Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dấu ấn hội nhập mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước khi hoàn tất Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam tham gia cùng với Mỹ và 10 quốc gia khác và trước khi có Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Việt Nam và EU đã kết thúc thành công quá trình đàm phán về Hiệp định mậu dịch tự do song phương.

Đối với Việt Nam, đây là dấu mốc mới có ý nghĩa rất quan trọng về hội nhập quốc tế. Đối với mối quan hệ song phương giữa EU và Việt Nam, thỏa thuận mới đạt được về xây dựng khu vực mậu dịch tự do báo hiệu bước chuyển giai đoạn. Đối với EU, và điều này được chính phía EU công khai xác nhận, thỏa thuận nói trên với Việt Nam giúp EU có được mô hình khuôn mẫu cho thỏa thuận về hiệp định mậu dịch tự do mà EU sẽ đàm phán và ký kết với các nước đang phát triển khác trong tương lai.

Những số liệu thống kê chính thức năm 2014 cho thấy, Việt Nam ở vị trí thứ 29 trong danh sách các đối tác thương mại của EU và EU là đối tác thương mại quan trọng thứ 2 của Việt Nam (sau Trung Quốc). Sau Singapore, Việt Nam là thành viên thứ 2 của ASEAN kết thúc thành công đàm phán với EU về thành lập khu vực mậu dịch tự do. Theo thỏa thuận, Việt Nam và EU chậm nhất tới năm 2025 sẽ xóa bỏ tới 99% thuế quan và rào cản thương mại hiện đang tồn tại trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư và trao đổi thương mại song phương. Lộ trình thời gian được dự định để đạt được mức độ mục tiêu nói trên không phải dài. Qua đó đủ để thấy cả hai phía coi trọng việc này như thế nào và đã hạ quyết tâm chính trị rất cao để vươn tới mục tiêu đó. Đương nhiên, hiệp định về mậu dịch tự do song phương này còn sẽ mở đường, dọn lối cho EU tiếp cận những cơ hội và lợi ích có thể có được từ TPP mà EU không tham gia cũng như cho Việt Nam từ TTIP giữa Mỹ và EU.