Đau đáu với sơn ta

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn ra đồng thời tại 3 địa điểm (đình Kim Ngân, 42- 44 Hàng Bạc), Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ) và Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) cho đến 2/5, “Chuyện sơn mài Việt Nam” chính là mở đầu cho chuỗi các hoạt động trong năm tôn vinh nghề truyền thống Phố cổ 2016.

Từ "Chuyện sơn mài Việt Nam"

“Chuyện sơn mài Việt Nam” giúp công chúng có cái nhìn khái quát về nghề sơn mài truyền thống, từ nguồn gốc, công cụ khai thác, chế tác đến kỹ thuật chế tác và “tình cảnh” hiện tại của nghề trong mỹ thuật ứng dụng và tạo hình.

Tại đình Kim Ngân, rất nhiều sản phẩm với phong phú chủng loại, độc đáo phong cách tạo hình được trưng bày như đồ thờ, đồ trang trí nội thất, đồ lưu niệm… Ở Ngôi nhà Di sản, câu chuyện sơn mài được kể bằng những bức ảnh ghi lại từng công đoạn sản xuất sơn mài và sản phẩm đặc sắc của thợ sơn mài làng nghề Hạ Thái (huyện Thường Tín). Cùng với việc thưởng thức các sản phẩm sơn mài, công chúng còn được xem các thợ sơn mài trình diễn kỹ thuật làm vóc, vẽ tranh, gắn vỏ trứng…, tìm hiểu về kỹ thuật chế tác tranh sơn mài truyền thống.
Một tác phẩm tranh sơn mài của Nguyễn Thị Quế.
Một tác phẩm tranh sơn mài của Nguyễn Thị Quế.
Riêng tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ, qua những bảng thông tin (quy trình làm vóc truyền thống; dụng cụ sơn mài; bảng màu cơ bản; kỹ thuật gắn vỏ trai, vỏ trứng; kỹ thuật thếp rắc vàng bạc…), những đồ nghề phục vụ cho việc khai thác cây sơn ta (dụng cụ đựng sơn, vắt sơn, làm sơn chín và sơn cánh gián, sơn then)…, công chúng phần nào hình dung kỹ thuật chế tác cũng như những ứng dụng của sơn ta trong mỹ thuật.

... đến nỗi lo mai một

Từ một nghề thủ công với cách chế tác tỉ mẩn, công phu, sơn ta đã thành chất liệu chính của mỹ thuật Việt thế kỷ XX. Việc lấy kinh nghiệm nghề sơn cổ ứng dụng vào mỹ thuật tạo hình bắt nguồn từ trường Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội). Với sự gợi mở của các họa sĩ, nghệ nhân Đinh Văn Thành đã bước vào cuộc phiêu lưu cùng sơn ta và đưa nó thoát khỏi khuôn khổ đã được định vị của một nghề truyền thống.

Có thể nói, phần trưng bày tác phẩm của một số họa sĩ nhóm Sơn ta trong “Chuyện sơn mài Việt Nam” đang viết tiếp câu chuyện của sơn mài trong đời sống đương đại. Gần 20 tác phẩm của Lý Trực Sơn, Nguyễn Thị Quế, Nguyễn Đình Bảng, Đào Ngọc Hân, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Tuấn Cường, Vũ Tuấn Dũng, Trần Đình Bình bằng chất liệu sơn ta cho thấy chất liệu truyền thống năm xưa chưa bị lãng quên. Tuy nhiên, phía sau những bức tranh là cả một câu chuyện dài với bao nỗi niềm đau đáu.

Họa sĩ Đào Ngọc Hân cho biết, sự “hấp dẫn” của sơn ta chính là bởi độ kết dính cao, sự mềm mại, dẻo dai đem đến cho tranh chiều sâu, óng ả hơn. Là người đã có 10 năm với công việc bảo quản, bảo tồn di sản, Đào Ngọc Hân càng thấm hơn sự cần thiết phải gìn giữ chất liệu quý, nhất là khi sơn ta đang “thất thế” trước sơn điều, sơn công nghiệp: “Nếu không còn ai làm sơn ta, vẽ sơn ta thì chất liệu này sẽ mai một”.

Cũng chung niềm đau đáu với sơn ta mà họa sĩ Nguyễn Đức Việt đã cùng với 2 họa sĩ nữa thành lập nhóm Sơn ta (năm 2008) với mong muốn “góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam”. Thế nhưng, dù sau này nhóm đã tập hợp được ngót nghét 40 người cùng chung đam mê, Nguyễn Đức Việt vẫn không khỏi bùi ngùi: “Thành lập nhóm đã khó, giữ được còn khó hơn và để phát triển lại còn khó nữa”.

Cái khó được các họa sĩ lý giải vì nhiều lẽ. Phần vì nguyên liệu sơn ta đắt đỏ, kỹ thuật chế tác phức tạp, thời gian hoàn thiện lâu; phần vì tranh sơn ta rất khó bán bởi giá cao và kén người chơi… Và thực tế cho thấy có rất nhiều họa sĩ vẫn gắn bó với sơn mài, nhưng rất ít người đủ can đảm chung thủy với sơn ta. Đây chính là vấn đề đặt ra trong câu chuyện sơn mài Việt hôm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần