Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu năm, khách tăng gửi tiền lấy may, ngân hàng tính thêm chuyện lớn

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 7/2 (mồng 7 Âm lịch), các ngân hàng đồng loạt ra quân. Trong ngày giao dịch đầu năm, nhiều khách hàng đã đến tận quầy hoặc gửi tiết kiệm online một khoản tiền lấy may với mong muốn tiền luôn rủng rỉnh trong tài khoản ngân hàng.

Khách hàng gửi tiền đầu năm nhận lì xì tại Namabank
Khách hàng gửi tiền đầu năm nhận lì xì tại Namabank

Ngay từ sáng sớm, bà Nguyễn Thị Yến (Hoàng Mai- Hà Nội) đã đến Phòng giao dịch của NamABank để gửi tiền lấy may đầu năm. Khoản tiền bà Yến gửi dù không lớn nhưng là tiền mừng tuổi và tiền con cái biếu cha mẹ nhân dịp Tết Nguyên đán nhưng bà vẫn rất vui.

Trong ngày giao dịch đầu năm Nhâm Dần này, khách hàng giao dịch tại quầy và Ngân hàng số Nam A Bank sẽ được nhận ngay lì xì may mắn trong 3 ngày đầu tiên đi làm.

Cụ thể, 3 ngày liên tiếp từ 7/2 – 10/2 (tức mồng 7 – mồng 10 âm lịch), khi khách hàng thực hiện các giao dịch tại quầy, gửi tiết kiệm online và các giao dịch tài chính trên Open Banking/Mobile Banking, giao dịch nạp/rút tiền mặt tại các điểm ONEBANK, đăng ký tài khoản 9 số đẹp, thanh toán hóa đơn tự động, chi tiêu thẻ tín dụng… sẽ được nhận lộc xuân may mắn và giá trị.

Tương tự, chị Hà Luận (Mỹ Đình, Hà Nội) cũng tranh thủ ngày đầu năm đi mua sắm cùng bạn bè. Chị dùng thẻ tín dụng VPBank để thanh toán. Vừa quẹt thẻ xong thì chị nhận được mã quay thưởng từ VPBank, thấy hướng dẫn tự quay thưởng, chị tò mò vào thử vận may và bất ngờ khi nhận được phần thưởng là 1 chỉ vàng. Với chị, đây là một món quà rất may mắn đầu năm.

Để đón dòng tiền đầu năm mới, VPBank đang tiếp tục triển khai chương trình “Chào xuân mới- đón lộc tới”. Để nhận được mã quay thưởng, bên cạnh các chi tiêu mua sắm, thanh toán qua thẻ phục vụ tiêu dùng Tết, khách hàng có thể lựa chọn sử dụng hàng loạt dịch vụ khác của ngân hàng như: Mở mới tài khoản thanh toán; mua bảo hiểm hoặc tái tục bảo hiểm; vay tín chấp; trở thành khách hàng định danh VPBank Prime/ VPBank Diamond hay tham gia các dịch vụ đầu tư trái phiếu/chứng chỉ quỹ….

Ngoài các chương trình thu hút tiền gửi và khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng, ngay từ đầu năm mới, các ngân hàng đã có những chiến lược, kế hoạch dài hơi để vươn mình trong năm 2022.

Lãnh đạo Ngân hàng Quân Đội (MBBank) cho hay, năm 2022, MB dự kiến sẽ triển khai các thủ tục chuyển đổi Chi nhánh Campuchia thành Ngân hàng con tại quốc gia này nhằm tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu đưa Ngân hàng trở thành tập đoàn tài chính đa quốc gia, trước mắt tập trung vào thị trường Đông Nam Á.

Trước đó, đầu tháng 12/2021, MB chính thức lựa chọn Ngân hàng Shinsei (Shinsei Bank)- Ngân hàng có bề dày kinh nghiệm hơn 50 năm tại Nhật Bản, làm đối tác chiến lược để cùng triển khai liên doanh ngân hàng thương mại tại Campuchia.

Năm 2021, MB tiếp tục bứt phá khi App MBBank ghi nhận khoảng 6,3 triệu người dùng mới, lũy kế đạt 9,5 triệu người dùng, tăng gấp 320% so với năm 2020.  "Đến nay, giao dịch trên kênh số tại MB chiếm khoảng 92%. Tỷ trọng giao dịch số đứng trong nhóm đầu của châu Á. Chúng tôi đang không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái số, mục tiêu từng bước cung cấp cho khách hàng trải nghiệm ngân hàng số 4.0, dẫn đầu về số hóa" – đại diện MB cho biết.

Tại hội nghị của MB tổ chức đầu năm 2022, ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam từng nhận xét, "hiếm có ngân hàng nào chuyển đổi số nhanh, tốc độ như MB". Ông cũng cho biết, năm 2021, MB là ngân hàng phát sinh giao dịch lớn nhất trong hệ thống chuyển tiền liên ngân hàng 247 ở Việt Nam. "Đặc biệt, tại MB, đánh giá hồ sơ tín dụng tự động hoàn toàn trên kênh số chiếm khoảng trên 30%. Đây là con số rất ấn tượng đối với một ngân hàng tại Việt Nam" – ông Dũng chia sẻ thêm.