Đào rừng trên đất Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Dân chơi” đào rừng ở Hà Nội giờ có thể không phải lên các tỉnh miền núi phía Bắc để tìm được cành đào rừng như ý, bởi vài năm trở lại đây, đào rừng đã được trồng trên đất Thủ đô.

Ông Nguyễn Đình Cường giới thiệu về đào phai cho khách mua.
Ông Nguyễn Đình Cường giới thiệu về đào phai cho khách mua.
Thôn Minh Tân hay còn gọi là Đồng Đò, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km, đây là địa phương vùng sâu, vùng xa của Hà Nội, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.

Về Đồng Đò vào những ngày cuối năm, nơi đây nhộn nhịp hơn bởi có nhiều khách về đây tìm mua đào rừng. Dọc hai bên trục đường chính của thôn Đồng Đò gần như nhà nào cũng có 5-10 cây đào rừng, với những nụ hoa đang chớm nở.

Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Đồng Đò cho biết, Đồng Đò là thôn là một trong những thôn khó khăn nhất của Thủ đô nên ước vọng thoát nghèo khiến cán bộ và người dân nơi đây rất lớn. Luôn tìm cách khai thác tiềm năng, lợi thế, trong đó chú trọng vào tìm loại cây phù hợp với vùng đất cằn khô để từng bước làm thay da đổi thịt vùng đất này.

“Hiện gia đình tôi có 112 gốc đào rừng và đã cho thu hoạch từ 3 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm được khoảng 70 triệu đồng. Trước đây, tôi trồng nhãn nhưng không hiệu quả, năm 2006 bắt đầu trồng đào rừng và thấy đây là loại cây chủ lực, chất đất ở vùng đất này rất hợp nên cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây khác” - ông Cường tâm sự. Cũng theo ông Cường, gia đình ông ngoài trồng đào rừng còn nuôi hàng trăm con gà và 40 con lợn thả vườn.

 
Anh Nguyễn Đình Chiêu bên cây đào phai đã cho thu hoạch.
Anh Nguyễn Đình Chiêu bên cây đào phai đã cho thu hoạch.
Cùng ở thôn Đồng Đò, Anh Nguyễn Đình Chiêu -người có hơn 3.000 gốc đào được trồng trên diện tích 3ha chia sẻ: “Đào rừng khác với đào Nhật Tân, đây là loại cây rất khó điểu khiển. Việc tuốt lá, tưới nước chỉ là phụ, 70% phụ thuộc vào thời tiết. Bình thường hàng năm gia đình tôi tuốt lá loại cây này vào tháng 11 (âm lịch), thời tiết thuận lợi thì nụ sẽ rất đều và nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán”. Anh Chiêu cũng cho biết, sau mỗi vụ bán cành, nếu không chăm sóc tốt, tỉa cành hợp lý thì cuối năm cây đào sẽ không có cành đẹp và hoa đẹp để bán.

Đào rừng ở Minh Tân thường được những người mua buôn ở dưới trung tâm Hà Nội lên đặt mua từ trước Tết khoảng 1 tháng. Tuy nhiên vào những ngày giáp Tết ở đây vẫn nhộn nhịp, bởi du khách lên đây mua đào rừng, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 khách về đây tìm mua.

Xã Minh Trí có tổng diện tích đất tự nhiên 2.435,37ha, địa bàn xã là vùng đồi gò, ruộng bậc thang lồi lõm, đất bạc màu. Trong đó, Đồng Đò rộng tới 1.000ha nhưng chỉ có trên 130 hộ với khoảng 600 nhân khẩu. Đất rộng nhưng có tới 70% diện tích là rừng và hồ thủy lợi, chỉ có 30% là đất sinh sống và sản xuất của người dân, đất nông nghiệp chỉ khoảng 20ha. Tuy có rừng nhưng là rừng phòng hộ nên người dân Đồng Đò không thể khai thác rừng trồng mà chỉ nhận công chăm sóc nên không thể giúp các hộ làm ăn khấm khá. Không có đất nông nghiệp, thiếu nước tưới, lương thực chẳng dôi dư khiến người dân Đồng Đò chỉ nuôi con gà, con lợn để cải thiện mà không thể phát triển chăn nuôi lớn.
Một số hộ gia đình ở thôn Đồng Đò đã kết hợp trồng cây đào phai và nuôi gà đồi
Một số hộ gia đình ở thôn Đồng Đò hiện đang kết hợp trồng cây đào phai và nuôi gà đồi.
Ông Nguyễn Đình Cường, Trưởng thôn Đồng Đò cho biết, nhờ một số hộ dân mạnh dạn mang cây đào phai (đào rừng) về trồng và cho thấy hiệu quả kinh tế tốt nên xã và thôn sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới. Bên cạnh đó là khai thác lợi thế về đất đồi rộng để đưa các mô hình chăn nuôi lợn sạch, rau sạch, gà đồi trên diện tích 50ha, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái và nghỉ cuối tuần ở hồ Đồng Đò. Hy cây đào phai sẽ là cây chủ lực giúp người dân nơi đây và là thương hiệu của thôn Đồng Đò mỗi khi nhắc đến địa danh trồng cây đào phai ở Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần