70 năm giải phóng Thủ đô

Đánh thức tiềm năng di sản

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên cơ sở khung chính sách của quốc gia, Hà Nội là địa phương đầu tiên có Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa (CNVH).

(Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”). Trong đó, Hà Nội sẽ phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long-Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng Thành phố sáng tạo các di sản của Thủ đô như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã có những bước chuyển mình, ra mắt nhiều sản phẩm, tổ chức các hoạt động phong phú vừa góp phần phát huy các giá trị di sản, vừa giúp tăng doanh thu từ du lịch, góp phần vào sự phát triển kinh tế của TP và cải thiện chất lượng sống của cộng đồng.

Hay nói như PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, việc ra mắt các sản phẩm như tour đêm của Hà Nội đã cho thấy hiệu quả trong hợp tác công tư, mang lại lợi ích cho người dân và du khách, giúp mở rộng không gian sáng tạo tại các di tích khác; đồng thời mang lại sức sống cho các di sản, để Hà Nội xứng tầm là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thành phố sáng tạo.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong phát huy các giá trị di sản để làm kinh tế. Tại nhiều hội nghị, hội thảo, các chuyên gia về văn hóa cho rằng, một số di sản thế giới, cấp quốc gia tại Hà Nội mỗi năm mới chỉ đón vài trăm nghìn khách du lịch là chưa tương xứng với tiềm năng. Hà Nội có nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian, nhưng các nhà hát cấp TP chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long hoạt động hiệu quả.

Trong khi đó, làng nghề vốn cùng lúc có thể phát triển các lĩnh vực khác nhau của công nghiệp văn hóa như: Thiết kế, du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nhưng thực tế, sản phẩm thủ công mỹ nghệ sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo; số lượng làng nghề thu hút khách du lịch chưa nhiều.

Nói cách khác, di sản có giá trị đến mấy cũng chỉ là tài nguyên, và để khai thác được giá trị cần có sản phẩm. Nếu biết bảo tồn và khai thác, chúng ta còn có thể biến di sản văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, một ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, Hà Nội cần đào tạo đội ngũ am hiểu về văn hóa; hoạch định các chương trình dài hơi, cho ra đời những sản phẩm có chiều sâu, giàu bản sắc, bảo đảm mục tiêu quảng bá, tôn vinh di sản bền vững.

Để trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu Thành phố sáng tạo, TP cần đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa...

Đặc biệt, Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng. Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, với việc “đánh thức” các di sản công nghiệp như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên… là gợi ý, để di sản của Nhà máy có thể sẽ được tiếp nối, được tái sinh, trở thành những không gian văn hóa - sáng tạo; góp phần phát triển công nghiệp văn hóa.