Danh tướng Nguyễn Xí - một thoáng lịch sử và huyền thoại

Giao Hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 30/4/2022, UBND tỉnh Nghệ An trang trọng tổ chức Lễ đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu lăng mộ - Đền thờ danh tướng Nguyễn Xí.

Đây là lúc nhìn lại những đóng góp to lớn của danh tướng này với đất nước, triều đại nhà Lê, cũng như những nét mới về cuộc đời của ông đã thành huyền thoại.

Đền Nguyễn Xí nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Nghệ An  
Đền Nguyễn Xí nhìn từ trên cao. Ảnh: Báo Nghệ An  

Vào sinh ra tử, phò vua giúp nước

Cuộc đời phò nhà Lê của Nguyễn Xí kể từ thời trứng nước, tạm chia làm 3 giai đoạn: Đến với Lam Sơn (1405 - 1417); vào sinh ra tử chống xâm lăng (1418 -1428); phò 4 đời vua trong đó “nhiếp chính tam triều” (1433 - 1465) như dân gian ca ngợi: “Nhiếp chính tam triều lo việc nước/ Phù Lê một dạ tỏ lòng trung”.

Tạo hóa thật khéo sắp xếp để Nguyễn Xí tướng võ đến trước, Nguyễn Trãi tướng văn đến sau, có mặt dưới cờ nghĩa Lam Sơn từ ngày đầu, 10 năm (1418 -1427) sát cánh cùng chủ tướng Lê Lợi nếm mật nằm gai chống xâm lược Minh, giải phóng đất nước, hai ông tướng văn, tướng võ trung quân ái quốc đều mười phân vẹn mười.

Nguyễn Xí nhiếp chính lần đầu vào năm 1433, Lê Thái Tổ để di chiếu cho Nguyễn Xí là Phụ nhiếp chính Lê Nguyên Long nối ngôi lúc 11 tuổi, hiệu Lê Thái Tông. Lần thứ hai vào năm 1442, vua Lê Thái Tông đột ngột băng hà, Thái bảo Nguyễn Xí (xếp thứ 3 trong “Tam thái”) tiếp tục được tiến cử Phụ nhiếp chính cho ấu vua Lê Băng Cơ mới hơn 1 tuổi, hiệu Lê Nhân Tông.

Lần thứ ba, bấy giờ ngài đã về hưu và giả mù. Để đám nghịch thần tin là ông mù thật, “ông mù” đành dậm chết người con trai thứ 16 chưa đầy một tuổi. Đêm 7/10/1459, Lê Nghi Dân sai Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lãng… mang quân vào cung giết vua Lê Nhân Tông và Thái hậu rồi xưng làm vua. Nhóm trung thần gồm Lê Ê, Lê Thụ, Đỗ Bí, Lê Ngang bàn làm binh biến trừng trị đám nghịch thần, song việc bại lộ, cả nhóm bị bè đảng Lê Nghi Dân sát hại. Nội triều nhà Hậu Lê chìm sâu trong nước sôi lửa bỏng.

Truyền ngôn rằng, ngày 6/6/1460, Nguyễn Xí vào phủ Rồng “chơi”, tiện thể “xem bói” bằng vân tay cho đám nghịch thần Phạm Đồn, Phan Ban, Trần Lãng. Đang xem vân tay cho tên đầu sỏ, Nguyễn Xí thình lình tóm cổ khóa tay hắn và lệnh cho các trung thần cùng tinh binh đang mai phục bên ngoài, lao vào tóm gọn đám nghịch thần, bắt Lê Nghi Dân tống giam.

Ngài cử người đi tìm đưa Lê Tư Thành (Hoàng tử thứ tư) về Thăng Long lên ngôi lấy hiệu Lê Thánh Tông. Sau cuộc ra tay mau lẹ dũng mãnh như Thần, trong dân Đại Việt truyền nhau bài thơ: Thiên hạ vi binh công mục manh/Thiên hạ vi binh công mục minh/Hành khan thế cuộc chuyện như binh/Như hà bất thinh đảo trà thanh (tạm dịch: Thiên hạ chưa yên mắt lão mù/Thiên hạ yên rồi mắt lão sáng/Việc đời như thế bèo chuyển xoay/Giã chè uống nữa tai nghe vắng).

Tấm lòng rộng mở đầy yêu thương

Tướng Nguyễn Xí xuất thân trong gia đình ông nội là Nguyễn Hợp - một Phật tử tu tại gia, Phật hiệu Pháp Đăng, bấy giờ tại Thượng Xá có Chùa Kim Tự cư dân gọi là Chùa Vàng, hằng ngày cụ Hợp tự nguyện đến thỉnh chuông chùa. Từ nhỏ, Nguyễn Xí đã nghe ông nói về nhân - quả, đại thể là ươm mầm yêu thương sẽ gặt hái yêu thương.

Tương truyền, số đông hàng binh tù binh Minh, Chiêm xin được ở lại Đại Việt mưu sinh (trong đó có các hàng tướng Nguyễn Sĩ, Nguyễn Tiềm người Minh; Chế Hiệp, Chế Lân, Chế Đá người Chiêm), Nguyễn Xí chủ động tâu xin và được vua chấp thuận, vua tin giao cho ngài quản lý giáo huấn số người này. Triều đình từng ban thưởng cho ngài 5.135 mẫu “lộc điền” tại 93 xã, 6 trấn, 25 huyện thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương; ở Nghệ An “lộc điền” có tại hàng chục làng xã thuộc 5 huyện.

Ngài bỏ tiền mua thêm 765 mẫu ở 2 tổng Thượng Xá (nay thuộc thị xã Cửa Lò), Đặng Xá (Cửa Hội), rồi lập “ba trang” (nay thuộc Nghi Hải, Nghi Xuân, Nghi Hòa) và “bảy trại” (thuộc Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong), cử con trưởng Thái úy Sư Hồi, con thứ 5 Thái bảo Kế Sài rời Thăng Long mang vợ con về quê lo việc quản giáo tù hàng binh, bố trí cho hàng nghìn thân phận “sống vô gia cư chết vô địa táng” về vùng đất mới sống xen với cư dân và con cháu ngài.

Được hưởng lòng trời biển của ngài, hàng nghìn người là tù binh được cư dân giúp đỡ chỉ bày trồng lúa trồng màu, kết quả giáo dưỡng tốt được phép lấy vợ người bản địa và trở thành công dân Đại Việt. Hai hàng tướng người Chiêm trình bày tâm nguyện được ngài vui vẻ nhận làm con nuôi. Tình thương bao la của Ngài xua tan mặc cảm thắng thua, tấm lòng của ngài vượt ra ngoài cương giới quốc gia.

Trở thành một huyền thoại

Sử sách chép, nghe tin Nguyễn Xí lâm bệnh nặng, vua Lê Thánh Tông nhiều lần đến tư dinh ở Thăng Long thăm hỏi. Vua sai đại thần đem biếu 1.000 quan tiền để lo thuốc thang. Ngày 30/10 năm Ất Dậu (1465), Nguyễn Xí mất, vua buồn than: “Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi” và bỏ triều 3 ngày không ngự. Thi hài ngài quàn tại Điện Kính Thiên, triều đình ban cấp mọi thứ, truy phong ngài chức Thái sư Cương quốc công (quan chế thời Lê chức Thái sư đứng đầu “Tam thái”).

Trước hôm đoàn rước di hài ngài về quê, hết thảy các đại thần tụ tập đông đủ kính cẩn tiến hành lễ dâng hương tiễn biệt. Ngày 13/12 năm Ất Dậu (1465) an táng ngài tại cánh Đồng Lầm xã Thượng Xá nơi 60 năm trước an táng song thân của Ngài.

Năm 1467 dịp kỵ đại tường Ngài, vua Lê Thánh Tông lập Cương Quốc Công Từ (Đền thờ Nguyễn Xí) tại làng Thượng Xá. Vua cử lưỡng quốc Trạng nguyên Nguyễn Trực viết văn khắc vào bia đá, vua phong "Hiển Uy Chính Nghị Anh Kiệt Trung Trinh Đại Vương", năm 1484 vua truy phong Thượng Đẳng Phúc Thần Trung Trinh Đại Vương. Tại Cương Quốc Công Từ lưu giữ, “Lê Thánh Tông ngự tứ mộ chí” (Mộ chí Lê Thánh Tôn ban): “Mộ của đặc tiến tam ty nhập nội kiểm hiệu Thái Sư Cương Quốc Công trên đất nước Việt Nam, đã được ban quốc tính tức là Lê Công”.

Nhân dân hầu hết các tỉnh thành trong nước lập thờ, dân gian xứ Nghệ huyền thoại Ngài là Thánh Hoàng Mười. Ở phía Nam kinh thành Huế, năm 1823 vua Minh Mạng lập dựng Đền “Lịch Đại Đế Vương” thờ các vị Vua thủy tổ, các danh tướng danh Thần kiệt xuất rạng rỡ sử Việt, trong đó có danh tướng Nguyễn Xí với sắc phong “Hiển Uy Chính Nghị Anh Kiệt Trung Trinh Đại Vương”.

Theo huyền tích, Ông Hoàng Mười là thiên quan trên Đế Đình, thần tiên trong chốn Đào Nguyên, theo lệnh thiên đình ông giáng trần để giúp dân, giúp nước. Hình tượng Ông Hoàng Mười gần gũi với bản lĩnh khí chất người Nghệ, đặc biệt gần với bản lĩnh khí chất Nguyễn Xí.

Truyền rằng, vua Lê giao cho trấn giữ vùng đất Nghệ An, Nguyễn Xí hết lòng lo cho dân. Năm ấy xứ Nghệ bị họa thiên tai, ngài lệnh mở kho lương cứu trợ dân, sai quân lính lên rừng đốn gỗ kết bè xuôi về giúp dân vùng hạ lưu dựng nhà.

Năm 1634 tức sau 170 năm Nguyễn Xí mất, dân làng Xuân Am xã Hưng Thịnh dựng xong Mỏ Hạc Linh Từ đã long trọng rước Quan Hoàng Mười - Nguyễn Xí về thờ, từ đó xuất hiện nhiều huyền thoại phủ lên đền Mỏ Hạc còn gọi là đền Ông Hoàng Mười.

Theo huyền tích, Đức Thánh Hoàng Mười giáng vào ba vị võ tướng từng được triều đình Đại Việt cử vào trấn thủ cai quản vùng đất Nghệ: 1. Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, sống ở thế kỷ XI; 2. Danh tướng Nguyễn Xí, công thần khai quốc nhà Hậu Lê, người con xứ Nghệ kiệt xuất, sống ở thế kỷ XV; 3. Danh tướng Lê Khôi, công thần khai quốc nhà Hậu Lê, sống ở thế kỷ XV, bị ốm mất tại xứ Nghệ.

 

Huyền tích dân gian về Ông Hoàng Mười - Nguyễn Xí xuất hiện ngoài chính sử, suy cho cùng là một cách giải thích về biểu tượng Anh hùng xứ Nghệ - Anh hùng Việt Nam gắn với một nam Thần tiêu biểu, hiện tượng này nằm trong tín ngưỡng dân gian về biểu tượng người Anh hùng giữ nước đã thành di sản văn hóa truyền thống, dần được dung nạp vào hệ thống Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần