Nhà thầu “một mình một chợ”
Đây là một trong những gói thầu có quy mô lớn được VIMICO tiến hành tổ chức đấu thầu rộng rãi trong thời gian vừa qua. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái và Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Vinacomin. Giá trúng thầu: 112,189 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày (Quyết định phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu số 486/QĐ-VIMICO ngày 3/4/2019).
Tuy nhiên, theo tài liệu mà chúng tôi có được, Hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu này có nhiều dấu hiệu “không bình thường”.
Khoản 7, Điều 12, Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định về lập HSMT; Khoản 5, Mục I Chỉ thị số 47/2017/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ có quy định: HSMT/HSYC không được nêu những đặc tính, tiêu chuẩn cá biệt của hàng hóa nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử. Đồng thời, không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể… hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu…
Tuy nhiên, mặc dù Gói thầu Mua sắm ô tô tự đổ 55÷60 tấn (8 xe) được VIMICO phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi trong nước nhưng điều bất thường HSMT của gói thầu trên có dấu hiệu hạn chế nhà thầu.
Tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật trong HSMT, VIMICO yêu cầu nhà thầu chỉ được cung cấp xe sản xuất ở các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển. Hàng hóa phải được sản xuất từ năm 2018 về sau, được sơn lót, sơn phủ hoàn chỉnh theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất, nước sản xuất.
Tiếp đến, phần yêu cầu kỹ thuật cơ bản, có nhiều thông số kỹ thuật tương đồng với chủng loại xe ô tô tự đổ của hãng xe Caterpillar. Đơn cử như loại xe ô tô quy định trong HSMT phải loại ô tô tự đổ, nâng ben bằng hệ thống thủy lực. Phần động cơ của ô tô phải động cơ Diesel 4 kỳ, làm mát nước, phun nhiên liệu trực tiếp. Công suất thực (ISO 9249/SAE J1349) của động cơ bánh đà >= 530Kw. Momen xoắn tối đa >=3.330 Nm. Hệ thống lái đạt tiêu chuẩn ISO 5010:1992 và SAE J1511. Góc lái tối đa >= 30 độ. Hệ thống phanh đạt tiêu chuẩn ISO 3450:1996…
Trong khi đây cũng là những thông số tương đương với hàng xe tự đổ Caterpillar tại Việt Nam do Công ty TNHH Công Nghiệp Phú Thái là Đại lý Chính thức Duy nhất của Caterpillar tại Việt Nam cung cấp và Công ty TNHH Công Nghiệp Phú Thái cũng là một trong 2 nhà thầu chính trúng thầu gói thầu trên.
Đáng chú ý, Nhà thầu liên danh Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái và Công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Vinacomin cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) tham dự gói thầu và trúng thầu.
“Sử dụng” nhãn hiệu hàng hóa để đánh giá hồ sơ dự thầu
Nêu yêu cầu cụ thể về xuất xứ, nhãn hiệu của hàng hóa trong HSMT với gói thầu mua sắm hàng hóa khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điểm i Khoản 6 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Đối với hành vi này, theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì hình thức xử phạt là cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm. Và theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013, thẩm quyền cấm tham gia hoạt động đấu thầu là người có thẩm quyền đối với dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý.
Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Tại chỉ thị này, Thủ tướng nghiêm cấm việc nêu xuất xứ, nhãn hiệu, cataloge của một số sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa trong HSMT yêu cầu khi có thể mô tả được chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ của hàng hóa đó.
Nhưng không hiểu vì lý do gì, với một gói thầu mua ô tô có giá trị hàng trăm tỷ đồng nhưng VIMICO lại cố tình phớt lờ quy định trên khi đưa nhãn hiệu hàng hóa vào trong tiêu chuẩn đánh giá Hồ sơ dự thầu tại HSMT. Cụ thể, phần tiêu chí đánh giá về kỹ thuật tại HSMT của gói thầu VIMICO đã đưa tới 2 nhãn hiệu gồm Caterpillar và Komatsu tại HSMT.
Khó hiểu hơn, khi đưa 2 nhãn hiệu hàng hóa này, VIMICO cũng không cung cấp thông số kỹ thuật của 2 nhãn hiệu ô tô tại HSMT của gói thầu theo đúng quy định pháp luật đấu thầu.
Tại nhiều công văn hướng dẫn thực hiện pháp luật đấu thầu, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) quy định, chỉ được phép đưa nhãn hiệu hàng hóa với mục đích tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật trong trường hợp không thể mô tả được tính năng kỹ thuật của hàng hóa đó. Tuy nhiên, tại HSMT Gói thầu trên, VIMICO lại dùng chính nhãn hiệu hàng hóa để làm tiêu chí đánh giá HSDT tại HSMT.
Cụ thể, tại tiêu chí đánh giá về mặt kỹ thuật, trường hợp nhà thầu sử dụng hàng hóa chào thầu thuộc nhà sản xuất Caterpillar hoặc nhà sản xuất và Komatsu thì được cộng 3 điểm trong khi những trường hợp nhà thầu chào các nhà sản xuất khác chỉ được đánh giá 1 điểm.
Với những dấu hiệu bất thường trên khiến dư luận có cơ sở để đặt câu hỏi về tính minh bạch cũng như việc tuân thủ pháp luật nói chung, pháp luật đấu thầu nói riêng của VIMICO khi tổ chức đấu thầu gói thầu có giá trị trăm tỷ này.
Không chỉ gói thầu trên, ở một số gói thầu mua sắm khác cũng đưa nhãn hiệu và xuất xứ vào HSMT.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.