"Đất vàng" ở Hà Nội được định giá... 2 triệu đồng/m2

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hơn 1.131m2 đất nằm trên phố Lý Thường Kiệt - một trong những phố chính đẹp nhất Thủ đô Hà Nội, đã được cổ phần hóa "thành công" với mức giá… 2,056 triệu đồng/m2.

KTĐT - Hơn 1.131m2 đất nằm trên phố Lý Thường Kiệt - một trong những phố chính đẹp nhất Thủ đô Hà Nội, đã được cổ phần hóa "thành công" với mức giá… 2,056 triệu đồng/m2.

Sự việc này chỉ được phát hiện khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) thanh tra việc cổ phần hóa (CPH) Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội. Đợt thanh tra này nằm trong kế hoạch CPH đã được phê duyệt. Được biết để tiến hành công tác CPH doanh nghiệp, Cuối tháng 9/2006, Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội đã ký hợp đồng, thuê Công ty Dịch vụ tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán thuộc Bộ Tài chính (Công ty AASC) làm dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp CPH.

Tháng 10/2006, Tổng cục Du lịch đã phê duyệt giá trị thực tế của Công ty để cổ phần hóa là 47,86 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn Nhà nước 30,52 tỷ đồng, tài sản không cần dùng 5,38 tỷ đồng. Công ty còn quản lý, sử dụng 4.444m2 đất với hình thức thuê đất (tại TP Hạ Long 4.139m2, thành phố Huế 305m2).

Quá trình thanh tra CPH tại đơn vị này đã xác định rõ sai phạm trong việc định giá 1.113,35m2 diện tích sàn xây dựng ở 30A Lý Thường Kiệt - trụ sở Công ty Du lịch Việt Nam tại Hà Nội.

Khu đất vàng này được AASC áp dụng đơn giá 2,056 triệu đồng/m2 theo Quyết định 81/2005/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội về ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc trên địa bàn thành phố làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.

Tương tự, 677,18m2 nhà làm việc của chi nhánh công ty tại số 14 đường Nguyễn Văn Cừ (TP Huế) được AASC áp dụng đơn giá 1,34 triệu đồng/m2 theo Quyết định số 3721/2005/QĐ-UBND của UBND Thừa Thiên - Huế về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế để sử dụng vào mục đích Quốc phòng, An ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và mục đích phát triển kinh tế.

Theo Thanh tra Chính phủ thì việc AASC áp dụng đơn giá để tính giá trị nguyên giá đối với 2 nhà nêu trên là không đúng theo quy định tại Thông tư số 126/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến việc định giá của hai ngôi nhà này chưa đúng với giá trị thực tế của tài sản. Trách nhiệm này thuộc về giám đốc Công ty AASC.

Từ kết quả đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị tổ chức xác định lại giá trị thực tế tài sản là diện tích nhà làm việc của công ty ở Hà Nội và chi nhánh TP Huế. Kiến nghị Bộ Tài chính kiểm tra, xem xét năng lực thực hiện dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty AASC để có biện pháp xử lý theo quy định. Cũng qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ còn phát hiện nhiều sai phạm trong việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp tại đơn vị này.

Cụ thể Công ty AASC đã xác định thiếu giá trị của 17 loại công cụ, dụng cụ trong danh mục mà công ty đã kiểm kê phân loại. Trong hồ sơ xác định giá trị công nợ phải thu đến thời điểm 30/6/2006 có 108 khách hàng với giá trị là 13,9 tỷ đồng song chỉ có biên bản đối chiếu của 64 khách hàng với giá trị là 2 tỷ đồng, đạt 14,5%. Số công nợ phải trả thể hiện trên hồ sơ là là 17,3 tỷ đồng nhưng cũng chỉ có biên bản đối chiếu 9,15 tỷ đồng.

Từ kết quả thanh tra, Thanh tra Chính phủ cũng đã kiến nghị xử lý các vi phạm, đồng thời kiểm điểm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm.