Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạt chỉ số SIPAS, Hà Nội tiến gần mục tiêu hoàn thành nông thôn mới

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thuộc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quản lý (chỉ số SIPAS) là một trong 8 chỉ tiêu mà Hà Nội cần đảm bảo để đưa thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chỉ số SIPAS bình quân của các tỉnh, TP trên cả nước đạt 82,66%.
Chỉ số SIPAS bình quân của các tỉnh, TP trên cả nước đạt 82,66%.

Chỉ số SIPAS khó đạt trên 90%

Theo Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương muốn về đích cần có chỉ số SIPAS đạt từ 90% trở lên.

Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, kết quả thực hiện chỉ số SIPAS của TP trong kỳ đánh giá gần nhất đạt 83,57%, đứng thứ 21 của cả nước.

Thêm vào đó, chỉ số SIPAS bình quân của cả nước cũng chỉ đạt 82,66%. Tính trên bình diện cả nước, chỉ 3 tỉnh, TP có chỉ số SIPAS đạt trên 90%. Điều đó cho thấy việc thực hiện chỉ số này gặp khó ở hầu hết các địa phương.

Đại diện Văn phòng Điều phối cho biết, để tháo gỡ khó khăn về chỉ số SIPAS, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND TP Hà Nội có Văn bản số 1286/UBND-KTN gửi Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT, trong đó đề nghị hai bộ xem xét, tham mưu, đề xuất giảm tỷ lệ quy định tại nội dung số 8 Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 4/6/2024, Bộ Nội vụ có Văn bản số 3143/BNV-CTTN về việc phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương trong thực hiện nội dung số 8, Quyết định số 321/QĐ-TTg gửi Bộ NN&PTNT.

Theo đó, Bộ Nội vụ có ý kiến: trên cơ sở báo cáo của 44/63 địa phương nêu những khó khăn, vướng mắc chung gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện nội dung số 8 Quyết định số 321/QĐ-TTg, mức độ đáp ứng cần nhiều thời gian hơn.

Do đó, Bộ Nội vụ đồng tình với kiến nghị của các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị Thủ tướng Chỉnh phủ điều chỉnh nội dung số 8 tại Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ “đạt từ 90% trở lên” còn “đạt từ 80% trở lên”.

Huyện Hoài Đức đã được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Huyện Hoài Đức đã được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Hoàn thành nông thôn mới trong năm 2025

Trên cơ sở tham mưu của Bộ Nội vụ và Bộ NN&PTNT, cũng như ý kiến đề xuất của các tỉnh, TP, ngày 15/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 125/QĐ-TTg sửa đổi khoản 8 Điều 1 Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, TP trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, theo quy định mới tại Quyết định 125/QĐ-TTg thì một trong các chỉ tiêu tỉnh, TP trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là: Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS) đạt từ 80% trở lên.

Với quy định mới nhất vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành, Hà Nội đã đảm bảo tiêu chí thứ 8 trong tổng số 8 tiêu chí bắt buộc để một tỉnh, TP hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chỉ số SIPAS đạt từ 80% trở lên).

Theo Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn, tiêu chí cuối cùng Hà Nội cần đạt để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là “Có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Với 17 huyện, thị xã, TP cần có ít nhất 4 huyện về đích nông thôn mới nâng cao. Thời gian qua, với sự chỉ đạo rốt ráo của UBND TP, Hà Nội đã có 3 huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Thanh Trì, Gia Lâm và Hoài Đức.

“Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã họp, xem xét đề xuất huyện Đông Anh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; kết quả nhìn chung rất khả quan. Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ theo đề nghị để trình Thủ tướng công nhận huyện Đông Anh về đích; phấn đấu đưa Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2025” - ông Ngọ Văn Ngôn cho biết thêm.