Dấu ấn của Việt Nam trong công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam luôn coi ASEAN là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại, và đã có nhiều đóng góp quan trọng không chỉ với tổ chức ASEAN nói chung, mà còn với Cộng đồng ASEAN nói riêng.

Sự gia nhập của Việt Nam vào ASEAN vào năm 1995 là một sự kiện mang tính bước ngoặt, chính thức chấm dứt những hiềm khích, nghi kị trong nội bộ các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời cũng mở ra kỉ nguyên hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN.

Cờ ASEAN và các nước thành viên, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực. Ảnh: AFP/TTXVN
Cờ ASEAN và các nước thành viên, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với ASEAN:

Thứ nhất, trong quá trình thể chế hóa và phát triển ASEAN, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra định hướng và quyết sách cho việc phát triển tổ chức. Những đóng góp này được cụ thể hóa trong quá trình soạn thảo Hiến chương ASEAN, văn kiện tối quan trọng tạo cơ sở pháp lý gắn kết các nước thành viên. Đồng thời, Việt Nam cũng góp phần xây dựng các văn kiện quan trọng khác, bao gồm “Sáng kiến hội nhập ASEAN” hay “Tầm nhìn ASEAN năm 2020”. Đây là cơ sở cho định hướng phát triển tương lai của ASEAN.

Thứ hai, Việt Nam là nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình mở rộng của tổ chức. Nhờ có yếu tố địa chính trị thuận lợi, bản thân sự gia nhập của Việt Nam vào ASEAN đã phần nào giúp hai nhóm nước ASEAN lục địa và hải đảo xích lại gần nhau hơn. Tận dụng các lợi thế đó, Việt Nam đã nỗ lực vận động, tạo điều kiện và mở đường cho Mynamar và Lào tham gia ASEAN vào năm 1997, và đến năm 1999 thì ASEAN chào đón thêm Campuchia với tư cách thành viên mới.

Thứ ba, Việt Nam tích cực tham gia vào các hoạt động của ASEAN, làm tròn trách nhiệm không chỉ của một thành viên, mà còn để lại nhiều dấu ấn với vai trò chủ tịch. Dưới tư cách thành viên, Việt Nam làm tốt các nhiệm vụ luận phiên, đồng thời tổ chức thành công gần 400 cuộc họp, sự kiện, qua đó quyết định nhiều chính sách quan trọng với tầm ảnh hưởng không chỉ trong khối mà còn trên tầm thế giới . 

Dưới tư cách chủ tịch ASEAN, Việt Nam hoàn thành tốt vai trò dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi. Đặc biệt trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã đưa tổ chức vượt qua thời kỳ khó khăn, thành công thực hiện Hội nghị Cấp cao ASEAN trực tuyến đặc biệt về ứng phó với dịch COVID-19 vào tháng 6, cũng như Hội nghị các quan chức y tế ASEAN với sự tham gia của quan chức y tế các nước.

Thứ tư, Việt Nam đóng góp nhiều sáng kiến mới để xây dựng ASEAN và phát triển quan hệ ASEAN với các đối tác quốc tế. Những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong khía cạnh này bao gồm việc thúc đẩy mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) để Nga và Mỹ tham gia, và đề xuất sáng kiến hình thành Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) với thành viên là các nước ASEAN và đối tác.

Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội nhân kỷ niệm 55 năm thành lập tổ chức (1967-2022). Ảnh: TTXVN
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội nhân kỷ niệm 55 năm thành lập tổ chức (1967-2022). Ảnh: TTXVN

Đối với Cộng đồng ASEAN: Sự hình thành Cộng đồng ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì sự kiện này đánh dấu chặng đường trên 20 năm Việt Nam tham gia ASEAN và hội nhập quốc tế. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã một lần nữa khẳng định chủ trương và phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”. Một số văn kiện quan trọng có sự đóng góp của Việt Nam bao gồm: Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, các Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN . Đặc biệt trong năm 2020, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì xây dựng Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025, đồng thời đưa ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Tuyên bố Tầm nhìn lãnh đạo ASEAN về gắn kết và chủ động thích ứng… 

