Ngành thép Việt cần đa dạng hóa nhiều thị trường mới
Kinhtedothi - Thị trường thép đầu năm chưa có nhiều dấu hiệu tích cực, trong đó xuất khẩu đang đối mặt với các thách thức về thuế quan.
Chưa có dấu hiệu tích cực
Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm tháng 2 gần như không đối so với cùng kỳ năm ngoái, quanh mức 2,1 triệu tấn. Sản xuất thép thô đạt 1,79 triệu tấn, tăng 6,5%so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ tháng 2/2025.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,152 triệu tấn, giảm 6,25% so với tháng 1/2025 (sản xuất ống thép có mức tăng cao 16,47%, cuộn cán nguội 7,36%, còn lại thép xây dựng, cuộn cán nóng và tôn mạ ghi nhận mức giảm); và xấp xỉ mức cùng kì năm 2024 (sản xuất thép CRC có mức tăng cao nhất 52%, tiếp đến là ống thép 22,1%, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tăng 5,8% trong khi HRC giảm 15,3% và thép xây dựng giảm 5,7%).
Bán hàng thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, tăng 16,63% so với tháng 1/2025 (tăng ở tất cả các mặt hàng trừ thép cuộn cán nóng giảm 10,06%) và tăng 29,8% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng ở tất cả các mặt hàng, ngoại trừ thép cuộn cán nóng giảm 12,3%), trong đó xuất khẩu thép thành phẩm các loại trong tháng 2/2025 đạt hơn 455 ngàn tấn, giảm 4,22% so với tháng trước nhưng giảm 37,5% so với cùng kỳ 2024 (tăng trưởng xuất khẩu đối với ống thép là 30,5%, thép xây dựng 10,8% và cuộn cán nguội CRC 4,8%, còn giảm ở cuộn cán nóng và tôn mạ.
Tính luỹ kế 2 tháng đầu năm nay, sản lượng giảm 5,2% xuống 4,45 triệu tấn. Tuy nhiên, xét trong mặt hàng riêng lẻ thì có 3/5 sản phẩm thép ghi nhận tăng trưởng về sản lượng. Trong đó, sản lượng thép cán nguội tăng mạnh nhất 20%.
Trong tháng 2, Việt Nam nhập khẩu 1,55 triệu tấn thép, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phần lớn thép là nhập khẩu từ Trung Quốc với hơn 1 triệu tấn (tương đương chiếm tỷ trọng 64%). Tuy nhiên, tính chung hai tháng lượng nhập khẩu giảm 5,4% xuống còn 2,5 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 14% xuống 1,5 triệu tấn.
Theo VSA, triển vọng thị trường thép bước vào những ngày đầu năm 2025 chưa có dấu hiệu tích cực chắc chắn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2025 ước tính giảm 2,2% so với tháng trước; tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2025, IIP tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,5%).
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục giảm sút trong tháng 2 và luỹ kế 2 tháng đầu năm nay trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo và làn sóng bảo hộ diễn ra ngày càng rộng lớn. Trong tháng 2, lượng thép thành phẩm xuất khẩu giảm 37,5% xuống 455.965 tấn. Trong đó xuất khẩu tôn mạ, sơn phủ màu đã ghi nhận hai tháng giảm mạnh liên tiếp trong năm 2025, tháng 1 giảm 32%, tháng 2 giảm 45% so với cùng kỳ.
Tính chung hai tháng qua, xuất khẩu mặt hàng này giảm 38% xuống 326.665 tấn. Tôn mạ là mặt hàng có số lượng xuất khẩu nhiều nhất và ghi nhận mức sụt giảm doanh số xuất khẩu lớn thứ hai (sau HRC) trong số các sản phẩm thép. Những con số này phản ánh hệ quả của căng thẳng thương mại trên thế giới leo thang và làn sóng áp thuế phòng vệ đang tác động trực tiếp đến ngành thép, đặc biệt là với tôn mạ - ngành dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu khẩu nhất.
Theo đó, trong hai tháng đầu năm nay, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 42% trong cơ cấu các thị trường tiêu thụ tôn mạ, giảm so với 64% của cùng kỳ năm ngoái. Mức độ cạnh phụ thuộc vào xuất khẩu này đang cao gấp đôi so với bình quân của cả ngành thép (khoảng 21%).
Ứng phó với thuế mới
Mới đây, ngày 2/4, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế mới, trong đó áp mức thuế cơ bản 10% đối với hàng nhập khẩu và thuế đối ứng cao hơn với hơn 60 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam và Trung Quốc. Điều đáng nói, mức thuế đối ứng áp cho Việt Nam lên tới 46%, dự báo sẽ tác động mạnh tới các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may và gỗ.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa nhìn nhận, năm 2018 ngành chịu mức thuế 25% nhưng tới nay lên tới 46% ngành thép chắc chắn ảnh hưởng, các doanh nghiệp khác cũng phải tìm cách đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu ngoài Mỹ như Trung Đông, Châu Phi, các khu vực mới nổi.
Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty CP Chứng khoán SSI Phạm Lưu Hưng cho biết, thông tin về chính sách thuế mới không gây bất ngờ cho thị trường vì cách đây vài ngày đại diện cơ quan Mỹ đã gửi báo cáo đánh giá về ước tính thương mại quốc gia.
Tuy nhiên, điểm bất ngờ với việc tính toán Việt Nam "áp" thuế lên Mỹ tới 90%, đã dẫn tới con số áp thuế "ngược" 46% và ảnh hưởng tới nước ta rất lớn. Ảnh hưởng của chính sách thuế này không chỉ dừng lại ở hơn 60 quốc gia, mà sẽ gây hệ lụy trên phạm vi toàn cầu tương đương với các đợt suy thoái kinh tế lớn hoặc đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thép cũng bắt đầu áp dụng giá bán mới. Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen thông báo tăng giá nhiều sản phẩm, bao gồm tôn mạ, thép dày mạ và ống thép mạ kẽm sẽ tăng 100 đồng/kg, áp dụng trên toàn quốc. Giá bán mới sẽ được áp dụng từ ngày 6/4/2025.

Ngành thép Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá
Kinhtedothi - Với xu hướng đẩy mạnh đầu tư công và áp dụng các biện pháp chống bán phá giá cho ngành thép trong nước, thị trường được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2025.

Ngành thép 2025: Hồi phục mạnh hay vẫn giằng co cung - cầu?
Ngành thép Việt Nam ghi nhận tăng trưởng tích cực trong năm 2024 nhưng vẫn phục hồi chậm. Bước sang 2025, thách thức gia tăng khi Mỹ áp thuế 25% lên thép nhập khẩu, trong khi nhu cầu nội địa kỳ vọng bứt phá nhờ đầu tư công và bất động sản.