Dấu ấn quyền lực của Trung Quốc ở xứ sở vạn đảo

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án trị giá 7,3 tỷ USD đánh dấu sự hiện diện không thể thay thế của Bắc Kinh ở quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới.

Indonesia vừa chính thức khai trương chuyến tàu cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á kết nối hai thành phố lớn nhất nước này.

Dự án thuộc sáng kiến Vành đai - Con đường và nhận phần lớn tài trợ từ các công ty nhà nước Trung Quốc. Chuyến tàu này sẽ kết nối Thủ đô Jakarta và TP lớn thứ hai - Bandung, Tây Java.

Tàu cao tốc đầu tiên của Indonesia đạt tốc độ thử nghiệm 350km/h. Nguồn: CNN
Tàu cao tốc đầu tiên của Indonesia đạt tốc độ thử nghiệm 350km/h. Nguồn: CNN

Tuyến đường sắt cao tốc dài 138 km có tên gọi là WHOOSH, chạy bằng điện không thải carbon có vận tốc 349km/h, giảm 2 tiếng đồng hồ cùng lộ trình giữa Jakarta và Bandung.

PT Kereta Cepat Indonesia Trung Quốc ( KCIC), một tập đoàn gồm các công ty từ Trung Quốc và Indonesia, sẽ giám sát sự vận hành của tuyến đường.

Quan chức Indonesia cho biết các đoàn tàu được thiết kế để thích nghi với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm của Indonesia và đủ an toàn trước thiên tai như động đất, lũ lụt.

Trả lời truyền thông Trung Quốc vào tháng 9, Giám đốc PT KCIC Dwiyana Slamet Riyadi cho biết dự án khác là mở rộng tuyến đường cao tốc tới TP Surabaya - thủ phủ của tỉnh Đông Java - cũng đang được đàm phán.

Các điểm dừng tại mấy thành phố lớn như Semarang và Yogyakarta, cửa ngõ vào Borobudur – ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới – cũng trong kế hoạch xây dựng.

Theo thông tin do PT KCIC công bố, tuyến đường sắt có 8 toa – tất cả đều được trang bị điểm sạc Wi-Fi và USB – có sức chứa 600 hành khách.

Chuyến tàu có ba hạng ghế gồm: hạng nhất, hạng hai và VIP.

Tuyến cao tốc này là một trong những nỗ lực của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á thu hút đầu tư từ đối tác thương mại lớn nhất là Trung Quốc.

Vào tháng 7, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên kế hoạch cho một loạt dự án, bao gồm xây dựng một nhà máy thủy tinh Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD trên đảo Rempang thuộc Quần đảo Riau, Indonesia. 'Thành phố sinh thái' đó dấy lên làn sóng phản đối dữ dội từ người dân bản địa trước nguy cơ làng của họ sẽ bị phá bỏ.

Thỏa thuận về tàu hỏa được ký kết lần đầu tiên và bắt đầu xây dựng vào năm 2015. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2019 nhưng chậm tiến độ do đại dịch Covid-19 và đội vốn.                    

Giám đốc PT KCIC Dwiyana ca ngợi tuyến đường sắt cao tốc này điển hình cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Indonesia và Trung Quốc, không chỉ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của Indonesia mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt nước này.