Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đau đầu vì cuộc gọi, tin nhắn rác

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước cùng các nhà mạng liên tục có những biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác nhưng vấn nạn này vẫn liên tục “tấn công” người dùng.

Từ đó cũng gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân.

Tính đến ngày 15/5, hơn 1 triệu SIM “rác” đã bị khóa, tuy nhiên, các cuộc gọi, tin nhắn rác vẫn tiếp tục "tấn công" người dùng, thậm chí có những trường hợp phải nhận tới gần chục cuộc gọi rác mỗi ngày.

Vẫn tràn lan cuộc gọi, tin nhắn rác

Được biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT và vào cuộc tích cực của các nhà mạng, thông qua đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu dân cư, đã có hơn 1 triệu SIM “rác” đã bị khóa. Bên cạnh đó, tính đến 19/7/2023, việc xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM) không đúng quy định đã thu được những kết quả tích cực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cụ thể, các DN viễn thông đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với tất cả 100% thuê bao đối với khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.

Không những thế, đến hiện tại, 80% số SIM của các chủ thuê bao trên 10 SIM đã được xử lý thông qua việc người sử dụng đến ký hợp đồng sở hữu SIM thứ 3 trở đi. Với những SIM không thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao đã bị khóa 1 chiều.

Mặc dù phía cơ quan quản lý và các nhà mạng đã liên tiếp có nhiều hành động "mạnh tay" trong việc quản lý, chuẩn hóa thông tin thuê bao di động nhưng tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác phiền nhiễu người dân vẫn chưa giảm xuống.

Anh Vũ Văn Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, nhiều lần bị mất giấc ngủ vì những cuộc gọi rác. Anh cho hay, hầu hết các cuộc gọi đều chào mời mua bất động sản, số ít khác nói sẽ tặng gói du lịch miễn phí trị giá hàng chục triệu đồng nếu tham gia hội thảo. “Có hôm cáu quá, tôi ấn nghe rồi để máy đó cho họ nói chán thì thôi. Không chỉ buổi trưa, tôi còn nhận được nhiều cuộc gọi như vậy vào tối muộn” – anh Lâm kể lại.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thu Thảo (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, vài phút sau khi ấn “báo cáo tin rác” đối với tin nhắn quảng cáo dịch vụ cung cấp các chứng chỉ, bằng cấp, giấy tờ, chị lại tiếp tục nhận được một tin nhắn với nội dung tương tự, đến từ một thuê bao khác.

Theo những dòng tin nhắn gửi đến, người nào muốn sử dụng dịch vụ này sẽ phải liên hệ với một số điện thoại khác. Trong khi đó, các số điện thoại gửi tin nhắn đến luôn trong tình trạng không liên lạc được. “Tôi không hề có nhu cầu sử dụng các dịch vụ này nhưng không hiểu tại sao các tin nhắn với nội dung như vậy vẫn ồ ạt gửi đến điện thoại” - chị Thảo bức xúc nói.

Dù thấy lượng tin nhắn rác đã giảm đáng kể so với vài tháng trước nhưng điều này vẫn khiến chị Thảo cảm thấy khó chịu, vì bị làm phiền và tốn thời gian.

Lộ, lọt thông tin cá nhân

Ngoài việc phải đối phó với cuộc gọi và tin nhắn rác, người dùng điện thoại còn thêm mối lo nữa là lộ thông tin cá nhân như trường hợp của anh Vũ Văn Lâm. Anh Lâm cho biết, anh chỉ cung cấp thông tin cá nhân một cách chính xác khi đăng ký tài khoản ngân hàng hay đăng ký thuê bao chính chủ của SIM và không hề tiết lộ cho bên nào khác. Vì vậy, việc một số điện thoại lạ có thông tin cá nhân của anh một cách đầy đủ, bao gồm số căn cước công dân, họ tên và thậm chí là địa chỉ nhà, là một điều khó hiểu, thậm chí khiến anh cảm thấy bất an.

Chị Nguyễn Thu Thảo cũng gặp tình trạng tương tự khi đặt taxi đi đến sân bay. Chị Thảo chia sẻ, nhân viên tổng đài của hãng xe này đã ngay lập tức có thông tin cá nhân của chị khi vừa nhấc máy, thậm chí còn có thể tra được chuyến bay đi và về khiến chị không khỏi lo lắng. Chị Thảo nói: "Khi tôi vừa gọi điện, nhân viên tổng đài đã ngay lập tức gọi tên tôi dù tôi chưa giới thiệu. Rõ ràng, họ đã có thông tin cá nhân gắn liền với số điện thoại của tôi từ trước".

Là chuyên gia an ninh mạng của Trung tâm Giám sát An toàn Không mạng quốc gia (NCSC, thuộc Bộ TT&TT), ông Ngô Minh Hiếu cho biết, việc lộ lọt thông tin cá nhân hiện nay diễn ra ngang nhiên và vô cùng phổ biến. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do những người quản lý đã sơ suất để lộ những thông tin liên quan đến máy chủ. Thêm vào đó, việc máy chủ công khai dẫn đến tính bảo mật kém nên người dân có thể dễ dàng truy cập. Ngoài ra, việc lộ lọt thông tin này cũng đến từ việc cơ quan quản lý lỏng lẻo khi bảo vệ dữ liệu, thông tin khách hàng.

Nhằm hạn chế tình trạng trên, chuyên gia Ngô Minh Hiếu đưa ra giải pháp là phải tăng cường truyền thông về bảo mật để người dân có thể nắm được và tự bảo vệ thông tin của chính mình. “Ở Việt Nam trong thời gian vừa qua cũng có một số đối tượng rao bán thông tin của người dân và đã bị bắt.

Tuy nhiên, luật pháp của Việt Nam chưa chặt chẽ, hình phạt nhẹ chưa đủ tính răn đe nên những đối tượng mua bán dữ liệu vẫn nhởn nhơ. Do đó, người dân phải tự nâng cao cảnh giác để bảo vệ chính mình trước các mối đe dọa về việc bảo mật thông tin”- ông Ngô Minh Hiếu nói.

Hiện nay, rất khó để giữ bí mật thông tin cá nhân khi những thông tin như số điện thoại, địa chỉ hay thậm chí tài khoản mạng xã hội của người dân xuất hiện khá nhiều trên các kênh đặt hàng. Ông Ngô Minh Hiếu đưa ra lời khuyên, người dân cần nâng cao cảnh giác khi đã đưa thông tin của mình lên các sàn thương mại điện tử để mua bán, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo.

Khi nhận được các cuộc gọi, người dân cũng hết sức cảnh giác, không chuyển tiền, làm theo những hướng dẫn truy cập những đường link mà các đối tượng giả danh đưa ra nhằm tránh mất thông tin cá nhân hoặc bị hack tài khoản mạng xã hội khiến thông tin bị mất, lộ hoặc lọt ra ngoài.

 

Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục siết chặt kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao cũng như các dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông nhằm hạn chế, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác, cuộc gọi rác. Đồng thời phổ biến, tuyên truyền về các hình thức lừa đảo thông qua mạng viễn thông và trên không gian mạng.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) Nguyễn Phong Nhã

Việc khai thác, kinh doanh trái phép dữ liệu cá nhân của khách hàng là hành vi phạm pháp. Đây là hành vi gây rất nhiều phiền toái cho người dùng trong khi Bộ TT&TT đã đưa ra nhiều biện pháp xóa sổ SIM "rác". Việc kinh doanh dịch vụ spam tin nhắn này đã vi phạm quy định của Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, mức xử phạt có thể lên đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vụ việc.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Đoàn Luật sư Hà Nội