Đào tạo giáo dục đại học: Chất lượng là bài toán sống còn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ khép lại và vẫn tái diễn nghịch cảnh: trường thừa nguồn tuyển, trường lại không thể thu hút được thí sinh, thậm chí chấp nhận đóng cửa không ít ngành đào tạo.

Ở một góc độ khác, dường như việc thiếu thừa này lại đưa ra quá nhiều cảnh báo về chất lượng đào tạo, cũng như những khoảng trống của hệ thống giáo dục đại học.

 

Lượng tăng, chất chưa kịp định hình

Nhiều chuyên gia cho rằng, kỳ tuyển sinh vừa qua có thể coi là thất bại với không ít trường ngoài công lập và cả công lập. Mặc dù, nhiều giải pháp đã được kiến nghị, nhiều phương án được các trường triển khai, nhưng kết thúc đợt tuyển nguyện vọng 3 (NV3) vẫn có đến hơn 60 trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Có trường đến ngày tuyển sinh cuối cũng không có người học, đành "vơ bèo vạt tép" cho đủ chỉ tiêu, làm sai quy chế của Bộ, gửi giấy báo cho cả những thí sinh không có nhu cầu. Các trường ĐH này không quan tâm đến chất lượng sinh viên, chỉ quan tâm tới có nhiều người học, đảm bảo không phải đóng cửa ngành.

Thực trạng này được cho là kết quả của việc mở trường ồ ạt trong những năm qua, nhưng lại không tương xứng với sự phát triển đội ngũ giảng viên, khả năng đầu tư và cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo, dẫn đến chất lượng bị thả nổi. Theo thống kê, từ năm 1987 đến năm 2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần, nhưng số giáo viên chỉ tăng 3 lần. Hiện số trường ĐH, CĐ lên tới hơn 450 trường và đang có xu hướng tăng để đến năm 2020 sẽ có 573 trường. Trong khi đó, đội ngũ giảng viên lại thiếu, không ít người dạy tới 1.000 tiết/tháng thay vì 260 tiết như quy định. Cùng với đó là chất lượng đầu vào giảm sút, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Mọi biện pháp để có người vào học như vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh 2011 hay người giới thiệu thí sinh đến học cũng được tiền, thí sinh vào trường cũng được thưởng... rất nguy hiểm. Giáo dục đang thương mại hóa!

Qua thực tế chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng: Điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đang rất yếu, có trường trung cấp vừa nâng cấp lên CĐ mới hai năm đã được nâng tiếp lên ĐH. Như thế làm sao đảm bảo các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo. Đây là việc không nên, bởi các trường trung cấp, CĐ mạnh về đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, khi nâng lên bậc cao hơn sẽ không phát huy được thế mạnh của mình trong khi lại yếu ở việc đào tạo lý thuyết của bậc ĐH. Làm như thế chúng ta sẽ mất trường trung cấp tốt trong khi lại có trường CĐ non và mất trường CĐ tốt để có trường ĐH non.

Cải cách nâng cao chất lượng

Những bất cập của giáo dục ĐH hiện nay là hậu quả của việc mở trường ĐH tuỳ tiện, không có tính toán, không có quy hoạch, đây cũng là một loại bệnh thành tích.

GS Nguyễn Minh Thuyết

Bài toán chất lượng là sự quyết định sống còn của các trường ĐH kể cả công lập hay dân lập, đó là vấn đề nổi lên qua thực tế tuyển sinh vừa qua. Các trường không tuyển được phàn nàn về việc Bộ GD&ĐT cứng nhắc trong vấn đề tuyển sinh, điểm sàn không phù hợp với năng lực của học sinh. Nhưng thực tế xã hội cho thấy, không phải cứ học ĐH là có việc làm, nhiều ngành được mở ra và đào tạo một cách ồ ạt còn chưa ai kiểm định chất lượng đào tạo một cách thẳng thắn. Nên các thí sinh luôn có sự cân nhắc rất kỹ trước khi chọn lựa trường để học, dựa trên chất lượng đào tạo, sự chấp nhận và nhu cầu của xã hội. Những trường không tuyển được vừa qua phần lớn rơi vào các trường ngoài công lập, các trường ĐH vùng vừa được nâng cấp và một số ngành xã hội đang ít nhu cầu.

Không ít trường ĐH ngoài công lập như ĐH Hoa Sen, Thăng Long, Phương Đông... vẫn là nơi lựa chọn của thí sinh, vì đã khẳng định được chất lượng đào tạo. Ngoài những yếu tố "kỹ thuật" của việc tuyển sinh "ba chung" hay "hai chung" khối ngoài công lập đang đề xuất, các trường nên đối mặt thực tế là cải cách nâng cao chất lượng để thu hút thí sinh là điều cần thiết lúc này. Bởi việc không tuyển được, giải thể đang là dấu hiệu tốt của sự sàng lọc tự nhiên. Nhiều chuyên gia cũng đặt ra vấn đề, thay vì ồ ạt mở thêm trường, Bộ nên tính đến có sự phân tầng trong giáo dục ĐH và đẩy mạnh công tác kiểm định đầu ra, để từ đó thị trường quyết định ai tốt thì tồn tại, ai không tốt sẽ bị đào thải.