Đảo quốc bầu cử, châu lục lo ngại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/5 tới, nước Anh sẽ diễn ra cuộc bầu cử quốc hội – sự kiện được coi là bước chuyển mang ý nghĩa định mệnh đối với vương quốc Anh.

Cử tri trên đảo quốc không chỉ quyết định đương kim thủ tướng David Cameron và Đảng Bảo thủ tiếp tục được cầm quyền hay bị thủ lĩnh phe đối lập Ed Miliband và Công đảng Anh truất vị mà còn định hướng cho cả tương lai của đảo quốc ở trong hay rời khỏi EU.
Đương kim Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và lãnh đạo Công đảng đối lập Ed Miliband.
Đương kim Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và lãnh đạo Công đảng đối lập Ed Miliband.
Cử tri nước Anh cũng sẽ cho biết liệu Đảng Độc lập Anh (Ukip) có còn được tin cậy đến mức có thể tiếp tục liên minh cầm quyền với Đảng Bảo thủ như trước hay không và Đảng Scotland với quan điểm tách Scotland ra khỏi Liên hiệp vương quốc Anh và Bắc Ireland sẽ được ủng hộ đến mức nào. Cho nên, đảo quốc bầu cử mà châu Âu lục địa lại không thể không lo ngại.

Nếu ông Cameron và Đảng Bảo thủ thắng cử thì sẽ phải thực hiện cam kết tranh cử từ năm 2010 là tiến hành tổ chức trưng cầu dân ý trong năm 2017 về nước Anh tiếp tục là thành viên của EU hay ra khỏi EU. Nếu ông Miliband và Công đảng Anh thắng cử thì sẽ không có cuộc trưng cầu dân ý nói trên nhưng vì thắng cử sẽ không được vang dội mà chỉ suýt soát nên lực lượng bảo thủ và không thân thiện với EU vẫn rất mạnh. Có nghĩa là mối quan hệ giữa nước Anh và EU vẫn không ổn định và khó lường.

Nhiều khả năng Đảng Ukip bị mất hết vai trò chính trị, trong khi vị thế của Đảng Scotland lớn mạnh hơn. Đảng này đã tuyên bố không hợp tác với ông Cameron và đã bị ông Miliband cự tuyệt. Việc thành lập chính phủ liên minh mới sẽ không dễ dàng và khả năng phải sớm tổng tuyển cử lại không thể bị loại trừ. Dù tới đây xảy ra kịch bản nào trên đảo quốc thì EU cũng vẫn chịu tác động tiêu cực không nhỏ, sự khác biệt chỉ là nhiều hơn hay ít hơn mà thôi.