Đấu giá thành công khối băng tần B2-B2'
Kinhtedothi-Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa đấu giá thành công khối băng tần B2-B2' (thuộc băng tần 700 MHz). Đây là bước tiến quan trọng hiện thực hóa mục tiêu phát triển hạ tầng số theo Nghị quyết 57-NQ/TW.

Đấu giá thành công khối băng tần B2-B2’ (thuộc băng tần 700 MHz). Ảnh: Bộ KH&CN.
Chiều 20/5, tại trụ sở Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), đã diễn ra thành công cuộc đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần 713 - 723 MHz và 768 - 778 MHz (khối băng tần B2-B2'), thuộc băng tần 700 MHz.
Sự kiện này đánh dấu một bước đi cụ thể, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu "Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến. Phủ sóng 5G toàn quốc" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là khối băng tần quan trọng cho việc phát triển hệ thống thông tin di động công cộng theo tiêu chuẩn IMT, một trong những nền tảng hạ tầng thiết yếu cho công nghiệp công nghệ số.
Trải qua 2 vòng đấu giá công khai, một doanh nghiệp đã xuất sắc trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B2-B2' (713 - 723 MHz và 768 - 778 MHz).
Phát biểu tại buổi đấu giá, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ KH&CN) Lê Văn Tuấn nhấn mạnh, việc đấu giá thành công khối băng tần này có ý nghĩa chiến lược. Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai đấu giá các khối băng tần còn lại của băng tần 700 MHz trong thời gian tới. Mục tiêu then chốt là nhằm hỗ trợ khả năng phủ sóng thông tin di động trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, miền núi, đồng thời nâng cao chất lượng phủ sóng trong nhà tại các khu vực đô thị.
Cục trưởng Lê Văn Tuấn cũng khẳng định, đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy bình đẳng số, mang công nghệ tiên tiến đến với mọi người dân, từ thành thị tới nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Đấu giá băng tần 700MHz là một trong các giải pháp triển khai đưa Nghị quyết 57-NQ/TW vào hiện thực đó là phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng yêu cầu dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo.
"Việc một doanh nghiệp sở hữu băng tần này không chỉ là cơ hội chiến lược để mở rộng vùng phủ sóng và triển khai hiệu quả mạng 4G/5G, mà còn là đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của hạ tầng số quốc gia, hiện thực hóa khát vọng một Việt Nam số hùng cường" - ông Lê Văn Tuấn kết luận.
Sự kiện đấu giá thành công khối băng tần B2-B2' một lần nữa khẳng định nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc tối ưu hóa nguồn tài nguyên tần số quốc gia. Đây là hành động thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, qua đó phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đóng góp vào việc thực thi thắng lợi Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trích dẫn

3 băng tần di động sắp được đấu giá
Kinhtedothi - Cục Tần số vô tuyến điện vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản với 3 khối băng tần B1-B1’, B2-B2’ và B3-B3’.

Bổ sung 500 MHz băng tần 6 GHz cho thiết bị Wi-Fi
Kinhtedothi - Bộ KH&CN mới phê duyệt bổ sung 500 MHz phổ tần trong băng tần 6 GHz cho các thiết bị mạng nội bộ không dây (Wi-Fi) hoạt động theo hình thức miễn cấp phép. Đây là Thông tư đầu tiên được Bộ KH&CN mới ban hành, sau khi hợp nhất Bộ KH&CN với Bộ TT&TT.

Tốc độ truy cập 5G tại Việt Nam tăng vọt
Kinhtedothi - Tốc độ trung bình của mạng 5G toàn quốc đạt 354,88 Mbps khi tải xuống và 94,92 Mbps khi tải lên. Đây là mức tăng ấn tượng so với các tháng trước và là bước tiến lớn nhất kể từ tháng 2/2024.