Cụ thể hơn, Việt Nam đã tích cực đồng hành cùng ASEAN trong quá trình phát triển 3 cộng đồng trụ cột, bao gồm Cộng đồng Kinh tế, Cộng đồng Chính trị-An ninh và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

Trước hết, Việt Nam là một thành viên trách nhiệm trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Việt Nam có tỷ lệ thực hiện cam kết cao nhất (chỉ sau Singapore), thực hiện trên 95,5% các cam kết trong kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Đồng thời trong năm chủ tịch 2010, Việt Nam tập trung vào thúc đẩy tốc độ thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho ra “Tuyên bố về phục hồi và phát triển bền vững”, khẳng định quyết tâm củng cố và xây dựng cộng đồng đến năm 2015 .

Với nền kinh tế phát triển năng động, bản thân Việt Nam là một thành viên có giá trị đối với Cộng đồng kinh tế. Việt Nam hiện đang tham gia hợp tác toàn diện với các quốc gia ASEAN khác và trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn cho các dòng vốn FDI từ nước ngoài. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước ASEAN tham gia thành công các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Đóng góp cho Cộng đồng An ninh – Chính trị ASEAN, Việt Nam đã tham gia xây dựng và thông qua các văn kiện cơ bản, bao gồm Tuyên bố Bali II năm 2003 và “Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN”.

Trong suốt những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực củng cố vai trò của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Một là, Việt Nam cố gắng hài hòa lợi ích các nước thành viên ASEAN, đảm bảo sự đoàn kết và thống nhất nội khối bằng cách tuân thủ các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác, đồng thời không can dự vào công việc nội bộ. Hai là, Việt Nam luôn tích cực đưa các vấn đề khu vực vào các diễn đàn đa phương. Đặc biệt, thông qua vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc, Việt Nam, như một đại diện của ASEAN, đã lồng ghép các vấn đề khu vực vào chương trình nghị sự của Hội đồng. 

Việt Nam cũng ngày càng tham gia tích cực và sâu rộng vào giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, chủ yếu qua tham gia các cơ chế của ASEAN và do ASEAN dẫn dắt, đặc biệt trong các vấn đề ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, cứu nạn và hỗ trợ nhân đạo.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội

Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực lên ý tưởng về một Cộng đồng Văn hoá – Xã hội. Năm chủ tịch 2010, Việt Nam đã đề xuất và chủ trì xây dựng hai văn kiện quan trọng, bao gồm Tuyên bố Hà Nội về Phúc lợi và Phát triển cho phụ nữ và trẻ em ASEAN và Tuyên bố của Lãnh đạo cấp cao ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề cho phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, những ưu tiên mũi nhọn của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Đặc biệt, trong năm chủ tịch 2020, Việt Nam đã chủ trì xây dựng Tầm nhìn đến năm 2025 và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 để trình các nhà Lãnh đạo Cấp cao ASEAN thông qua. Đây là những văn kiện mang tính tiền đề, rất quan trọng với quá trình phát triển cộng đồng trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tổ chức thành công rất nhiều sự kiện quan trọng cấp Bộ trưởng thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN, bao gồm Hội nghị Hội đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN năm 2010, Hội nghị Bộ trưởng Thanh niên ASEAN năm 2011, Hội nghị Bộ trưởng Văn hóa và Nghệ thuật ASEAN năm 2014, hay Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN năm 2014.

Việt Nam đang cùng ASEAN bước sang một giai đoạn phát triển mới, xây dựng một tầm nhìn, tạo ra một sân chơi khu vực toàn diện. Có thể nói, từ những bỡ ngỡ ban đầu, qua 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng, trưởng thành vượt bậc, và hiện đã trở thành một trong những thành viên nòng cốt, dẫn dắt, xây dựng và xác định các luật chơi trong ASEAN và khu vực.