Ngày 23/11, Tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc" được tổ chức tại Hà Nội với mục tiêu không ngoài việc tìm ra “thuốc đặc trị” để “đấu trí” cùng xe dù, bến cóc, hướng tới loại bỏ vấn nạn này ra khỏi đời sống xã hội.
Vì sao xe dù, bến cóc vẫn “sống khỏe”?
Ở Hà Nội, nói đến địa bàn hoạt động mạnh nhất của xe dù, bến cóc, thường mọi người sẽ nghĩ ngay đến các tuyến đường lớn như: Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Đại lộ Thăng Long... Đi dọc các tuyến đường này không khó để bắt gặp những đoàn khách với lỉnh kỉnh ba lô, đồ đạc đứng chờ sẵn bên đường.
Bất chấp đường chật, xe đông, những chiếc “xe dù” vẫn bằng một cách nào đó rất tài tình, lách khỏi đám đông, “đè mặt” nhiều phương tiện khác để tấp vào lề đường và “vợt” khách. Thời gian để họ hoàn thành thao tác này chỉ diễn ra trong tích tắc, như đã có sự thỏa thuận và hiểu ý từ trước giữa nhà xe và hành khách đi xe. Chính bởi thế, không ít trước hợp xe dù “vợt” khách ngay khu vực chỉ cách chốt trực của lực lượng CSGT một đoạn ngắn mà không có bất cứ biểu hiện của sự e dè hay sợ hãi.
Theo tìm hiểu của PV, phần lớn hành khách chọn đi xe dù đều là khách quen. Họ đã liên hệ trước với nhà xe về thời gian, địa điểm đón và làm theo sự hướng dẫn của nhân viên nhà xe để làm sao việc đón – trả được diễn ra an toàn nhất, tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Điều này chẳng khác nào chính những hành khách đi xe dù cũng là “đồng phạm” khi họ sẵn sàng bao che, tiếp tay cho hành vi hoạt động sai trái của các nhà xe. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến lực lượng chức năng gặp khó trong việc phát hiện và xử lý xe dù, bến cóc.
Tại buổi tọa đàm "Giải pháp nào để xóa xe dù, bến cóc", một trong những nội dung được các khách mời và chuyên gia bàn luận khá sâu chính là nguyên nhân nào khiến nạn xe dù, bến cóc khó bị dẹp bỏ đến vậy. Nhìn nhận vấn đề qua góc nhìn quản lý, TS Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, có hai nguyên nhân chính khiến xe dù, bến cóc tồn tại.
Thứ nhất là bất cập trong việc bố trí, sắp xếp vị trí các bến xe, mà cụ thể ở đây là những bến xe hiện nay được bố trí tương đối khó, xa khu vực mà người dân đang sinh sống. Thứ hai, hành lang pháp lý hiện thiếu quy định là các địa phương phải quy hoạch và tổ chức điểm đón, trả khách thuận tiện cho phục vụ xe khách cố định, dẫn đến sự kém hấp dẫn của vận tải (Nghị định 86, nay là Nghị định 10 đều không có quy định này).
Theo TS Khuất Việt Hùng, không thể đổ hết lỗi cho lái xe và DN vận tải về vấn nạn xe dù, bến cóc mà phải làm sao để “chúng ta quy định pháp luật và thực thi pháp luật như thế nào cho hiệu quả”. “Tất nhiên cuối cùng vẫn luôn là ý thức của người kinh doanh. Nhưng vấn đề đầu tiên là chúng ta phải làm tốt việc bảo vệ pháp luật và thực thi pháp luật. Tôi nghĩ đây là vấn đề chúng ta cần phải giải quyết” – TS Khuất Việt Hùng nói.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thu Hiền – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, thói quen đi lại của người dân chính là một trong những nguyên nhân giúp xe dù đất khách có “đất sống”. Lấy ví dụ từ việc chuyển đổi vị trí của Bến xe Miền Đông cũ sang Bến xe Miền Đông mới ở TP Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thu Hiền nhận định, việc chuyển đổi này được thực hiện chưa hợp lý. Bến xe cũ có hàng nghìn tuyến xe cố định, người dân trong một thời gian dài đã có thói quen ra nơi đây để bắt xe. Nên trước khi bến xe chuyển sang vị trí mới, phải đánh giá xem người dân có đi lại được không.
“Các xe sẵn sàng vào bến nếu có khách. Không phải xe tuyến cố định không vào bến mà do là người dân có nhu cầu đi lại. Do xa quá, người ta không thể di chuyển trong điều kiện đi xuyên qua TP như vậy rất mất thời gian, chưa nói đến tốn kém chi phí và cũng nhiều yếu tố khác nữa” – bà Phan Thị Thu Hiền phân tích.
Đâu là giải pháp?
Bàn về giải pháp xóa bỏ xe dù, bến cóc, bà Phan Thị Thu Hiền cho hay, trong thời gian qua, Cục Đường bộ Việt Nam vẫn thường tiếp nhận những thông tin liên quan đến xe dù, bến cóc từ phía người dân, sau đó có chỉ đạo, yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông xử lý. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.
Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm thông qua thiết bị giám sát hành trình mà Cục Đường bộ Việt Nam đang thực hiện cũng ngày càng phát huy được hiệu quả cao. Đây cũng là một giải pháp được kỳ vọng nhiều.
“Tất cả giải pháp có thể áp dụng được trước mắt cũng như lâu dài như xây dựng chính sách, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật khi có phản ánh của người dân và doanh nghiệp… chúng tôi đã triển khai thực hiện” – bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định và cho rằng, việc xe dù, bến cóc vẫn tồn tại có nguyên nhân từ rất nhiều khâu, trong đó có khâu quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch trong các đô thị lớn. Đây là bài toán không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Trong khi đó, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, để xóa nạn xe dù, bến cóc, một trong những giải pháp hữu hiệu vẫn là tăng cường tuần tra, kiểm soát và thường xuyên xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cũng phối hợp với các lực lượng chức năng khác như: thanh tra giao thông, công an quận, phường, xã xử lý nghiêm từ gốc.
"Chúng tôi nghĩ trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm thì phải lắp đặt hệ thống camera giám sát. Chúng ta không có lực lượng để xử nóng, xử ngay trực tiếp lúc đó thì sẽ xử lý hành vi qua hình ảnh đã được ghi nhận lại để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm về trật tự ATGT” - Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nói.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương hết sức cân nhắc, thận trọng điều chỉnh vị trí bến xe, tránh tình trạng các bến xe đang hoạt động hiệu quả, tổ chức phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân thì điều chỉnh, gây ảnh hưởng đến giao thông đô thị nội đô, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân” – Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền