Đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, sáng 6/6.

ĐB Tôn Thị Ngọc Hạnh - tỉnh Đăk Nông cho biết, thực tế nhiều năm qua, người dân luôn đặt mục tiêu cho con em mình vào học đại học và như vậy tất yếu số người học nghề ít đi. Rõ ràng giải pháp cũng như các chính sách dạy nghề chưa đáp ứng được và đủ sức thuyết phục người học. Vấn đề đặt ra hiện này là làm sao có chính sách để người dân coi mục tiêu cho con em mình vào học nghề như học đại học. Bởi vậy cần thể hiện rõ chính sách tạo sự phân luồng để hình thành hai hệ thống giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
“Dự án Luật đã đề cập một số chính sách, cơ chế cho người học như: Chính sách miễn giảm học phí; hình thức, nội dung học đa dạng, phong phú; cơ chế dạy nghề mở, bảo đảm quyền học nghề của mỗi người, tuy nhiên những chính sách này chưa đủ mạnh với tính chất, đặc của dạy nghề. Vì vậy cần có điều, khoản, luật để khuyến khích đào tạo dạy nghề theo đơn đặt hàng, nghĩa là có sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để hạn chế thấp nhất lao động có tay nghề nhưng không có việc làm…” - ĐB Hạnh nói.

Theo ĐB Đặng Thị Kim Liên - tỉnh Yên Bái, hiện nay các bậc phụ huynh chỉ mong muốn con học đại học, kèm với đó là cách nhìn chưa đầy đủ về học nghề dẫn đến làm mất cân, thiếu hụt lao động trong đào tạo nghề, tỷ lệ người tốt nghiệp đại học, cao đẳng làm trái nghề được đào tạo rất cao. Bên cạnh đó, chương trình dạy nghề thực sự chưa tương thích với công nghệ sản xuất hiện đại của doanh nghiệp để doanh nghiệp quan tâm ưu tiên tuyển chọn lao động tại chỗ.

“Trên cơ sở này tôi đề nghị luật sửa đổi theo hướng mở rộng khuyến khích đối tượng học nghề đối với những nghề đặc thù, nghề mũi nhọn và cả khi người học tốt nghiệp cả khóa đào tạo nghề; luật cần quy định sự phối hợp giữa Bộ LĐTB&XH và Bộ GD-ĐT trong định hướng, phân luồng tuyển sinh học nghề từ, THCS, THPT; dự Luật dạy nghề cần tính đến tính đồng bộ trong các luật liên quan: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Doanh nghiệp, Luật Việc làm… như vậy công tác đào tạo nghề sẽ không bị chồng chéo, lãng phí; Luật phải coi doanh nghiệp là chủ thể trong quá trình dạy nghề, rà soát tổng thể nhu cầu lao động, trình độ đào tạo, loại hình lao động trước khi tuyển sinh vào dạy nghề. Có cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào tạo việc làm tại khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong khoản thu phục vụ hoạt động dạy nghề về đầu tư của doanh nghiệp trong quy trình hoạt động của cơ sở dạy nghề…” - ĐB Liên đề nghị.

Trong khi đó, theo luật hiện hành đối với những đối tượng tốt nghiệp THCS học trung cấp nghề phải đào tạo 3-4 năm, kéo dài do buổi học phải học văn hóa THPT từ 1-2 năm. Tuy nhiên, Luật quy định như vậy đã tạo ra những bất cập là nhiều học sinh thuộc nhóm đối tượng này có học lực văn hóa thấp không thể học lên THPT, phải đi học nghề. Nhưng theo quy định vẫn phải học văn hóa chương trình THPT nên vô hình chung tạo sức ép tâm lý cho người học dẫn đến việc chán học, bỏ học trong quá trình học nghề. Mặt khác có nhiều đối tượng đã học hết chương THPT nhưng không thể tốt nghiệp, theo Luật hiện khi vào học nghề vẫn phải hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông. “Đây là một trong những lý do làm cho dạy nghề chưa thu hút được đối tượng là học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề” - ĐB Lê Thị Yến - tỉnh Phú Thọ cho biết.

Cũng theo ĐB Yến, chính sách học nghề nội trú đã cản trở học sinh tốt nghiệp THCS, THPT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu học nghề. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi lần này cần phải mở rộng đến các đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận, được hưởng chính sách dạy nghề cho người dân tộc thiểu số nội trú.

“Hiện nay, nhiều nghề trong nước và quốc tế đang rất cần như: Nghề hàn, xây dựng, luyện kim, các nghề thuộc nhóm nghề hầm lò nhưng lại rất khó tuyển sinh, do điều kiện lao động rất vất vả. Vì vậy, để thu hút học sinh vào học các nghề trên thì việc miễn học phí học nghề cho trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các nghề khó tuyển sinh như này là rất cần thiết” - ĐB Yến nói thêm.

Ngoài ra, các ĐB Quốc hội cũng thảo luận về tên gọi và phạm vi, quy mô sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật; xác định loại hình cơ sở dạy nghề; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề; xã hội hóa hoạt động dạy nghề; hợp tác quốc tế về dạy nghề…