Đặt cọc, giữ chỗ trường tư: Cuộc chơi đầy may rủi

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời điểm này, thông tin tuyển sinh từ lớp 1 đến lớp 12 được các trường phổ thông ngoài công lập truyền thông rầm rộ đến phụ huynh học sinh bằng nhiều hình thức. Cùng một số chính sách ưu đãi, các trường cũng triển khai đồng thời cơ chế đặt cọc, giữ chỗ để giữ chân học sinh.

Chấp nhận rủi ro

Số tiền đặt cọc, giữ chỗ, bảo lãnh ở các trường ngoài công lập dao động khoảng từ 10 đến 30 triệu đồng/học sinh (tùy trường). Nếu học sinh nhập học chính thức, tiền đặt cọc sẽ được quy đổi sang các khoản cơ bản: Phí nhập học, cơ sở vật chất, đồng phục, học phí... tùy quy định về mức thu của các nhà trường.

Nhiều trường ngoài công lập đã khởi động mùa tuyển sinh năm học 2023- 2024 (Ảnh FBNT)
Nhiều trường ngoài công lập đã khởi động mùa tuyển sinh năm học 2023- 2024 (Ảnh FBNT)

Với những phụ huynh có định hướng cho con học trường tư thục, dù không muốn bỏ một khoản tiền để đóng phí giữ chỗ nhưng họ vẫn chấp nhận quy định đặt cọc và coi đó là hình thức ghi danh cần thiết nằm trong chiến lược tuyển sinh của các nhà trường. Số lượng học sinh đặt cọc càng nhiều chứng tỏ sức hút của trường càng lớn và công tác tuyển sinh tiến về đích nhanh hơn, sớm hơn, thành công hơn.

Trong khi tâm lý nhà trường là mau chóng chốt số lượng thí sinh thông qua đặt cọc thì tâm lý của phụ huynh đa phần ngược lại. Trừ những gia đình có điều kiện khá giả hoặc phụ huynh có một mục tiêu duy nhất cho con, còn lại phụ huynh muốn trì hoãn hoặc kéo dài thời gian đặt cọc để có nhiều cơ hội suy nghĩ, tham khảo, xin ý kiến hoặc có điều kiện để thi và biết kết quả các trường có chất lượng tương đương hoặc ở mục tiêu cao hơn. Chung quy lại là không ai muốn mình bị mất tiền và muốn hạn chế thấp nhất rủi ro.

Là trường thông báo tuyển sinh sớm nhất cho năm học 2023- 2024, trường Tiểu học và THCS Newton 5 (Khu đô thị Thanh Hà, huyện Thanh Oai) tổ chức kỳ thi học bổng đợt 1 dành cho đối tượng học sinh lớp 5 lên 6 vào đầu tháng 11/2022. Kỳ thi được quảng bá rộng rãi và thu hút khá đông học sinh tham dự với lệ phí 200.000 đồng/học sinh. Mức học bổng trường đưa ra cực hấp dẫn (từ 30-70% học phí, trong đó với mức học bổng dưới 50% sẽ được duy trì hết cấp học THCS). Kết quả của kỳ thi đã gửi qua mail cho phụ huynh khá nhanh sau đó và như những lần trước, kèm thư chúc mừng học sinh đạt học bổng là lời nhắn về cơ chế đặt cọc, giữ chỗ. Năm học 2023- 2024, phí giữ chỗ trường đưa ra là 12 triệu đồng/học sinh và thời hạn là trước 2/12//2022.

Mới đi được ¾ chặng đường của kỳ 1 lớp 5, trường đã gửi tin nhắn yêu cầu đặt cọc giữ chỗ cho lớp 6, nếu không kết quả thi học bổng sẽ không còn giá trị. Và nếu không học vì bất cứ lí do gì, số tiền 12 triệu kia sẽ không được hoàn lại nên nhiều phụ huynh rất suy nghĩ, cân nhắc trước khi quyết định rút hầu bao đặt cọc cho con.

“Đặt cọc xong thì con chắc chắn có suất học tại đây với khá nhiều ưu đãi. Trường rộng rãi, môi trường tốt, thầy cô giỏi, tâm huyết… nhưng quá sớm để quyết định con sẽ học trường nào vì trước mắt, con còn muốn thử sức vào nhiều trường tư thục có tiếng khác cũng như trường THCS chất lượng cao…”, chị Nguyễn Thị Hòa, quận Thanh Xuân, phụ huynh một học sinh lớp 5 cho biết.

Theo thông báo mới đây của trường Liên cấp Tiểu học & THCS Ngôi sao Hà Nội, dự kiến tháng 25/2/2023, trường sẽ tổ chức Kỳ thi học bổng Ngôi sao lần thứ 11 với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn; đồng thời trường sẽ lấy kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh lớp 6. Như nhiều năm trở lại đây, trường THCS Archimedes (Cầu Giấy) cũng tổ chức thi vào lớp 6 từ rất sớm với 2 vòng thi: Tuyển sinh lớp thường và tuyển sinh lớp nâng cao. Cả Ngôi sao và Archimedes đều có mức đặt cọc khoảng 20 triệu đồng.

Với các trường ngoài công lập khác như Nguyễn Siêu, Ban Mai, FPT, Đoàn Thị Điểm, Lương Thế Vinh…, hình thức đóng phí giữ chỗ là yêu cầu bắt buộc, tiên quyết trong tuyển sinh của các nhà trường; không học thì không hoàn trả. Cá biệt và hiếm hoi có hệ thống Marie Curie, sau đặt cọc giữ chỗ, nếu không học sẽ được hoàn tiền.

Đâu là căn cứ quyết định?

Tất nhiên, đa số phụ huynh sau khi đã đặt cọc thì sẽ cho con theo học. Nhưng số còn lại, đặt cọc rồi bỏ cọc cũng không quá hiếm.

“Tôi xác định đặt cọc như cuộc chơi may rủi. Tôi đặt cọc để mua sự yên tâm cho mẹ và sự an toàn cho con, đây cũng là phương án dự phòng khá chắc chắn. Trường tôi chấp nhận đặt cọc phải đáp ứng được những yêu cầu, tiêu chí cơ bản, đã nằm trong danh sách các trường mục tiêu con mong muốn học ở năm sau”- chị Nguyễn Thu Hương, trú tại quận Cầu Giấy chia sẻ.

Tuyến sinh sớm, về đích sớm là chiến lược trong công tác tuyển sinh trường tư thục (Ảnh:FBNT)
Tuyến sinh sớm, về đích sớm là chiến lược trong công tác tuyển sinh trường tư thục (Ảnh:FBNT)

Theo chị Hương, sau khi đặt cọc, chị thấy bớt áp lực hơn và vẫn cho con ôn tập cũng như đăng ký thi vào các trường tư có tiếng hay trường CLC trên địa bàn. Trường tư thường có kết quả thi sớm, còn trường công lập CLC thông thường tổ chức thi trong tháng 6 và biết kết quả thi sau đó 15 ngày. “Chờ kết quả thi, chưa biết con đỗ hay không trong khi số học sinh rất đông, mức độ cạnh tranh thi cử quá lớn ở cả trường công và trường tư. Nếu không nhanh tay, con có thể bơ vơ không biết học đâu. Do vậy, dù khó khăn nhưng nếu con đỗ học bổng hoặc chỉ cần đủ tiêu chuẩn đỗ trường nào là tôi sẽ đặt cọc cho con ngay. Nếu vào năm học mới, gia đình có phương án khác thì coi như chấp nhận mất số tiền đặt cọc."- chị Hương quả quyết nói.

Trở lại các năm học trước, với các trường tư thục uy tín như Ngôi sao, Archimedes, Lương Thế Vinh, Đoàn Thị điểm…, phụ huynh cũng từng rất đau đầu về chuyện đặt cọc, nhất là khi các trường yêu cầu đặt cọc quá sớm hoặc khi trường khác chưa thi/thi rồi nhưng chưa có kết quả.

“Hôm nay trường A báo đỗ và yêu cầu đặt cọc trong khi mai trường B mới có kết quả thi. Nếu con đỗ, tôi đương nhiên chọn trường B nhưng nếu trượt, tôi muốn quay về học trường A cũng đã hết chỗ. Chọn A hay B? Đặt cọc hay không đặt cọc là việc không dễ dàng với phụ huynh"- phụ huynh Nguyễn Ngọc Hưng giả định.

Mỗi mùa tuyển sinh có những trường hợp cha mẹ nhanh chóng nộp phí giữ chỗ cho con ngay khi có kết quả tuyển sinh, nhưng khi con thi đỗ vào trường cao hơn thì lại quyết định bỏ cọc. Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh trú tại quận Hà Đông kể: Năm trước tôi mất 9 triệu khi đặt cọc trường THCS & THPT Lương Thế Vinh bởi sau khi đã đặt cọc thì mới biết con đỗ chuyên Lý, trường THPT Nguyễn Huệ. Tuy gia đình rất vui nhưng riêng mẹ thì trong niềm vui còn có nhiều phần tiếc nuối vì... đau ví.

Thực tế, có gia đình không đặt cọc và khi con trượt tất cả các nguyện vọng mới tá hỏa đi xin đóng tiền thì nhận được câu trả lời là trường đóng cửa tuyển sinh do đủ chỉ tiêu rồi. Trường hợp của học sinh Nguyễn Ngọc Hải, trú tại quận Hoàng Mai, con chị Đinh Hải Hà là ví dụ. Tại kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2022- 2023, con chị Hà đủ điều kiện vào lớp tiêu chuẩn của trường FPT với phương thức xét học bạ. Khi nhà trường yêu cầu đặt cọc, chị Hà lần lữa không đóng với suy nghĩ "không thiếu chỗ, thiếu trường. Tuy nhiên, sau biết điểm chuẩn, con trượt hết nguyện vọng. Lúc này, chị Hà mới tá hỏa gọi điện cho văn phòng tuyển sinh trường FPT xin đóng cọc thì nhận được câu trả lời là "Trường hết chỉ tiêu, không nhận hồ sơ". Cuối cùng, chị Hà đành ngậm ngùi cho con theo học tại một trường THPT dân lập không mấy danh tiếng khác.

Lựa chọn học ở đâu và quyết định có đóng tiền đặt cọc hay không là quyền của phụ huynh, học sinh. Câu chuyện đặt cọc, giữ chỗ tưởng dễ mà không dễ này vẫn làm đau đầu phụ huynh mỗi dịp tuyển sinh. Để bớt cân não hoặc mất tiền oan, phụ huynh nên đặt ra và tập trung vào các tiêu chí gồm: Sức học của con, mục tiêu của con và điều kiện gia đình để chọn cho mình phương án thoải mái nhất, có lợi nhất và an toàn nhất.