Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo sau đại học: Bộ đang buông lỏng

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ việc Học viện Khoa học xã hội tuyển hơn 2.000 chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ (ThS), tiến sĩ (TS) trong một năm, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng ĐH Công đoàn khẳng định, Bộ GD&ĐT đã cho đơn vị này đăng ký số lượng quá nhiều nhưng lại không có kiểm tra, giám sát về chất lượng.

Thất nghiệp thành... tiến sĩ
Tuyển sinh đào tạo sau ĐH với nhiều chỉ tiêu là tình trạng chung ở nhiều trường hiện nay. Thực tế, những năm gần đây, các trường được tự xác định và đăng ký, nên lượng chỉ tiêu còn "vượt ngưỡng" hơn so với lúc được Bộ GD&ĐT giao. Khi số lượng được phép tuyển nhiều như vậy, nên có những trường hợp không đủ điều kiện cũng được “chiếu cố’’, đương nhiên tỷ lệ sàng lọc không cao. Một nguyên nhân nữa dẫn đến chất lượng đào tạo sau ĐH kém cũng được PGS Dương Văn Sao chỉ ra, đó là đầu vào ThS và TS là đầu ra ĐH, song chất lượng đào tạo ĐH đang... có vấn đề. Rồi không ít người tốt nghiệp ĐH không kiếm được việc làm, nên đi học ThS, khi ra trường vẫn thất nghiệp lại tiếp tục nghiên cứu sinh. Người học thiếu thực tiễn, rõ ràng không thể đảm bảo chất lượng học tập.

Giờ học trên giảng đường của sinh viên trường Đại học Sư phạm 2. Ảnh: Nguyễn Đức

Thứ nữa, Bộ GD&ĐT giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo, nhưng công tác kiểm tra, giám sát cũng như chế tài xử lý các vi phạm chưa đủ mạnh, dẫn đến không ít trường vi phạm quy định. Có trường kê khai một số nhà khoa học đã về hưu là giảng viên thỉnh giảng nhằm lấy số lượng PGS, GS để được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Thực tế, giảng viên cơ hữu mới được hướng dẫn làm luận văn, nên có tình trạng một người hướng dẫn rất nhiều người, TS ngành này lại hướng dẫn ThS, nghiên cứu sinh ngành khác. Và khi có nhiều người học ThS, TS với mục đích tạo thuận lợi trong công việc, thăng tiến, thì họ quan tâm đến tấm bằng nhiều hơn là tiếp nhận kiến thức để áp dụng vào thực tế.
Luận văn như báo cáo khoá luận sinh viên
Một vấn đề đã nhiều lần được xới lên, song chưa hề có cải thiện là khâu làm luận văn ThS. Theo PGS Sao, trừ những cơ sở đào tạo y, kỹ thuật, tự nhiên đòi hỏi chuẩn xác, các ngành xã hội và kinh tế, luận văn ThS của học viên chẳng cần xác nhận của ai. Vậy là, thay vì đi nghiên cứu thực tế để có số liệu, họ sao chép luận văn của nhau, chỉ thay tên và địa điểm thực tập. “Sau nhiều năm hướng dẫn làm luận văn sau ĐH, tôi biết có trường số lượng đào tạo ThS nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh ĐH. Về chất lượng đào tạo ThS, nếu kiểm tra nghiêm túc, nhiều luận văn như báo cáo khóa luận của sinh viên ĐH. Mà sinh viên có thời gian làm nên nhiều luận văn còn chất lượng hơn” – PGS Sao nhận định.
Để nâng cao chất lượng đào tạo sau ĐH, ông Sao cho rằng, cần có giải pháp tổng hợp. Trước mắt, Bộ GD&ĐT cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo sau ĐH, bằng cách rà soát lại quy định nào chưa phù hợp thì điều chỉnh. Khi Bộ đã giao quyền tự chủ cho các trường về đào tạo, thì phải có các chế tài thật nghiêm để xử lý những vi phạm và tăng cường kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cũng cần có sự đổi mới công tác đào tạo sau ĐH. Vừa qua, Bộ đã thay đổi quy định đào tạo TS, nhưng đào tạo ThS vẫn buông lỏng về nội dung, chất lượng và kiểm duyệt luận văn. Việc này dẫn đến đầu vào lỏng lẻo, quá trình đào tạo không chuẩn. Về lâu dài, Nhà nước đưa ra nghị quyết về cải cách toàn diện giáo dục đào tạo, bắt đầu từ phổ thông, ĐH và sau ĐH. Làm quyết liệt mới nâng được chất lượng đào tạo sau ĐH, còn nếu như hiện nay, thời gian tới sẽ là phổ cập ThS.
Số trường ĐH và học viện nhiều, lực lượng cán bộ của Bộ GD&ĐT mỏng, nhưng cần tìm cách tăng cường kiểm tra, để không xảy ra tình trạng vi phạm như ở Học viện Khoa học xã hội.
PGS.TS Dương Văn Sao