Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ

Hoàng Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2019), Sở Nội Vụ, Chi cục Văn thư Lưu trữ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ với chủ đề “Dấu ấn địa giới hành chính Hà Nội qua tài liệu lưu trữ” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội từ ngày 2 - 15/10.

Hà Nội trước năm 1945
Kể từ mùa Thu năm Canh Tuất - 1010, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, kinh thành Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vua tiến hành một đợt cải cách hành chính lớn nhất kể từ khi ra đời chế độ phong kiến Việt Nam. Minh Mạng xóa bỏ Bắc Thành (gồm 11 trấn và 1 phủ trực thuộc) ở miền Bắc và lập tỉnh Hà Nội. Như vậy, Hà Nội trở thành một tỉnh như 30 tỉnh khác trên đất Việt Nam. Và phủ Hoài Đức trở thành một trong bốn phủ hợp thành tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội có nghĩa phía trong sông vì thực tế Hà Nội được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Đông Bắc và sông Đáy ở phía Tây Nam.
 Bản đồ Hà Nội năm 1915, tờ số 4 (Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1)
Những tư liệu như: Bản đồ TP Hà Nội năm 1873 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản tháng 12/1916; Nghị định năm 1889, Hà Nội thành lập ngoại thành Hà Nội gồm một số xã của các huyện Vĩnh Thuận, Thọ Xương, Từ Liêm, Thanh Trì; Bản đồ Hà Nội năm 1890, kích thước gốc 49 x 61cm, thuộc Sưu tập Bản đồ Hà Nội là minh chứng rõ nét nhất cho Hà Nội thời kỳ này.
Qua tài liệu lịch sử cho thấy, vào khoảng cuối thế kỷ XIX, người Pháp bắt đầu xây dựng TP Hà Nội trên địa bàn khu Thành cũ. Theo các tư liệu lịch sử cho thấy, buổi ban đầu dưới ách cai trị của Pháp, trung tâm TP bao gồm địa bàn Bắc hồ Hoàn Kiếm đến khu Dinh Toàn quyền. Ngày 14/7/1899, Thống sứ Hà Nội quyết định lập khu vực ngoại thành gồm một số xã thuộc hai phủ Hoài Đức và Thường Tín. Vùng ngoại thành do một viên đồn trưởng trực tiếp cai trị. Năm 1902, thực dân Pháp lập Hà Nội làm thủ phủ của toàn Đông Dương. Kinh thành Thăng Long cũ đã trở thành Thủ đô của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Vào thời điểm này, Hà Nội có khu vực nội thành với diện tích rộng trên 10km2 và vùng ngoại thành nằm ở phía Đông Nam TP (Bản đồ Hà Nội năm 1902, kích thước gốc 49 x 61cm, thuộc Sưu tập Bản đồ Hà Nội).
Cuối năm 1904, Pháp chia khu vực nội thành làm 8 tiểu khu và vùng nông thôn ngoại thành ở phía Đông Nam Hà Nội là huyện Hoàn Long được cắt sang tỉnh Hà Đông. Theo thống kê sơ lược của người Pháp thì đến năm 1921, TP Hà Nội có khoảng 4.000 dân người Âu, một số người Ấn, người Hoa và 100.000 người Việt. Tài liệu được lưu trữ tại Nghị định số 791 ngày 17/7/1914 của Đốc lý Hà nội về việc chia TP Hà Nội thành 8 khu (8 quận).
