Không thừa nhận nhưng không cấm chơi
“Tôi mong Chính phủ tìm lời giải sớm trong bối cảnh hoạt động mua bán đang diễn ra nhộn nhịp. Một số nước công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán như Nhật Bản, Phần Lan”, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) kiến nghị. Ông cũng kiến nghị Chính phủ chấp nhận cho Đại học FPT triển khai thí điểm thu học phí bằng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài trong một thời gian nhất định để giúp xây dựng đề án của Thủ tướng một cách tốt hơn. Trước đó đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) cũng kiến nghị cần sớm có khung pháp lý để quản lý tiền ảo.
Ông Quốc phân tích, thực tế các giao dịch mua bán bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người Việt Nam có thể thực hiện việc mua bán đồng tiền ảo này và giao dịch chuyển tiền rất nhanh chóng, dễ dàng. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa công nhận bitcoin là một loại tiền tệ có chức năng thanh toán, nhưng không cấm việc mua bán, sở hữu dưới dạng tài sản ảo, người dân có thể mua và sở hữu bitcoin.
Thời điểm cách đây vài năm, giá trị của bitcoin chỉ dừng lại là hơn 10 triệu đồng cho 1 bitcoin, thế nhưng hiện nay, khi cộng đồng bitcoin ngày càng mở rông thì giá trị của nó tăng lên gấp hàng chục lần. Có thời điểm lên tới 6.000 USD/bitcoin. Lợi nhuận cao chóng mắt như vậy khiến không ít người lao vào kênh đầu tư này.
Tuy vậy, dù không cấm nhưng hiện chưa có một hành lang pháp lý để quản lý loại tiền ảo này, nên khi xảy ra những tranh chấp thì người chơi bitcoin sẽ không được pháp luật bảo vệ. Về phía những tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch với đồng bitcoin nên nhìn nhận chơi bitcoin là rủi ro lớn. Vấn đề là khi chơi bitcoin rủi ro NĐT chịu nhưng có sử dụng trong thanh toán hay không?
Không vi phạm nhưng rất rủi ro
NHNN đã ra thông điệp chỉ thừa nhận các phương tiện thanh toán như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng… là những phương tiện thanh toán nằm trong các hướng dẫn nghiệp vụ từ NHNN. Còn các phương tiện thanh toán khác đều là bất hợp pháp.
“Tuy nhiên, thị trường cần một quy định pháp lý chính thức từ các cơ quan Nhà nước. Bởi, nếu như những người giao dịch không coi bitcoin như một phương tiện thanh toán (tiền tệ), mà coi bitcoin là một dạng tài sản, một dạng hàng hóa hay dạng vỏ sò trao đổi với nhau, thì có phạm pháp không?”- Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO đặt vấn đề.
Luật sư Hải cũng nêu quan điểm: "Có nghĩa bitcoin “không trở thành “vật trao đổi ngang giá” ở giao dịch dân sự truyền thống, mà chỉ để tồn tại trên môi trường ảo là cơ sở sinh ra tiền ảo mà thôi”.
Trước khi FPT có ý tưởng thí điểm thu học phí bằng bitcoin, tại một số TP lớn, khách thanh toán tiền cà phê, pizza bằng bitcoin, nhiều doanh nghiệp kinh doanh online tại TP.HCM cũng đang chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. (Có nghĩa mua bitcoin xong chuyển mã qua cho cửa hàng, nhận được mã cửa hàng sẽ chuyển hàng - theo một nhân viên bán hàng online).
“Cho dù không cấm thì chấp nhận thanh toán bitcoin là chơi với lửa”, TS.LS Bùi Quang Tín nói. Theo ông Tín, đồng tiền ảo bitcoin đang được xem là hình thức đầu cơ nhiều hơn đầu tư, bởi khả năng mất trắng toàn bộ số tiền của mình là rất lớn. Mặt khác, đồng tiền này có biên độ biến động quá lớn trong một thời gian ngắn nên dễ xảy ra thua lỗ nằm ngoài tầm kiểm soát. Và nếu xét tác động đến nền kinh tế trong nước thì không hề có lợi. Tất cả các giao dịch liên quan đến đồng "tiền ảo" hiện đều là giao dịch ngầm, vì thế nhà đầu tư đồng tiền này sẽ dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Tuy vậy, ông Tín cũng cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước sớm có quy định về bitcoin, vì nếu không có tức là chúng ta để nó hoạt động mà không chịu sự điều tiết, quản lý của luật pháp. Khi không quản lý cũng không thu được thuế, phí... và cũng không tránh được những tình huống Nhà nước không mong muốn.
Sáng 1/11, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước ((NHNN) cho biết, NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Lý do là bởi bitcoin và các loại tiền ảo tương tự không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, do đó, việc sử dụng Bitcoin như một phương tiện thanh toán là hành vi vi phạm pháp luật. Cũng theo ông Dũng, một số nước trên thế giới đã phân loại bitcoin là hàng hóa, tài sản để có cách thức ứng xử phù hợp đối với đồng tiền ảo này như đánh thuế hàng hóa, tài sản đối với giao dịch khai thác, mua bán, đa phần các nước đều có quan điểm thận trọng, không khuyến khích việc sử dụng, nắm giữ bitcoin và các tiền ảo tương tự khác do có thể xảy ra khả năng lạm dụng đồng tiền ảo ẩn danh này cho hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố và các mục đích xấu khác như tội phạm, trốn thuế, lừa đảo. “Theo Quyết định 1255 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đang chủ trì để xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo với tư cách là tài sản trong thời gian tới”, ông Dũng cho biết. |