Hiện đang là thời điểm giao mùa, trẻ rất dễ bị ốm đặc biệt là các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa, tuần hoàn… Bởi vậy cha mẹ cần chú ý đến những triệu chứng khi trẻ ốm để đưa đến viện kịp thời.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, đặc biệt là ở các khoa Khám bệnh, khoa Cấp cứu, nhân viên y tế thường gặp một số trường hợp cha mẹ không nhận biết được các dấu hiệu bệnh nặng để đưa trẻ đi khám sớm, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của trẻ.
Ngược lại cũng có nhiều cha mẹ vì lo lắng quá mức về tình trạng bệnh của con mà đòi hỏi phải cho con khám cấp cứu, khám ngay, mặc dù được nhân viên y tế đánh giá tình trạng bệnh của trẻ chưa cần phải khám cấp cứu và có thể chờ đợi được. Hậu quả có thể gây những sự hiểu lầm không cần thiết của người nhà bệnh nhân đối với nhân viên y tế.
Vì những lý do trên, Bệnh viện Nhi T.Ư đã có những tư vấn cho các gia đình có trẻ nhỏ cách nhận biết trẻ bị bệnh nặng để đưa con đi khám sớm và kịp thời. Đồng thời, có thái độ đúng đắn, bình tĩnh lắng nghe hướng dẫn của nhân viên y tế khi con không trong tình trạng cấp cứu.
Dưới đây là một số dấu hiệu phản ánh tình trạng bệnh nặng ở trẻ:
Về hô hấp:
Trẻ khó thở: Trẻ thở nhanh hơn so với mức bình thường kèm theo các biểu hiện rút lõm lồng ngực, hõm ức, cánh mũi phập phồng… Có thể nghe thấy các tiếng thở rít rõ hay tiếng trẻ thở khò khè, thở rên ở trẻ nhỏ dưới 2 tháng. Trẻ có dấu hiệu tím môi, đầu ngón chân, ngón tay. Màu sắc da thay đổi: Xanh, tái.
Nặng hơn trẻ có biểu hiện rối loạn nhịp thở như có cơn ngừng thở hoặc ngừng thở (quan sát lồng ngực, bụng không phập phồng theo nhịp thở)
Trẻ khó thở: Rút lõm lồng ngực
Về tuần hoàn, trông trẻ xanh sao mệt mỏi, da tái nhợt do thiếu máu, hoặc mất máu nặng do chấn thương (chảy máu ra ngoài cơ thể hoặc chảy máu bên trong cơ thể).
Thấy trẻ chảy máu kéo dài, không cầm được.
Trẻ mất nước nặng (do nôn nhiều, ỉa chảy cấp…) biểu hiện bằng các triệu chứng uống nước háo hức, kích thích vật vã hoặc li bì, hôn mê.
Nặng hơn, trẻ tím tái, ngừng tim (áp tai vào vùng ngực không nghe thấy tiếng tim đập)
Về thần kinh:
Trẻ co giật, li bì, hôn mê: Gọi hỏi không khóc, không trả lời hoặc không co tay, chân lại khi bị cấu véo; khó đánh thức trẻ dậy.
Trẻ rất đau, tinh thần hoảng loạn, kích thích.
Các bệnh cấp cứu ngoại khoa: trẻ có biểu hiện của một số bệnh ngoại khoa như lồng ruột, xoắn ruột, tắc tá tràng, không hậu môn…với các triệu chứng như: Nôn trớ, đau quặn bụng, ỉa máu , kích thích nhiều…
Các chấn thương nặng: Rơi từ độ cao > 2m, tai nạn xe cộ mà tốc độ lớn hơn 60km/h, tai nạn do hỏa hoạn, vết thương xuyên thấu…
Các biểu hiện khác:
Hạ nhiệt độ (≤ 35.5 độ C) hoặc sốt cao ≥40 độ C.
Các trường hợp ngộ độc cấp : ngộ độc rượu, thuốc trừ sâu, thuốc gây nghiện….
Trẻ được chuyển gấp từ các cơ sở y tế khác đến.
Tất cả trẻ ở độ tuổi sơ sinh dưới 28 ngày tuổi có biểu hiện: Sốt, bú kém, có các di tật bẩm sinh: Tim bẩm sinh, không hậu môn, trẻ đẻ non, thấp cân…
Ngoài các biểu biện cấp cứu trên, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường khác như: Nôn, sốt, ỉa chảy, đau bụng, đau đầu… hoặc cha, mẹ cảm thấy con “khang khác”, lo lắng, không yên tâm về trẻ cũng nên đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi bệnh nhi có một trong những biểu hiện trên, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám.