95 năm ngày thành lập đảng

Dấu ấn công nghệ ngành bê tông

Thành Luân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường bê tông tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với các cơ hội lớn đến từ nhu cầu xây dựng hạ tầng, các công trình xanh, và xu hướng sử dụng bê tông chất lượng cao.

Tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, bê tông tự lèn đã được ứng dụng để đổ bê tông tại vùng giao dầm và đầu cột (nơi mật độ cốt thép dầy). 
Tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, bê tông tự lèn đã được ứng dụng để đổ bê tông tại vùng giao dầm và đầu cột (nơi mật độ cốt thép dầy). 

Thay đổi rõ nét

Đại diện Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, trước năm 1990, phần lớn bê tông trộn tại công trường được định lượng thủ công và trộn bằng máy trộn tự do loại nhỏ nên năng suất, chất lượng, độ ổn định thấp, cả nước chỉ đạt khoảng 300.000 - 500.000m3 mỗi năm.

Bắt đầu từ thập niên 90, ngành công nghiệp bê tông nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về sản lượng, chủng loại, trình độ thiết kế và thi công công trình bê tông cốt thép; đến việc nghiên cứu biên soạn, soát xét các tiêu chuẩn kỹ thuật, xây dựng đội ngũ cán bộ, công nhân chuyên ngành bê tông, xây dựng các phòng thí nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu và kiểm tra chất lượng bê tông công trình.

Hàng loạt trạm trộn bê tông thương phẩm đã được ra đời cùng các thiết bị vận chuyển, thiết bị bơm bê tông chuyên dụng đã cung cấp cho thị trường xây dựng hỗn hợp bê tông với khối lượng lớn, chất lượng ổn định. Khối lượng bê tông sản xuất ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 120 - 140 triệu m3/năm.

Về công nghệ trộn bê tông, sử dụng máy trộn cưỡng bức trục đứng kiểu hành tinh hay cưỡng bức 2 trục ngang. Việc tự động hóa và điều khiển trạm trộn được số hóa ở mức tiên tiến. Công suất máy trộn tại các trạm trộn ở Việt Nam thường có các loại từ 60, 80, 125m3/giờ. Đặc biệt một số công trình thủy điện được trang bị máy trộn công suất lên đến 250m3/giờ cho phép trộn hỗn hợp bê tông rất khô, đường kính cốt liệu lên tới 120mm.

Đối với các công trình dân dụng và công nghiệp sử dụng hỗn hợp bê tông có độ sụt cao, được đưa đến công trình bằng xe mix chuyên dụng và hỗn hợp bê tông được đưa vào khối đổ bằng bơm cần di động, với tháp bơm và máy bơm cho phép cung cấp và vận chuyển lên độ cao tương ứng với 60 và 350m (như công trình Keangnam Landmark Tower tại Hà Nội cao 336m, 70 tầng; Bitexco Financial Tower cao 262m, 68 tầng; Land Mark 81, 81 tầng tại TP Hồ Chí Minh...).

Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, thị trường bê tông tại Việt Nam có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp lớn, từ các nhà sản xuất bê tông truyền thống đến các doanh nghiệp mới cung cấp sản phẩm bê tông tươi hoặc bê tông đặc biệt. Đơn cử, hiện nay nhiều thiết bị bơm bê tông tiên tiến trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như Putzmeiser, Schwing, Elba (Đức); Huyndai, Junjil (Hàn Quốc)...

Bên cạnh đó, Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các dự án xây dựng dân dụng, công nghiệp, hạ tầng giao thông, và đặc biệt là các công trình bất động sản (nhà ở, chung cư, khu đô thị). Điều này tạo ra nhu cầu lớn về bê tông cho các công trình xây dựng.

Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông, bao gồm xây dựng cầu đường, sân bay, cảng biển, hệ thống metro... Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp bê tông cung cấp sản phẩm cho các công trình này.

Đa dạng chủng loại

Với sự ra đời của các thế hệ phụ gia hóa học và phụ gia khoáng mới, tính năng của bê tông ngày càng được nâng cao và cải thiện. Cùng với tiến bộ của ngành chế tạo cơ khí, tự động hóa, vật liệu bê tông tại Việt Nam đã đạt được các giới hạn mới về tính năng và năng suất thi công.

Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, TS Trần Bá Việt cho biết, hiện tại nhiều dự án cũng đã bắt đầu sử dụng bê tông siêu tính năng (UHPC) - là một loại vật liệu rất non trẻ, cho những công trình dân dụng và cho dầm cầu giao thông.

Trong 8 năm qua đã chế tạo và xây dựng hơn 180 cây cầu dân sinh, 1 cầu 30m x 4 nhịp, sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng lớp UHPC liên hợp bản mặt thép. Các cầu này đều được thử nghiệm dầm và kiểm định cầu cho kết quả tin cậy sau khi đưa vào sử dụng.

"Với các kết quả nghiên cứu và áp dụng bằng nguyên vật liệu tự nhiên Việt Nam và phế thải công nghiệp, cho phép giảm giá thành UHPC xuống dưới 590 USD/tấn bột UHPC, điều đó cho phép mở rộng ứng dụng UHPC trong công trình dân dụng, hạ tầng" - TS Trần Bá Việt cho hay.

Ngoài ra còn rất nhiều chủng loại bê tông khác như bê tông tự lèn (SSC) đã được ứng dụng để đổ bê tông tại vùng giao dầm và đầu cột (nơi mật độ cốt thép dầy) trong xây dựng.

Nhiều dự án đã được áp dụng như nhà chung cư cao tầng Khu đô thị Trung Hòa Nhân chính (Vinaconex và IBST thực hiện năm 2005) và gần đây được sử dụng để đổ nhồi lõi ống thép cho các cầu vòm ống thép nhồi bê tông (cầu Đông Trù, Hà Nội; cầu Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng).

Bê tông cốt sợi phân tán có cốt chịu lực là sợi phân tán đều trong khối bê tông. Việc sử dụng sản phẩm này giúp thi công bê tông nhanh hơn, tăng khả năng chịu kéo khi uốn lên vài lần và hạn chế nứt bê tông do co ngót, mất nước và được áp dụng trong sửa chữa sàn bê tông cốt thép chịu tải trọng lớn như hangar máy bay, mặt đường bê tông xi măng.

Cùng với đó, bê tông tự lèn (RCC) là loại bê tông khô, ít xi măng, thi công bằng máy lu lèn, thường được ứng dụng cho xây dựng đường bê tông xi măng và đập trọng lực. Kỷ lục đổ RCC có thể đổ là tại công trình đập thủy điện Sơn La với năng suất đổ 8.000m3/ngày. Do các ưu điểm về giá thành, lượng RCC được sử dụng ở Việt Nam đã lên tới gần 20 triệu m3, sử dụng để xây dựng phần lớn các đập trọng lực thủy điện và thủy lợi ở nước ta.