Đào tạo nghề gắn với DN: “Cái bắt tay” mang lại nhiều lợi ích

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, trong lĩnh vực đào tạo lao động, việc bắt tay hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và DN đã mang lại lợi ích cho cả 2 bên. Bên đào tạo có cơ sở vật chất, thiết bị máy móc cho người học được thực hành nghề. Phía DN tuyển dụng được nhân lực có tay nghề vững, không mất thời gian đào tạo lại.

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục

Theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội, Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND Thành phố về thực hiện Chương trình 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021- 2025”, Sở LĐTB&XH được giao các chỉ tiêu gồm: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75 – 80%; Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ 55 – 60%; Mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 người.
 Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đang hết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra. Ảnh: Thuỷ Trúc.

Theo Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐTB&XH Lê Minh Thảo: “Trong số các chỉ tiêu trên, chỉ tiêu về số lượng lao động được đào tạo hàng năm là tiền đề. Bởi, chúng ta đào tạo được càng nhiều lao động sẽ góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo và có chứng chỉ, bằng cấp”.

Để đạt được chỉ tiêu về số lượng lao được đào tạo, Sở LĐTB&XH đã đề xuất và được Thành uỷ, UBND TP cho phép triển khai Nghị quyết “Chính sách khuyến khích học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng” và Đề án “Rà soát, sắp xếp các trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc TP”.

Theo ông Lê Minh Thảo, đối với việc thu hút tuyển sinh, Sở LĐTB&XH đã tập trung vào công tác tuyên truyền. “Hiện nay, người dân vẫn có tư tưởng sính bằng cấp, chưa chú trọng tham gia học nghề. Do đó, tình trạng thừa thầy thiếu thợ vấn diễn ra. Nhiều DN cần lực lượng lao động trình độ học nghề (chưa yêu cầu đào tạo trung cấp, cao đẳng) nhưng việc tuyển dụng khó khăn. Do đó, việc tuyên truyền hướng đến mục tiêu có thể thay đổi nhận thức của người dân, khuyến khích học sinh gia học nghề một cách tích cực hơn” – ông Lê Minh Thảo chia sẻ.

Bên cạnh việc thu hút tuyển sinh, Sở LĐTB&XH đã triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, giải pháp cốt lõi, quan trọng nhất là gắn liên kết việc đào tạo của các cơ sở giáo dục với DN. Trưởng phòng Dạy nghề - Sở LĐTB&XH Lê Minh Thảo nhấn mạnh: “DN cần gì, chúng ta đào tạo lĩnh vực đó. Đồng thời, đào tạo học viên phải gắn với giải quyết việc làm. Ngày xưa, chúng ta kết hợp với DN chủ yếu là đưa học sinh đi thực tập. Nhưng bây giờ, DN đặt hàng chúng ta đào tạo. Sau khi ra trường, học sinh vào làm tại DN”.

Cùng với việc “bắt tay” với DN, Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND TP Hà Nội xây dựng các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Đến nay, TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án: “Đầu tư trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đồng bộ thành trường chất lượng cao, đào tạo một số nghề trọng điểm cấp độ quốc tế”.

Năm 2021, 16 trường được phê duyệt đầu tư 29 nghề trọng điểm (các nghề ở cấp độ quốc tế, cấp độ ASEAN, cấp độ quốc gia) đã tuyển sinh được gần 14.000 học sinh, sinh viên; gần 6.000 học sinh, sinh viên học các nghề trọng điểm đã tốt nghiệp trong năm và có khoảng 97% học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, trong thời đại hội nhập quốc tế, Sở LĐTB&XH đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp. Theo Sở LĐTB&XH, việc hợp tác quốc tế với các trường đại học, cao đẳng, tập đoàn, công ty của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới luôn được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm triển khai hàng năm ở nhiều nội dung như tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình, bồi dưỡng giáo viên, trang bị cơ sở vật chất... mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ tiên tiến, bắt kịp xu hướng phát triển của thị trường lao động thế giới. Thông qua chương trình hợp tác quốc tế, các đơn vị đã xây dựng được các mô hình vừa liên kết đào tạo, vừa tạo môi trường cho các em học sinh được thực hành, thực tập kết hợp nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ vào sản xuất thực tế.

Đào tạo nghề cho 224.500 người

Năm 2022, Sở LĐTB&XH đặt mục tiêu: Tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người (trong đó: Cao đẳng 25.000, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 171.500); Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt từ 72,2% (trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2%); Giải quyết việc làm cho 160.000 lao động; Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống dưới 4%.
 Giờ học của sinh viên ngành Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội (ảnh chụp trước thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội).

Để đạt được kết quả trên, Sở LĐTB&XH sẽ triển khai nhiều giải pháp như: Tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; Nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với DN, nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với đó, Sở LĐTB&XH sẽ tiếp tục tham mưu UBND TP đầu tư trường chất lượng cao, nghề trọng điểm đối với các trường đã được Bộ LĐTB&XH, UBND TP phê duyệt. Cụ thể, theo Sở LĐTB&XH sẽ ưu tiên đầu tư 4 trường cao đẳng công lập thuộc TP để trở thành trường chất lượng cao theo tiêu chí được quy định tại Quyết định số 761/QĐ-TTg với một số nghề trọng điểm đề nghị được đầu tư (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội; Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội).

Tập trung đầu tư trang thiết bị để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia đối với các trường đã được Bộ LĐTB&XH phê duyệt, lựa chọn.

Trong công tác giải quyết việc làm, Sở LĐTB&XH tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường công tác tuyên truyền, khảo sát nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, đánh giá tác động sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến các DN vừa và nhỏ. Đưa ra nhiều cách thức tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các điểm, sàn giao dịch việc làm trên địa bàn TP và tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đến đăng ký hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp; Tiếp tục hỗ trợ cho người dân, hộ gia đình, các tổ chức có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động trong thời buổi dịch bệnh vẫn còn kéo dài.