế phát triển không ngừng, chúng ta đang dần hướng sự quan tâm đến nội thất như một đích đến quan trọng.
"Theo tôi, chất lượng của một công trình không chỉ nằm ở kiến trúc mà còn được quyết định bởi nội thất. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức, khi nói về nhà ở, không thể không nói đến nội thất. Trước khi các cơ quan quản lý có những động thái chính thức với ngành Nội thất, chính những người trong nghề cần khẳng định vai trò trung tâm và giá trị của ngành. Đây không chỉ là xu hướng mà là một bước tiến tất yếu để nội thất được công nhận đúng với tầm quan trọng vốn có của nó” - PGS. TS. KTS Vũ Hồng Cương nhấn mạnh.
Báo cáo của Mordor Intelligence cho thấy, thị trường nội thất tại Việt Nam tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Khối lượng xuất khẩu đồ nội thất do Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, vượt qua các nước như Đức và Ba Lan. Theo một hiệp hội ngành, nước này đã trở thành nước xuất khẩu đồ nội thất lớn thứ hai và nhà sản xuất đồ nội thất lớn thứ sáu.
Các yếu tố như thuế quan thấp hơn, môi trường giao dịch dễ dàng, hậu cần vận chuyển thuận tiện và nguồn nguyên liệu đa dạng để sản xuất đồ nội thất khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất đồ nội thất sắp tới. Đồ nội thất của Việt Nam được xuất khẩu tới hơn 120 quốc gia, trong đó thị trường chính là Mỹ, Anh, Canada, Úc và Nhật Bản.
Người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các sản phẩm nội thất rất đa dạng, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là phổ biến nhất. Ngành Nội thất trong nhà và ngoài trời của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và dự kiến sẽ giữ nguyên trong những năm tới.
Sau một giai đoạn phát triển và hoàn thiện, ngành Chế biến gỗ Việt Nam đã xây dựng được nền tảng vững chắc về năng lực sản xuất và đổi mới công nghệ, máy móc. Điều này sẽ giúp từng bước nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, tìm hiểu tiêu chuẩn sản phẩm, cải tiến mẫu mã, sản xuất linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng.
Các DN trong nước đang tập trung xuất khẩu, điều này có thể mở ra cơ hội cho các nhà thiết kế nội thất trong trung và dài hạn. Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất đồ nội thất không chỉ cho nguồn cung ứng sản xuất trong nước mà còn là lựa chọn đáng tin cậy để sản xuất quốc tế cho các công ty nước ngoài. Số lượng các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tăng lên hàng năm, thúc đẩy quy mô trung bình lớn hơn về doanh thu và lực lượng lao động.
Trích dẫn
Mordor Intelligence dự báo, quy mô thị trường nội thất Việt Nam ước tính đạt 1,47 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 1,92 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 5,33% trong giai đoạn dự báo (2024 - 2029).