Đảo quốc nhỏ trong cuộc chơi lớn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu không xảy ra biến cố bất ngờ trong thời gian tới thì quần đảo Solomon ở giữa Thái Bình Dương sẽ ký kết thỏa thuận hợp tác quân sự với Trung Quốc.

Thỏa thuận này chưa hẳn giúp Trung Quốc có được căn cứ hải quân ở quần đảo nhưng gây dựng được sự hiện diện quân sự trực tiếp và tàu chiến cập cảng.

Sau khi quần đảo này cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc, việc hai bên nhanh chóng thể chế hóa quan hệ hợp tác, kể cả về quân sự, là điều không có gì khó hiểu.

Trước đó, Mỹ đã quyết định mở lại đại sứ quán thường trú tại quần đảo này sau thời gian vắng bóng rất dài. Australia và New Zealand đã biểu lộ sự quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc gây dựng sự hiện diện quân sự trực tiếp ở quần đảo Solomon làm thay đổi cục diện chính trị, quân sự ở khu vực này trong khi phía quần đảo vẫn quả quyết không làm suy chuyển gì mọi mối quan hệ hợp tác lâu nay với Australia và New Zealand.

Mỹ, Trung Quốc coi trọng khu vực này và đều tìm cách tranh thủ quần đảo Solomon, tạo ra cho quần đảo này cơ hội tham gia cuộc chơi lớn. Con chủ bài chiến lược duy nhất mà quần đảo Solomon hiện có được cho cuộc chơi lớn này là vị trí địa chiến lược. Cho đến thời điểm hiện tại, bên ngoài có thể thấy chính quyền quần đảo này bỏ quan hệ với Đài Loan để chọn quan hệ với Trung Quốc chứ không phải thiên lệch hẳn về phía Trung Quốc và xa lánh Mỹ, Australia, New Zealand.

Cân bằng quan hệ giữa Mỹ, Australia, New Zealand ở một bên và Trung Quốc ở phía bên kia giúp quần đảo này có được vị thế quan trọng trong chiến lược của các đối tác kia nhưng là cuộc chơi không hề dễ chơi và ẩn chứa nhiều rủi ro bất định. Dân gian có câu "Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết" và nếu như không còn được bên này coi trọng như trước nữa thì quần đảo sẽ lệ thuộc nhiều hơn trước vào phía bên còn lại.