Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu năm 2022

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022 tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc  và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2022
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội dự Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2022

Đóng góp gần 11.000 tỷ đồng cho ngân sách

Năm 2021, lĩnh vực tài chính, ngân sách và chứng khoán đạt thành tựu quan trọng. Thu ngân sách vượt 16,4% so với dự toán, trong đó thu trên thị trường chứng khoán khoảng gần 11.000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với năm trước.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ số VN-Index tăng thêm 35,7% so với mốc lịch sử 1.498 điểm vào phiên cuối năm, thanh khoản đạt mức gấp 2,6 lần 2020, đạt 26,6 nghìn tỷ đồng/phiên, đặc biệt giá trị giao dịch chứng khoán trong tháng 9 liên tục đạt trên 1 tỷ đô, có những phiênlên tới  2 tỷ đô.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 7,77 triệu tỷ đồng, tăng 46,8%, đạt 123% so với GDP 2020 chưa điều chỉnh, 92,6% so với GDP đã điều chỉnh. Số lượng nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán đạt mức kỷ lục (trên 1,5 triệu tài khoản), bằng 4 năm trước đó cộng lại.

Giá trị huy động vốn qua thị trường chứng khoán tăng 25% so với năm 2020, trong đó phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 155.588 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm trước. Huy động vốn cho ngân sách Nhà nước đạt 318 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn huy động bình quân dài nhất 13,92 năm và lãi suất huy động bình quân thấp nhất đạt 2,3% năm, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nợ công của Chính phủ.

Bước sang năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, tiếp tục là một năm khó khăn, Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ, thách thức của đại dịch Covid-19 dẫn tới lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới đang còn khó khăn, với những thay đổi, biến đổi liên tục thất thường của các hoạt động kinh tế. Bộ trưởng chỉ đạo ngành chứng khoán cần luôn đổi mới, chủ động để đạt được mục tiêu của mình, đạt được thành công trong năm 2022 và giao nhiệm vụ trọng tâm của ngành chứng khoán năm 2022, bao gồm:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, từ luật đến nghị định, chiến lược phát triển của ngành chứng khoán, các thông tư và quy định pháp luật có liên quan để bịt các lỗ hổng, đảm bảo cho TTCK phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, đúng đắn. 

Thứ hai, hoàn thiện xây dựng bộ máy, sau khi thành lập Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam, cần tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác tổ chức, bộ máy một cách linh hoạt nhất, hiệu quả nhất, chất lượng nhất. Tập trung cơ cấu lại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chuyên môn hóa cao. Bộ máy tốt, con người tốt sẽ có vai trò đảm bảo thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Thứ ba, xây dựng hệ thống trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, chuyên nghiệp để thuận lợi cho kinh doanh và thuận lợi trong công tác quản lý.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lí vi phạm, trục lợi trên TTCK.

VN-Index tăng gần 20 điểm, vượt mức 1.500 điểm

Tạm dừng phiên sáng 4/1/2022, VN-Index tăng gần 20 điểm, vượt mức 1.500 điểm. Toàn sàn có 319 mã tăng, 138 mã giảm và 52 mã đứng giá. HNX-Index vẫn giảm 0,57 điểm (-0,12%) xuống 473,2 điểm. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,48%) lên 113,22 điểm.

Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 18.636 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 15.597 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng khoảng 90 tỷ đồng ở sàn HoSE.

Các chuyên gia phân tích đánh giá, năm 2022 có thể là một năm không còn quá dễ dàng với TTCK. Mặc dù vậy, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi cơ hội cùng với chiến lược đầu tư cụ thể rõ ràng, các nhà đầu tư vẫn có thể gặt hái thành quả.

Báo cáo triển vọng TTCK năm 2022 của Công ty CP Chứng khoán SSI, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 của Chính phủ nằm trong khoảng 6 - 6,5%; CPI tăng khoảng 4%. Vì thế, trong trường hợp gói kích thích kinh tế được giải ngân có hiệu quả, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể vượt mức 7% trong năm 2022 trên nền so sánh thấp giai đoạn 2020 - 2021. Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng dần từ nửa đầu năm và đạt đỉnh trong quý 3/2022 (tốc độ tăng trưởng có thể lên tới hai chữ số). Việt Nam cũng như một số nước đang phát triển có thể tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ ít nhất là thêm một năm nữa.

Dựa trên triển vọng hồi phục khả quan của kinh tế Việt Nam, báo cáo của SSI có quan điểm tích cực đối với TTCK trong năm 2022. Tuy nhiên, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.

Về chỉ số VN-Index, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo, chỉ số này dao động trong khoảng 1.340 - 1.730 điểm,. Mức sinh lời cao của kênh đầu tư chứng khoán trong năm 2020 - 2021 đã thu hút sự quan tâm của một bộ phận lớn nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. “Chúng tôi cho rằng, điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường dự báo dao động trong khoảng 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên”- chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá.