Dành không gian cho người yếu thế

Đặng Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vẫn luôn dành sự quan tâm, bảo vệ cho những người yếu thế, dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông.

Nhưng sự quan tâm đó vẫn chưa được như kỳ vọng khi những người sử dụng xe thô sơ, đi bộ, người già, người khuyết tật buộc phải di chuyển chậm chạp hơn, nguy cơ rủi ro cao hơn, thậm chí họ còn phải đối diện với sự kỳ thị của nhóm những người sử dụng xe cơ giới.

Khi xây dựng hạ tầng giao thông, phần đường dành cho người đi bộ, người già, khuyết tật là một trong những điều kiện bắt buộc. Trên lòng đường, vỉa hè các tuyến phố hiện nay đều có phần đường riêng cho người đi bộ, dốc lên xuống thuận tiện cho xe lăn, làn đường gạch nối cho người khiếm thị.

Nhưng việc tôn trọng, bảo vệ khoảng không gian lưu thông cho nhóm người yếu thế này thời gian qua lại gần như bị lãng quên. Cơ quan chức năng quản lý không xuể, bộ phận không nhỏ người dân thì thờ ơ, thậm chí coi đó là sự phiền phức. Bằng chứng là vỉa hè khắp nơi bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán, đỗ xe. Dốc lên xuống vỉa hè có nơi bị bịt kín, đường dành cho người khiếm thị hư hỏng hoặc đỗ xe chắn lối...

Trên những trục chính, nơi mật độ giao thông dày đặc, nhiều cầu đi bộ trên cao đã được dựng lên để đảm bảo an toàn cho người sang đường. Nhưng hầu hết các cầu này lại không có dốc lên xuống cho xe lăn, xe đạp; người khuyết tật sử dụng nạng cũng gần như bó tay không leo nổi.

Không có phần đường dành riêng, phải chen chúc một cách chậm chạp ngoài ý muốn giữa muôn vàn xe máy, ô tô, nhóm người yếu thế trong giao thông đã phải nhận nhiều thành kiến hơn.

Hà Nội đang trên đà phát triển vũ bão của một đô thị hiện đại, dù là người lành lặn hay khuyết tật, trẻ trung hay già yếu, đi ô tô hay xe lăn, ai cũng có đóng góp chung cho TP, và không ai đáng bị bỏ lại phía sau.

Hơn nữa, TP đang khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện xanh, phương tiện vận tải công cộng để giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Muốn đạt được mục tiêu đó, cần ưu tiên kiến tạo không gian thuận lợi nhất cho người đi bộ, đi xe đạp.

Điều cần nhất trước mắt là phải “dọn sạch” vỉa hè, trả lại cho người đi bộ, đi xe lăn, người khiếm thị. Có hành lang kết nối này, người dân mới dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận được tàu điện, xe buýt, dần hình thành thói quen sử dụng phương tiện công cộng. Với những hạng mục như cầu, hầm bộ hành, hoặc ngay cả xe buýt cũng cần hết sức thuận tiện cho người khuyết tật lên xuống.

Khi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, mở rộng mạng lưới vận tải công cộng, Hà Nội không quên ưu tiên cho nhóm yếu thế. Nhưng thực tế xô bồ của một đô thị hối hả, sự thờ ơ đến vô cảm của không ít người dân, sự lúng túng bất lực của cơ quan chức năng đã bóp nghẹt không gian lưu thông dành cho họ.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ “Về tăng cường bảo đảm trật tự, và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025” trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, TP đề ra những yêu cầu thiết thực nhằm trả lại phần đường cho nhóm người dễ bị tổn thương nhất, đảm bảo mọi đối tượng khi tham gia giao thông đều được đối xử công bằng. Tuy nhiên, bản kế hoạch đó cần sớm được cụ thể hóa, hiện thực hóa, đáp ứng mong mỏi của người dân, góp phần giữa gìn trật tự, ATGT Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần