Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm: cẩn thận tác dụng ngược

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm có thể dẫn tới tình trạng người dân rút tiền ồ ạt, không gửi tiền ngân hàng mà chuyển sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, USD… Điều này sẽ gây tác động xấu tới nền kinh tế.

Lo tiền “chạy” khỏi ngân hàng

Dự thảo tờ trình về việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính đang thu hút sự quan tâm của người dân, nhất là phần góp ý của UBND TP Cần Thơ. Theo đó, địa phương này đề xuất đơn vị soạn thảo nghiên cứu và mở rộng cơ sở thuế, theo hướng chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm có quy mô nhỏ và xem xét áp dụng thuế đối với các hộ gia đình thu nhập cao. Địa phương này đưa ra đề xuất trên với mục đích mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Các ngân hàng tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm. (ảnh: Lam Giang)
Các ngân hàng tăng cường huy động tiền gửi tiết kiệm. (ảnh: Lam Giang)

Bởi theo quy định hiện nay, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi. Riêng thu nhập từ lãi là tiền gửi doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trên thực tế, đề xuất tính thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm không phải mới. Năm 2005, ý tưởng này đã được đưa ra khi xây dựng luật Thuế Thu nhập cá nhân với tỷ lệ 10% tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, kỳ phiếu của người gửi. Tuy nhiên, mức tiền gửi bao nhiêu sẽ bị khấu trừ và những đối tượng nào sẽ thuộc diện đóng thuế này hiện chưa xác định. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỉ đồng trở lên. Nhưng sau nhiều ý kiến phản đối, đề xuất này đã không đưa vào luật Thuế Thu nhập cá nhân.

Ở thời điểm hiện tại, đề xuất đánh thuế khoản lãi tiền gửi tiết kiệm cũng đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Dưới góc độ một người đang có khoản gửi tiết kiệm tại ngân hàng, chị Phạm Thị Ánh Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, người dân gửi tiết kiệm đa phần vì không có kiến thức đầu tư kinh doanh, nên chọn gửi ngân hàng cho an toàn dù lãi suất thấp. Vì vậy, khoản lãi ít ỏi đó bị đánh thuế thì, ngân hàng sẽ không khuyến khích được tiền gửi tiết kiệm. “Nếu bị đánh thuế lãi gửi tiết kiệm, tôi sẽ rút khoản tiết kiệm đang gửi chuyển sang mua vàng tích trữ. Vì hiện nay giá vàng liên tục tăng” – chị Ngọc cho hay.

Không đồng tình với đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, có nhiều lý do không nên đánh thuế tiền lãi do ngân hàng trả cho người gửi tiền. Trước hết, do khoản thu từ việc đánh thuế này không đáng kể. Ví dụ, với khoản gửi tiết kiệm 100 triệu đồng vào ngân hàng, mỗi năm người gửi sẽ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, nguồn thu thuế từ lãi tiền gửi không quá lớn. Ngoài ra, nếu đánh thuế tiền lãi của khoản tiết kiệm có thể gây ra tình trạng “thuế chồng thuế”. Bởi người làm công ăn lương sau khi trừ đi thuế, còn dư một phần tiền mới đi gửi tiết kiệm. Nếu số tiền này lại tính thuế lần nữa thì không hợp lý.

Còn UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ và các khoản đầu tư dài hạn cần được miễn thuế, để khuyến khích tiết kiệm và phát triển kinh tế.

Lợi bất cập hại

Về bản chất, tiền gửi tiết kiệm là kênh đầu tư thì chịu thuế cũng là chuyện bình thường. Ở các nước phát triển, tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế bởi thu nhập của người dân ở mức cao, an sinh xã hội tốt đảm bảo cho cuộc sống của họ. Thêm vào đó, lãi suất của đồng tiền nội địa nước họ cũng khá ổn định, lãi suất luôn thực dương. Còn ở các nước đang phát triển thì có nước áp thuế đối với tiền lãi tiết kiệm, có nước không thực hiện nên việc tham khảo kinh nghiệm cũng nên chọn những nước tương đồng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, với tình hình thực tế của Việt Nam thì không nên áp dụng, vì lợi bất cập hại. Bởi, khoản tiết kiệm huy động từ người dân gửi vào ngân hàng là nguồn lực quan trọng để các ngân hàng chuyển ngược lại ra nền kinh tế. Nếu tiền lãi gửi tiết kiệm bị đánh thuế, rất có thể dẫn tới tình trạng người dân ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để chuyển qua các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản. Như vậy, đồng nghĩa với một lượng vốn lớn sẽ bị chôn chặt vào vàng và bất động sản, thay vì chảy vào sản xuất – kinh doanh. Gây ra tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất, lãi suất vay cao, giá bất động sản sốt ảo… tác động rất xấu tới nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lạm phát còn cao nên mức lãi suất thực dương hiện thấp. Những năm gần đây, lạm phát vào khoảng 4%, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn dài 12 tháng vào khoảng 6%/năm, lãi suất thực dương vào khoảng 2%, không lớn. Chưa kể, người gửi tiền ở các ngân hàng chủ yếu là người lớn tuổi, người về hưu có tiền tích cóp nhiều năm để phòng thân.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng luôn thấp hơn so với cho vay. Chẳng hạn như năm 2024, các ngân hàng cho vay 15,6 triệu tỉ đồng, tăng hơn 2,1 triệu tỉ đồng (tăng 15,08%) trong khi huy động vốn chỉ gần 14,7 triệu tỉ đồng, tăng 1,2 triệu tỉ đồng (tăng 9,06%). Dù thiếu vốn nhưng các ngân hàng vẫn không chạy đua tăng mạnh lãi huy động như những năm trước đây nhằm giữ lãi cho vay thấp hỗ trợ khách hàng. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay 16%, tương đương con số gần 2,5 triệu tỉ đồng tín dụng được đưa ra thị trường. Nghĩa là các ngân hàng sẽ cần huy động vốn nhiều hơn để cho vay.

Nguồn tiền gửi tiết kiệm là một trong những kênh huy động vốn chính của các ngân hàng và nền kinh tế, từ đó có nguồn vốn cho vay ra thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng vẫn đóng vai trò trụ cột.

Bộ Tài chính cho biết, định hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay nhằm đảm bảo nguồn thu bền vững, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế. Tuy nhiên, cơ quan này chưa đưa ra phương án cụ thể về việc có đánh thuế lãi tiền gửi hay không.