Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư ba tuyến đường huyết mạch phía Tây, Tây Nam của Thủ đô Hà Nội

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sở GTVT đã báo cáo UBND TP Hà Nội về dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21A, 21B và xây dựng đường Tây Thăng Long. Đây là 3 tuyến đường rất quan trọng với khu vực phía Tây và Tây Nam của Thủ đô.

Kết nối các đô thị vệ tinh

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo UBND TP về việc triển khai đầu tư một số dự án giao thông lớn. Trong danh sách 11 dự án được Sở GTVT báo cáo lần này có dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội Phan Trường Thành cho biết: “Quốc lộ 21A nối 3 đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai theo đồ án quy hoạch tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng cùng với đó, Sở GTVT đề nghị sẽ tiếp tục kéo dài tuyến quốc lộ xuống phía Nam, kết nối với đô thị vệ tinh Phú Xuyên để giải quyết tình trạng giao thông, phục vụ người dân di chuyển”. 

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, tổng chiều dài dự án là 25,75km, bao gồm cả nút giao với Quốc lộ 6. Dự án đi qua địa phận thị xã Sơn Tây, các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ (TP Hà Nội) và huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo TP về dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai. Ảnh minh hoạ.
Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo TP về dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai. Ảnh minh hoạ.

Điểm đầu khớp nối với dự án đầu tư phố Tùng Thiện tại vị trí đầu cầu Quan. Điểm cuối của dự án nằm tại Km25+745, vuốt nối về Quốc lộ 21 hiện trạng, thị trấn Xuân Mai - huyện Chương Mỹ

Tuyến chính của dự án triển khai theo cấp đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h. Đối với đường song hành (đường gom), tính theo cấp đường chính khu vực, vận tốc thiết kế là 60km/h. 

Quốc lộ 21A hiện nối Thủ đô Hà Nội với 3 tỉnh Hòa Bình, Hà Nam và Nam Định. Chính vì vậy, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21 đoạn Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai là dự án quan trọng quốc gia với tổng mức đầu tư dự kiến 18.722 tỷ đồng. 

“Theo quy hoạch hiện đã có một tuyến đường sắt đô thị vệ tinh kết nối Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai và sẽ tiếp tục kéo dài, song hành theo Quốc lộ 21A để nối xuống Phú Xuyên và sân bay thứ hai phía Nam. Đây là định hướng mới trong quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt đi song hành để phát triển các đô thị vệ tinh đi quanh khu vực trung tâm” - ông Phan Trường Thành chia sẻ thêm.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 21A đi qua địa bàn TP Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, do đó gặp khó khăn trong việc xác định phạm vi, ranh giới giữa hai địa phương, việc xác định nguồn vốn và phương thức đầu tư dự án phần nằm trên địa giới hành chính tỉnh Hòa Bình.

Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị UBND TP làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình để thống nhất phương án đầu tư, nguồn vốn đoạn tuyến qua địa phận huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Liên thông toàn tuyến

Mang nét tương đồng với Quốc lộ 21A, Quốc lộ 21B đang được Sở GTVT Hà Nội đề xuất cải tạo nâng cấp đoạn qua địa phận huyện Ứng Hoà. Cụ thể, theo Sở GTVT Hà Nội, dự án có điểm đầu tại Km31+550 (nút giao đường tỉnh 424), điểm cuối tại Km41+550 (hết địa phận huyện Ứng Hòa).

Tuyến đường sẽ được đầu tư cải tạo theo tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng. Riêng đoạn qua khu dân cư thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị với quy mô mặt cắt ngang 35m. Với các đoạn tuyến có điều kiện mặt bằng thuận lợi, tốc độ thiết kế dự kiến là 80km/h.

Với các khu vực cần giải phóng mặt bằng (GPMB), Sở GTVT sẽ bám sát đường hiện trạng, tránh giải phóng với khối lượng lớn, cắt công trình tôn giáo tín ngưỡng. Tại các tuyến này, Sở GTVT sẽ châm chước đề xuất kiến nghị tốc độ thiết kế từ 50 - 60km/h.

Hiện nay, đơn vị tư vấn đang phối hợp với UBND huyện Ứng Hoà để chuẩn xác số liệu GPMB làm cơ sở tính toán chi phí GPMB. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.300 tỷ đồng.

Trong danh sách 11 dự án giao thông lớn được Sở GTVT Hà Nội báo cáo TP, có một dự án được xác định là trục hướng tâm quan trọng: đường trục Tây Thăng Long. Tuyến đường kết nối đô thị vệ tinh Sơn Tây với khu vực đô thị trung tâm và kết nối 5 quận, huyện, thị xã (Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Phúc Thọ, Sơn Tây).

Đường trục Tây Thăng Long chưa thể liên thông toàn tuyến, làm giảm hiệu quả đầu tư. Ảnh: Phạm Công 
Đường trục Tây Thăng Long chưa thể liên thông toàn tuyến, làm giảm hiệu quả đầu tư. Ảnh: Phạm Công 

Mặc dù hiện nay một số đoạn tuyến đã đầu tư hoàn thành nhưng do chưa đảm bảo tính kết nối liên thông khiến toàn tuyến không phát huy hết hiệu quả như mong đợi.

Để phát huy tối đa năng lực của tuyến, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục đề xuất dự án xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ Tỉnh lộ 417 đến đường trục kinh tế Bắc - Nam. Dự án nằm trên địa phận huyện Đan Phượng và Phúc Thọ (Hà Nội).

Theo nhiều chuyên gia, việc tiếp tục mở rộng xây dựng trục hướng tâm Tây Thăng Long sẽ giúp hình thành các cụm đô thị mới tập trung dọc tuyến, kéo dãn dân số nội thành, giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô. 

Sở GTVT Hà Nội cho biết, dự án tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ tỉnh lộ 417 đến đường trục kinh tế Bắc - Nam có quy mô dự kiến là đường liên khu vực với tốc độ thiết kế 80km/h. Quy mô mặt cắt ngang dự kiến 40m, bao gồm mặt đường 6 làn xe cơ giới và làn hỗn hợp rộng 23m. Dải phân cách giữa dự kiến rộng 5m và vỉa hè hai bên là 12m.

Trên tuyến dự kiến sẽ được xây dựng thêm hai cầu vượt sông Đáy tại Km3+142 và Km5+650 (huyện Phúc Thọ). Tải trọng thiết kế cầu dự kiến là trục 10 tấn.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Tây Thăng Long đoạn từ Tỉnh lộ 417 đến đường trục kinh tế Bắc - Nam có tổng mức đầu tư dự kiến 1.973 tỷ đồng. Trong đó chi phí GPMB là 488 tỷ đồng, xây lắp 1.485 tỷ đồng.

Đường trục Tây Thăng Long được xác định là một trong các tuyến đường trục hướng tâm quan trọng, giao cắt với hầu hết các tuyến đường vành đai. Với việc mở rộng xây dựng, phát triển tuyến đường kết nối với đường trục kinh tế Bắc - Nam, dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng kết nối, phát triển giao thông, kinh tế - xã hội cho khu vực phía Tây Thủ đô.