Trong thời gian qua Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt thông qua các tuyên bố tại COP26 và COP27. Những cam kết này không chỉ khẳng định vai trò của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu mà còn tạo ra động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện Nghiên cứu Kinh doanh cho rằng: “Để đạt được các mục tiêu giảm phát thải, việc phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu trong lĩnh vực tín chỉ carbon là yếu tố quyết định. Các chương trình đào tạo và dịch vụ hỗ trợ thị trường tín chỉ carbon không chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng mà còn giúp đảm bảo sự tham gia hiệu quả của Việt Nam vào thị trường này. Vì vậy, việc tiếp tục đầu tư vào đào tạo, mở rộng hợp tác quốc tế và phát triển các dịch vụ liên quan là cần thiết để Việt Nam vừa thực hiện được các cam kết quốc tế, vừa khai thác hiệu quả các cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải toàn cầu và thúc đẩy phát triển bền vững".
Để đào tạo được nguồn nhân lực chuyên sâu cho thị trường carbon, GS Võ Xuân Vinh đã đưa ra các giải pháp đó là: "Đầu tư vào đào tạo và phát triển chuyên gia có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như đo lường, báo cáo và xác minh lượng phát thải. Việt Nam có thể học hỏi từ các chương trình của Verra, nơi cung cấp đào tạo chuyên sâu về cách thức áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho các dự án carbon. Việc này sẽ giúp Việt Nam xây dựng một đội ngũ chuyên gia có khả năng đánh giá và phát triển các dự án carbon chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Trung Đông – Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn: “Trong lĩnh vực thị trường tín chỉ carbon, mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực đều có những đặc thù riêng. Vì vậy, việc đào tạo, nâng cao hiểu biết về khả năng hấp thụ và giảm thải carbon của từng loại cây trồng là vô cùng cần thiết.
Theo đó, nhà trường đã liên kết với một số đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực về tín chỉ carbon. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế ở Việt Nam hiện nay, số lượng chuyên gia về tín chỉ carbon còn tương đối khiêm tốn. Vấn đề này xuất phát từ việc Việt Nam mới tham gia vào tín chỉ carbon, các nguồn lực, công nghệ liên quan đa số phụ thuộc hoàn toàn vào quốc tế".
Với nhiều kinh nghiệm về giảm phát thải khí nhà kính trong đô thị, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh) cho rằng: "TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu như nhiệt độ tăng, thay đổi lượng mưa, ngập lụt, nước biển dâng… Do đó, đòi hỏi nguồn lực lớn cả về tài chính, công nghệ và nhân lực sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch hành động và phát thải cacbon thấp của TP. Thực hiện hiệu quả chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu hướng đến TP phát thải carbon thấp là một nhiệm vụ tương đối khó khăn".