Đó là vấn đề được Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh tại Tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 17/3, trong khuôn khổ chương trình Hội Báo toàn quốc 2023.
Đáp ứng nhu cầu học tập của các hội viên
Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, từ năm 2020 đến hết năm 2022, Trung tâm đã tổ chức được 333 hoạt động cho hơn 10.000 lượt hội viên Hội Nhà báo trong cả nước.
Thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng các chương trình bồi dưỡng cho các lớp học trực tuyến ở các địa bàn bị ảnh hưởng nhiều của dịch bệnh. Nhờ hình thức học mới mẻ và hấp dẫn, các học viên có thể nắm vững kỹ năng, kiến thức giảng viên truyền đạt. Đồng thời, tổ chức lớp học trực tiếp tại các tỉnh thành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu học tập của các hội viên - nhà báo trên toàn quốc.
Các khóa học do Trung tâm tổ chức chủ yếu tập trung vào 3 mảng chính: Kỹ năng cho các loại hình báo chí (228 lớp học); Chuyên đề, chuyên sâu (101 lớp học) và 4 hội thảo, tọa đàm (cả trực tuyến và trực tiếp). Có một số điểm mới về công tác bồi dưỡng của Trung tâm trong các năm vừa qua như: Tổ chức các lớp học mới để bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất longform cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, ngăn chặn tin tức giả…
Trong năm 2023, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên trên tất cả các lĩnh vực. Tăng cường chất lượng và hiệu quả các khóa học, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chuyên môn nghiệp vụ của các nhà báo và các cán bộ quản lý của các cơ quan báo chí. Cùng với việc tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng về kỹ năng làm báo hiện đại cho các loại hình báo chí, Trung tâm sẽ đặc biệt chú trọng việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ người làm báo Việt Nam bằng cách lồng ghép các cuộc trao đổi đạo đức nghiệp vụ trong các chương trình bồi dưỡng mang tính thực tiễn cao.
Ngoài ra, Trung tâm sẽ tiếp tục tranh thủ xây dựng các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế để tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo và nghiên cứu báo chí. Các hoạt động hợp tác quốc tế với sự tham gia của chuyên gia nước ngoài giúp các nhà báo Việt Nam có thêm những kiến thức cập nhật về xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông trên thế giới và những kinh nghiệm phong phú trong tác nghiệp.
Trang bị kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật, nghiệp vụ
Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu đã đánh giá về các khóa bồi dưỡng của Trung tâm tổ chức, những điểm mạnh và những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Đồng thời đề xuất những kỹ năng cần thiết hiện tại mà các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mong muốn bồi dưỡng cho phóng viên, biên tập viên trong bối cảnh báo chí hiện nay; các hình thức và phương thức tổ chức các khóa bồi dưỡng như nào cho hợp lý…
Nhà báo Hoàng Lâm - Tổng Thư ký toà soạn báo Lao Động cho biết, thời gian qua, báo Lao Động đã tạo điều kiện cho nhiều cộng tác viên, thực tập sinh còn rất trẻ. Các nhà báo trẻ hiện nay, không những được đào tạo bài bản mà khi về các cơ quan báo chí còn được tạo điều kiện hỗ trợ phương tiện, thiết bị làm việc...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi, để đào tạo nghiệp vụ bồi dưỡng báo chí theo nhu cầu hiện nay cũng như đáp ứng với xu hướng báo chí quốc tế, các đơn vị báo chí cần đào tạo nội dung làm tin, bài cho đội ngũ những người làm báo tại các tỉnh, thành sao cho phong phú, sinh động, tạo được sức hút mạnh mẽ. Đồng thời, cần đào tạo dưới nhiều hình thức, phương tiện, từ đó trang bị về kiến thức, kỹ năng cũng như kỹ thuật, nghiệp vụ cho các phóng viên, biên tập viên một cách đầy đủ nhất. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu cập nhật tin tức kịp thời, nhanh nhạy, chính xác và tạo hiệu ứng tốt nhất đến độc giả.