Theo ước tính của Bloomberg, số lô hàng từ Nga đến khu vực Địa Trung Hải đã lên đến mức cao nhất kể từ giữa tháng 6. Trong đó, vận chuyển dầu thô từ các cảng xuất khẩu ở vùng Baltic và Biển Đen đến các nhà máy lọc dầu ở Italia đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần, và đến Thổ Nhĩ Kỳ là lớn nhất trong 6 tuần.
Tổng nguồn cung nhiên liệu đã lên tới 1,38 triệu thùng/ngày - cao nhất trong 5 tuần qua, song vẫn chưa vượt mức 1,85 triệu thùng/ngày theo ghi nhận trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Bên cạnh đó, doanh thu của Nga từ thuế xuất khẩu dầu thô tiếp tục tăng, ngay cả khi nước này đã giảm thuế cho những lô hàng xuất đi kể từ đầu tháng 8.
Dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg giám sát cũng từng ghi nhận một động thái bất thường, được cho là phương án “né trừng phạt” để đưa dầu của Nga ra thị trường. Theo đó, một chuyến hàng khoảng 700.000 thùng dầu của Nga đã được chuyển đến cảng dầu El Hamra của Ai Cập trên bờ biển Địa Trung Hải vào sáng sớm ngày 24/7. Vài giờ sau, một tàu khác đã tiếp nhận một lô hàng từ cảng - có thể bao gồm một số hoặc tất cả số lượng dầu của Nga tại đó.
Theo Bloomberg, các tàu chở dầu thô của Nga trước đây cũng đã tiến hành vận chuyển hàng hóa từ tàu sang tàu ở ngoài khơi thành phố Ceuta của Tây Ban Nha, và gần đây là ở giữa Đại Tây Dương. Đây được đánh giá là một vị trí bất thường cho một hoạt động phức tạp, vốn thường được thực hiện ở các địa điểm gần bờ.
Bloomberg nhận định, sự gia tăng nhu cầu mua dầu của Nga tại Liên minh châu Âu (EU) đã đẩy cao nguy cơ vi phạm lệnh trừng phạt của khối đối với Moscow, đồng thời phản ánh vướng mắc mà khu vực này sẽ gặp phải trong việc chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
“Số hàng hóa này được xác định là không phải của Nga, mặc dù thực tế là chúng được khai thác và vận chuyển từ các cảng của Nga. Điều này cho thấy sẽ khó khăn như thế nào trong việc kiểm soát các lệnh trừng phạt liên quan đến việc ngừng mua dầu thô từ Liên bang Nga khi chúng có hiệu lực vào tháng 12” - tờ báo viết.
Vào tháng 6 năm nay, các nước thành viên EU đã cơ bản đồng ý về các lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực kể từ tháng 12/2022. Một khi có hiệu lực, các lệnh trừng phạt của EU sẽ cấm nhập khẩu hầu hết dầu Nga sang châu Âu, cấm các đội tàu chở dầu của EU và các dịch vụ bảo hiểm hàng hải giúp Nga vận chuyển dầu sang các thị trường khác.
Nhưng đằng sau sự nhất trí được thể hiện bên ngoài, căng thẳng vẫn luôn âm ỉ trong lòng EU về cách đối phó với cuộc chiến ở Ukraine, khiến những bất đồng trong quyết tâm trừng phạt Moscow nơi liên minh này không còn là thực tế quá bất ngờ. Nhìn chung, sự chia rẽ giữa Bắc và Nam Âu, vốn manh nha từ cuộc khủng hoảng nợ công cách đây 1 thập kỷ, đã tạo thành “kẽ nứt” sâu sắc tại lục địa già.
Với việc suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong tương lai gần hoặc thậm chí là suy thoái kèm lạm phát, khác biệt Bắc - Nam này được dự báo sẽ còn gia tăng hơn nữa trong nhiều phương diện. Cơ hội của Nga tại châu Âu chưa bao giờ rõ ràng đến thế.