KTĐT - Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc, không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hàng trăm công ty Trung Quốc có giá cổ phiếu tăng gấp đôi trong vòng gần 2 năm qua, cá biệt nhiều cổ phiếu còn tăng tới 500%.
Mặc dù GDP đã chậm lại trong 2 quý vừa qua, Trung Quốc vẫn giữ đà tăng trưởng trung bình khoảng 10,2% từ năm 2006, bỏ xa hầu hết các nền kinh tế châu Âu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi, nhất là Trung Quốc, không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Bất chấp lo ngại về bong bóng nhà đất đang lên, nguy cơ về một cuộc chiến thương mại với phương tây, sự bất ổn của các nước láng giềng và sức ép của quốc tế lên đồng nội tệ, nhiều công ty Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng trưởng ngoạn mục.
Từ 1/1/2009, trong số 870 công ty niêm yết tại sàn giao dịch Thượng Hải thì giá cổ phiếu của 19 hãng đã tăng hơn 500%, 553 công ty có giá cổ phiếu tăng hơn 100%. Trong thời kỳ này, chỉ số Shanghai Index đã tăng 65%, trong khi các chỉ số trên NYSE bình quân chỉ tăng 29%.
Danh sách dưới đây dựa trên tiêu chí mức tăng giá cổ phiếu cao nhất từ 31/12/2008 đến 20/10/2010 tại sàn Thượng Hải. Các công ty này cũng phải có giá cổ phiếu hiện tại trên 3 USD. Tất cả giá cổ phiếu và giá trị vốn hóa thị trường đều được tính theo đơn vị USD.
1. Công ty thép Baotou Nội Mông
Công ty thép Baotou Nội Mông. |
Mức tăng cổ phiếu: 1.127%
Lĩnh vực: Vật liệu
Giá cổ phiếu: 12,96 USD
Vốn hóa thị trường: 10,47 tỷ USD
Đây là công ty có giá cổ phiếu tăng nhanh nhất tại sàn giao dịch Thượng Hải từ tháng 1/2009. Công ty này thuộc sở hữu nhà nước được đặt tại Baotou, phía bắc Trung Quốc, là thành viên của Tập đoàn Sắt Thép Baotou. Tập đoàn Baogang là chủ sở hữu công ty trên, hoạt động tại khu công nghiệp đất hiếm lớn nhất Trung Quốc và là tập đoàn công nghiệp lớn nhất tại khu vực Nội Mông. Công ty sản xuất nhiều sản phẩm thép như dầm, cột, đường ray, ống, cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn. Tập đoàn Baogang sản xuất khoảng 5 triệu tấn sản phẩm thép mỗi năm, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là sản phẩm phục vụ cho hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc.
Công ty thép Baotou Nội Mông tăng trưởng bứt phá trong năm 2009, giá cổ phiếu đã tăng hơn 2 lần trong vòng 6 tháng vừa qua với lượng giao dịch trung bình khoảng 30,8 triệu cổ phiếu mỗi ngày.
2. Công ty gốm sứ Gaochun Jiangsu
Công ty gốm sứ Gaochun Jiangsu |
Mức tăng cổ phiếu: 1.025%
Lĩnh vực: Công nghiệp
Giá cổ phiếu: 7,49 USD
Vốn hóa thị trường: 629,6 triệu USD
Đây là một trong những doanh nghiệp hưởng lợi từ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Nam Kinh. Quá trình này giúp phát triển các khu công nghiệp và thu hút lượng lớn đầu tư nước ngoài. Giang Tô cách cảng Nam Kinh gần 100 km và sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh 50 km, đây là một lợi thế để tiếp cận với thị trường thế giới.
Các sản phẩm của công ty bao gồm các mặt hàng gốm sứ công nghiệp và sản phẩm gốm thân thiện với môi trường và phục vụ đời sống hàng ngày. Sản phẩm của họ được tiêu thụ với số lượng lớn tại Mỹ và Nhật Bản.
3. Công ty hóa chất Ningxia Dayuan
Công ty hóa chất Ningxia Dayuan |
Mức tăng cổ phiếu: 940,5%
Lĩnh vực: Vật liệu
Giá cổ phiếu: 5,42 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 1,08 tỷ USD
Công ty hóa chất Ningxia Dayuan chuyên sản xuất và phân phối các sản phẩm nhựa và hóa sinh, cung cấp các sản phẩm nhựa, vật liệu thô, sợi cacbon và các phụ phẩm có thể tái sử dụng.
Giá cổ phiếu của công ty tăng hơn 940% kể từ đầu năm 2009. Theo Fianacial Times, đầu năm 2010, công ty này thông báo đã mua lại công ty Alashan Left Banner Zhula Gold Development với giá trị ước tính 245,35 triệu USD. Tuy chưa kết thúc nhưng kể từ khi có thông báo về thảo thuận mua bán trên, giá cổ phiếu của Ningxia Dayuan đã tăng gần 43%.
4. Công ty quang điện tử Sanan
Công ty quang điện tử Sanan. |
Mức tăng cổ phiếu: 804,3%
Lĩnh vực: Công nghệ thông tin
Giá cổ phiếu: 6,5 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 4,27 tỷ USD
Công ty quang điện tử Sanan nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm đi-ốt phát quang (LED) tại miền trung Trung Quốc. Đây là hãng sản xuất đèn LED lớn nhất tại nước này. Sản phẩm của Sanan khá đa dạng từ đèn LED panel, bóng đèn LED đến đèn đường LED, đèn sử dụng trong hầm. Công ty sở hữu 64 bằng sáng chế toàn cầu. Năng suất nhà máy đạt 500.000 đơn vị/tháng. 40% sản phẩm được xuất sang Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Công ty Sanan cũng là nhà cung cấp lớn với 53 loại mặt hàng, đơn hàng ít nhất là 300 đơn vị sản phẩm.
5. Tập đoàn Guangxi Wuzhou Zhongheng
Tập đoàn Guangxi Wuzhou Zhongheng |
Mức tăng cổ phiếu: 801%
Lĩnh vực: Y tế
Giá cổ phiếu: 3,38 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 1,84 tỷ USD
Tập đoàn Guangxi Wuzhou Zhongheng sản xuất và bán các sản phẩm dược, trong đó có sản xuất các loại thuốc điều trị bệnh tim mạch, mạch máu não và hô hấp. Là một trong những doanh nghiệp Trung Quốc phát triển nhanh nhất, công ty này hoạt động trên nhiều lĩnh vực gồm bất động sản, đồ uống, kinh doanh giải trí. Ngành công nghiệp dược của Trung Quốc đã được chính phủ hỗ trợ thông qua cuộc cải cách hệ thống y tế. Chính điều này đã tạo nên tăng trưởng đột biến trong nửa cuối năm 2009.
6. Tập đoàn Thực phẩm Haitong
Tập đoàn Thực phẩm Haitong |
Mức tăng cổ phiếu: 777,4%
Lĩnh vực: Sản phẩm tiêu dùng
Giá cổ phiếu: 4,79 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 1,1 tỷ USD
Tập đoàn thực phẩm Haitong chế biến, sản xuất và phân phối các sản phẩm thực phẩm đóng hộp, đông lạnh cho cả thị trường trong và ngoài nước. Dòng sản phẩm nổi tiếng nhất của hãng là Kaiz với 7 loại sản phẩm chính và hơn 200 mặt hàng có mặt tại Nhật Bản và Mỹ. Công ty cũng tham gia thúc đẩy “nền nông nghiệp hiện đai” tại Trung Quốc, phát triển các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh. Tuy nhiên, công ty này thừa nhận là sự phát triển của họ cũng phải dựa vào hỗ trợ từ phía chính phủ Trung Quốc.
7. Công ty Sichuan Western Resources
Công ty Sichuan Western Resources |
Mức tăng cổ phiếu: 763,8%
Lĩnh vực : Vật liệu
Giá cổ phiếu: 5,26 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 1,25 tỷ USD
Công ty Sichuan Western Resources chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác đồng và phân phối bột đồng, có trụ sở tại tỉnh Cam Túc. Công ty này được thành lập năm 1995 với năng suất chế biến quặng là 350.000 tấn/năm. Trong năm 2010, công ty Sichuan Western Resources tiến hành mở rộng quy mô, trong đó có viêc mua lại 80% mỏ chì – kẽm Yin Mai Nam Kinh. Khu mỏ này được dự đoán đến năm 2012 sẽ tạo ra 21 triệu USD/năm. Từ tháng 1/2009, giá cổ phiếu của công ty đã tăng vọt lên đến 763,8%.
8. Công ty Điện tử Anhui Sun Create
Công ty Điện tử Anhui Sun Create |
Mức tăng cổ phiếu: 727,1%
Lĩnh vực: Công nghệ thông tin
Giá cổ phiếu: 6,19 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 729 triệu USD
Nằm tai tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, công ty sản xuất, thiết kế, nghiên cứu, bán các bộ phận radar, các thiết bị phát truyền hình và truyền thanh, hệ thống điện tử tích hợp. Công ty cũng thiết kế đầu thu kỹ thuật số mặt đất, xây dựng hệ thống an ninh và các thiết bị điện trong nhà.
Công ty được thành lập vào tháng 8/2000 và niêm yết trên sàn Thượng Hải vào tháng 5/2004. Trong 2 năm qua, giá trị bán cổ phiếu trong năm 2009 đạt 86,27 triệu USD và đã tăng đột biến lên hơn 100% trong năm nay.
9. Công ty Taian Lurun
Công ty Taian Lurun. |
Mức tăng cổ phiếu: 666,9%
Lĩnh vực: Năng lượng
Giá cổ phiếu: 4,01 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 1,18 tỷ USD
Công ty Taian Lurun sản xuất và phân phối các sản phẩm dầu mỏ, khai thác than. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh chủ chốt, Taian còn kinh doanh bất động sản, khai thác vàng và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng thông qua các công ty con. Công ty Taian có trụ sở chính tại tỉnh Sơn Đông (phía đông Trung Quốc) và điều hành toàn bộ hoạt động của công ty trong nước. Công ty giao dịch tại sàn Thượng Hải với mã 600157.
10. Công ty Điện Tianjin Benefo Tejing
Công ty điện Tianjin Benefo Tejing. |
Mức tăng cổ phiếu: 645,5%
Lĩnh vực: Vật liệu
Giá cổ phiếu: 5,19 USD
Giá trị vốn hóa thị trường: 1,97 tỷ USD
Công ty Điện Tianjin Benefo Tejing được thành lập năm 1999, bắt đầu niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Thượng Hải năm 2001. Công ty sản xuất thiết bị điện và truyền tải điện, có chủ sở hữu là Tập đoàn Máy và Điện công nghiệp Tianjin Benefo. Hiện tại, họ đang có 1.400 nhân viên và được coi là tập đoàn mạnh nhất Trung Quốc trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện.
Benefo cung cấp các sản phẩm và thiết bị cho hàng loạt các dự án lớn của Trung Quốc như Đập Tam Hiệp, sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền và Thái Nguyên. Đồng thời, công ty cũng cung ứng dịch vụ cho Mỹ và các nước khác qua trang Alibaba.com.