 Bản đồ Hà Nội năm 1925
Đến năm 1928, vùng nội thành của Hà Nội đã được mở rộng đáng kể. Khu Hoàn Kiếm đã trở thành trung tâm của TP. Khu phố cổ với 36 phố phường mật độ dân cư dày đặc, trong khi khu phố mới dân cư, biệt thự còn thưa thớt. Phố chưa có tên và được đánh dấu bằng các ô số (đến năm 1935, Hà Nội có tất cả khoảng 175 ô phố được tính từ ô số 1 đến 175). Tư liệu trưng bày tại triển lãm bao gồm trong giai đoạn này: Bản đồ Hà Nội năm 1925, thuộc Sưu tập Bản đồ Hà Nội. Bản đồ Hà Nội năm 1936, kích thước gốc 49 x 61cm, thuộc Sưu tập Bản đồ Hà Nội. Tài liệu: Pháp sáp nhập một phần huyện Thanh Trì của tỉnh Hà Đông vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt Hà Nội” gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức, được chia thành 8 tổng, 60 xã. Bản vẽ mở rộng TP Hà Nội tỷ lệ 1/4000, kích thước gốc 76 x 96cm, do Chánh Sở Quy hoạch và Kiến trúc T.Ư Cérruti ký ngày 4/3/1942 và được Toàn quyền Đông Dương Decoux phê duyệt ngày 5/12/1942, ký hiệu tra tìm SG - 41 - 01. Hình ảnh: Văn miếu Quốc Tử Giám năm 1913, Sở Tài chính Đông Dương, năm 1932, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, năm 1932
Thay đổi của Hà Nội từ năm 1945 đến năm 1954
Tính đến năm 1945 diện tích TP Hà Nội rộng khoảng 150km2. Vào thời gian này, Hà Nội phía Bắc giáp huyện Đông Anh (Phúc Yên), phía Đông giáp huyện Gia Lâm (Bắc Ninh), phía Tây giáp Hoài Đức, Đan Phượng, thị xã Hà Đông và phía Nam giáp huyện Thanh Oai, Thanh Trì (Hà Đông). Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đã đưa nước ta sang một kỷ nguyên mới, đất nước. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hà Nội gồm 5 khu nội thành và 120 xã ngoại thành. Ngày 21/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 77 về việc thành lập TP trực thuộc Chính phủ T.Ư hoặc kỳ, thị xã thuộc kỳ. Theo đó Hà Nội thành TP trực thuộc Chính phủ T.Ư, gồm 17 khu nội thành và 5 khu hành chính ngoại thành.
Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ vào tháng 12/1946 và TP Hà Nội nằm trong vùng kiểm soát của người Pháp, bối cảnh của Thủ đô Hà Nội hoàn toàn thay đổi. Để phù hợp với hoàn cảnh hiện thời, Hà Nội đã tiến hành cấu trúc lại mô hình tổ chức chính quyền kháng chiến và địa giới hành chính. Trong suốt thời kỳ Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng, để phù hợp với tình hình chiến sự, địa giới hành chính có những điều chỉnh nhất định trong đó có sự thay đổi từ năm 1946 đến 1948 Sưu tập tài liệu lưu trữ: Quyết nghị số 28/QN-HN ngày 2/2/1950 của Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội về việc cắt những thôn Mỹ Đức, Trung Tú, Trung Phụng và Kim Liên thuộc khu Bẩy Mẫu về khu Văn Miếu nội thành Hà Nội.
Nghị quyết số 260/NQ-KC-HN ngày 21/7/1949 của Ủy ban kháng chiến hành chính về việc bãi bỏ các Ủy ban kháng chiến hành chính các xã thuộc ngoại thành Hà Nôi, vì lý do đã sáp nhập vào các khu phố nội thành Hà Nội. Quyết nghị số 341/QN-HN ngày 15/11/1949 của Ủy ban kháng chiến hành chính Hà Nội về việc sáp nhập làng Quỳnh Lôi thuộc quận VI ngoại thành Hà Nội vào khu phố Bạch Mai thuộc quận II nội thành Hà Nội. Nghị quyết số 123/NQ-KCHN ngày 15/5/1949 của Ủy ban kháng chiến hành chính về việc chia nội thành Hà Nội làm hai liên khu phố lấy tên là liên khu phố 1 và liên khu phố 2.
Nghị quyết số 142/NQ-KC-HN ngày 13/6/1949 của Ủy ban kháng chiến hành chính về việc chia nội thành Hà Nội làm 2 quận lấy tên là quận I, quận II và ngoại thành Hà Nội làm 3 quận lấy tên là quận IV, quận V, quận VI. Đặc biệt là tài liệu: Nghị định số 46/TTg ngày 15/8/1950 của Thủ tướng chính phủ về việc hai quận I và quận II nội thành Hà Nội nay hợp nhất thành một quận lấy tên là quận nội thành Hà Nội. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính TP và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân lớn ca khúc khải hoàn tiến vào trung tâm Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội trong niềm vui sướng vỡ òa, đổ ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng.