Dầu Brent tăng 3,01 USD/thùng trong phiên

Hoàng Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc tìm kiếm nguồn cung thay thế dầu của Nga rơi vào tình trang bế tắc đẩy giá xăng dầu hôm nay duy trì đà tăng mạnh.

Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, sáng 12/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4/2022 đứng ở mức 100,09 USD/thùng, tăng 3,07 USD/thùng trong phiên. Nếu so với cùng thời điểm ngày 11/3, giá dầu WTI giao tháng 4/2022 đã tăng khoảng 2,09 USD/thùng.

Còn giá dầu Brent giao tháng 5/2022 đứng ở mức 112,60 USD/thùng, tăng 3,01 USD/thùng trong phiên và đã tăng khoảng 1,74 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 11/3.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo phân tích của các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường dầu thô ghi nhận sự bế tắc của các nước trong việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế dầu của Nga là nguyên nhân đẩy giá dầu ngày 12/3 duy trì đà tăng mạnh.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh nhắm vào Nga đang bóp nghẹt thị trường năng lượng khi các nguồn cung dầu thô, khí đốt... vốn bị thắt chặt đang trở lên khan hiếm hơn.

Ngoài lệnh cấm nhập khẩu trực tiếp dầu từ Nga của Mỹ, Anh hay Canada, các lệnh trừng phạt đang khiến các nhà giao dịch tỏ ra ngần ngại, dẫn tới sự ế ẩm của dầu thô Nga trên thị trường. Một lượng lớn dầu thô của Nga đang không được tiêu thụ, bất chấp giá chào bán ở mức thấp.

Sự leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột Nga - Ukraine còn kéo theo nhiều nguy cơ về tình trạng thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung khí trên thị trường khi Nga là một trong những nhà cung cấp khí đốt chính của châu Âu. Điều này cũng là yếu tố hỗ trợ mạnh giá dầu đi lên.

Lo ngại về sự thiếu hụt trầm trọng nguồn cung ngày một lớn hơn khi những nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế của Mỹ hay các nước đồng minh đang trở lên bế tắc. Những nhà sản xuất dầu lớn của OPEC+ đã khẳng định cam kết sẽ tuân thủ thoả thuận sản lượng đã có của nhóm, trong đó có Nga, bất chấp lời kêu gọi tăng sản lượng từ Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn.

Trong diễn biến mới nhất, UAE và Saudi Arabia đã từ chối các cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, một động thái cho thấy quyết tâm của các nước này trong việc duy trì chính sách sản lượng.

Việc Mỹ hướng tới các nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela cũng đang gặp khó khi đây cũng đang là 2 nước chịu các lệnh trừng phạt về xuất khẩu dầu. Câu chuyện của Iran có vẻ phức tạp hơn khi quá trình đàm phán hạt nhân đã phải tạm ngừng khi Nga đưa ra các yêu cầu mới.

Áp lực thiếu hụt nguồn cung ngày một lớn chính là nhân tố đã thúc đẩy giá dầu hôm nay tiếp tục tăng mạnh, bất chấp những tín hiệu tích cực xung quanh cuộc xung đột Nga - Ukraine và đồng USD mạnh hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần