Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, năm học 2023 - 2024, phòng đã tham mưu UBND huyện đầu tư xây mới các đơn nguyên ở 9 trường với 10 dự án với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng. Các dự án xây dựng mới bổ sung 93 phòng học và 31 phòng bộ môn, 4 nhà giáo dục thể chất và các phòng hành chính quản trị. Cùng với đó, phòng cũng tham mưu cải tạo, sửa chữa lớp học, phòng học chức năng, nhà giáo dục thể chất, sân trường, cổng trường, nhà vệ sinh ở 8 trường với tổng kinh phí gồm 21,5 tỷ đồng.
Tại quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT đã phối hợp với các phòng, ban chức năng của quận tham mưu với UBND đầu tư gần 422 tỷ đồng để xây mới và cải tạo 4 trường (Mầm non Hoa Hồng; THCS Lê Quý Đôn; Tiểu học và THCS tại ô đất D27 khu đô thị mới Cầu Giấy); xây dựng hoàn thành và thành lập mới 2 trường (Mầm non Bình Minh, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân), đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn quận trong năm học tới.
Còn tại quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND quận Bùi Thị Lan Phương cho biết: “Những năm qua, quận đã bố trí nguồn vốn đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây mới các trường theo kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn 2030 và bổ sung thiết bị dạy học giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức đầu tư 45 dự án gần 2.200 tỷ đồng.
Cùng với đó, quận chuẩn bị xây mới 1 trường cấp 3 tại phường Nhật Tân với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng và 2 trường THPT đang trong lộ trình cải tạo, nâng cấp (Trường THPT Chu Văn An, THPT Tây Hồ). Với kế hoạch điều chỉnh, đến năm 2045, quận sẽ tiếp tục bổ sung xây mới thêm 8 trường”.
Theo lãnh Sở GD&ĐT Hà Nội, quy mô giáo dục Thủ đô đứng đầu cả nước. Trong năm học này, không những nhiều ngôi trường được đầu tư xây mới, tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia toàn TP nâng cao với tỷ lệ 79,86%. TP đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp tiên tiến, hiện đại có diện tích 5ha trở lên.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn. Năm học 2023 - 2024, TP có với 184 học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tăng 43 giải so với năm 2022. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện nỗ lực không ngừng của học sinh Thủ đô. Phía sau thành tích rực rỡ đó, phải kể đến vai trò của đội ngũ nhà giáo.
Theo đánh giá chung, chất lượng đội ngũ giáo viên Hà Nội được nâng lên theo từng năm. Bày tỏ niềm tự hào và tin tưởng vào đội ngũ nhà giáo Thủ đô, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, mỗi nhà giáo Hà Nội đã và đang góp phần tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp cho Thủ đô văn hiến. Nhiệm vụ cao cả của nhà giáo là phát huy và truyền lại cho thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa của nhân loại và của dân tộc. Nhà giáo luôn có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi con người, là nhân tố căn bản nhất trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
“Thành ủy, HĐND, UBND TP đặc biệt quan tâm đến công tác GD&ĐT, xác định giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá và dành sự đầu tư rất lớn cho giáo dục. TP luôn đặt niềm tin vào ngành giáo dục và vào những người thầy trong vai trò dạy chữ, dạy người. Bằng tình cảm, trách nhiệm, tình thương, các thầy cô hãy tiếp nối, phát huy truyền thống của ngành, phấn đấu hoàn thành sứ mệnh cao cả mà lãnh đạo TP và Nhân dân đã tin tưởng giao phó để đưa ngành giáo dục không ngừng phát triển, vươn xa” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhắn nhủ.
Năm học 2024 - 2025, Hà Nội có tổng số 2.913 trường (tăng 39 trường mầm non và phổ thông) với gần 2,3 triệu học sinh, hơn 70.000 lớp (tăng khoảng 48.000 học sinh) và 130.000 giáo viên; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 1 trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý.