Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đào tạo từ xa: Khoảng 40% số tốt nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng

Thuỷ Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều trường đại học (ĐH) coi đào tạo từ xa (ĐTTX) như công việc làm thêm để tăng thu nhập, công nghệ đào tạo chưa phát triển, quy trình kiểm tra và thi lạc hậu dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo.

Sáng 21/4, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Nâng cao chất lượng ĐTTX theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Báo cáo thực trạng giáo dục từ xa tại Việt Nam, PGS.TS Lê Văn Thanh - nguyên Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, Trưởng nhóm chuyên gia thông tin: Hầu hết, các trường ĐH có quy mô lớn nhất thế giới đều là những trường ĐH phát triển mạnh về ĐTTX, có số sinh viên chiếm đa số như ĐH Indira Gandhi (Ấn Độ) với quy mô hơn 3,5 triệu sinh viên; ĐH Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) 1,95 triệu sinh viên; Trường ĐH Mở Allama Iqbal Islamabad (Pakistan) 1,8 triệu sinh viên...

Nhiều người đã đi làm theo học từ xa để bồi dưỡng nghiệp vụ

Nhiều nước trên thế giới, coi ĐTTX là công cụ hữu hiệu để phục vụ việc học tập suốt đời và phát triển đất nước thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Thế nhưng, tại Việt Nam hình thức ĐTTX đang bị thách thức rất nghiêm trọng. Đến nay, Bộ GD&ĐT cấp phép cho 21 trường ĐH tiến hành các chương trình ĐTTX nhưng chỉ có 17 trường tuyển sinh được.

Đáng lưu ý, trong 3 năm nay quy mô tuyển sinh ĐTTX ngày càng giảm sút. Năm 2012 có 17 trường ĐH đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐHTX với tổng số 68.020 chỉ tiêu, quy mô 161.047 sinh viên (chiếm 6% tổng số sinh viên ĐH, CĐ) thì đến tháng 10/2016 giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên.

“Hiện nay, công tác tuyển sinh hệ ĐTTX ngày càng gặp nhiều khó khăn, một phần do nguồn tuyển sinh là những người đã có việc làm, cơ bản đã hoàn thành phổ cập chương trình ĐH, CĐ muốn học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn không cần lấy bằng cấp. Không chỉ thế, việc nhiều trường ĐH được thành lập mới đã tạo cơ hội cho người học nhiều sự lựa chọn hơn, làm giảm thị phần đối với ĐTTX...”, ông Văn Thanh chỉ ra nguyên nhân.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, rào cản chính dẫn đến những khó khăn, thách thức mà các trường ĐH có đào tạo từ xa đang gặp phải chính là: Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn phát triển ĐTTX nhưng chưa có kế hoạch hành động cụ thể ở cấp bộ, ngành.

Nhiều trường có ĐTTX chưa đầu tư công sức, tài chính để sản xuất học liệu và phát triển công nghệ, dẫn tới việc tổ chức dạy tập trung tại các địa phương thông qua các trạm đào tạo, tạo ra sự biến tướng của loại hình đào tạo này.

Nhiều trường coi ĐTX như là việc làm thêm để tăng nguồn thu. Quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng còn lỏng lẻo, dẫn tới sự quan ngại cho dư luận xã hội.

Định kiến xã hội về loại hình ĐTTX không có thầy dạy trực tiếp làm sao việc học tập được đảm bảo, khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng và văn bằng của loại hình đào tạo này. Người sử dụng lao động không tuyển dụng những người có bằng ĐTTX cũng khiến cho chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Thông tin về việc thi, kiểm tra, đánh giá ĐTTX, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết thường được tiến hành theo phương pháp tự luận và tổ chức tại các trạm tiếp nhận chương trình ĐTTX ở địa phương. Vì vậy, có nơi có lúc chưa đảm bảo tính nghiêm túc, khách quan. Một chỉ số phản ánh chất lượng ĐTTX là tỉ lệ số học viên tốt nghiệp trên tổng số học viên nhập học ban đầu.

Và, trong điều kiện thực tế hiện nay, khi cơ sở vật chất còn thiếu thốn, công nghệ đào tạo chưa được cải tiến đáng kể; phương thức xét tuyển đầu vào không thi tuyển sinh; chưa ứng dụng được công nghệ kiểm tra, thi, đánh giá theo phương pháp trắc nghiệm khách quan dẫn đến tỷ lệ tốt nghiệp chỉ khoảng 30 - 40% mới phù hợp với yêu cầu về chất lượng đào tạo.