Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đầu tư cho nông nghiệp

Vũ Duy Thông
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê, trong giai đoạn từ 2006 - 2011, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khoảng hơn 430.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

Trong giai đoạn này, tổng giá trị hiệp định về vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) được ký kết khoảng hơn 26 tỷ USD, chiếm trên 94% là nguồn vốn vay ưu đãi, trong đó vốn đầu tư dành cho nông nghiệp, thủy lợi, lâm nghiệp, thủy sản phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, giảm nghèo là hơn 3,8 tỷ USD…
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam.
Dư nợ cho vay theo cơ chế tín dụng thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng tăng trưởng đều qua các năm với tốc độ tăng bình quân 24%/năm.Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng vốn đầu tư Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 610.959 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với 5 năm trước. Tính riêng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm vừa qua, cả nước đã huy động được khoảng 851.380 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 266.785 tỷ đồng (31,34%), tín dụng đạt 434.950 tỷ đồng (51%), Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cấp bù miễn thủy lợi phí (trung bình trên 4.000 tỷ đồng/năm), hàng năm chi thêm 7.000 - 8.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Cùng với đó, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn luôn tăng với tốc độ cao, bình quân đạt 20%/năm, so với tốc độ tăng tín dụng chung cho nền kinh tế là 18,5%. Nhờ đó, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp đã có bước phát triển vượt bậc, rất đáng tự hào.
 Tuy nhiên, mọi sự đều có giới hạn của nó. Cách đây 30 năm, HTX kiểu cũ là một mâu thuẫn cần gỡ bỏ để  giải phóng sức sản xuất thì ngày nay, sản xuất không thể lớn được vì thiếu đất và thiếu vốn, thiếu công nghệ tiên tiến đã trở thành rào cản. Sau một thời gian tăng trưởng nhanh, việc đầu tư dàn trải thiếu quy hoạch, đặc biệt là công tác dự báo hạn chế nên nông nghiệp đang lộ nhiều mâu thuẫn, bất cập về nguồn lực đầu tư, định hướng chiến lược...  Những mâu thuẫn ấy đã kéo theo sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm, cả về sản lượng tuyệt đối lẫn tỷ trọng trong GDP. Thiếu vốn, thiếu khoa học công nghệ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu thương hiệu…, nền nông nghiệp nước ta có lúc đã âm 0,18% trong khi 70% dân số và 80% đất đai cả nước là nông dân và nông thôn. Vị trí dẫn đầu về sản lượng gạo và nhiều nông sản bị đe dọa, thủy sản thu hẹp thị trường, hàng nông sản nước ngoài tranh chấp hàng nội, người tiêu dùng trong nước nghi ngại nông sản Việt vì chất lượng, nhất là ATTP.
Nguyên nhân bao trùm của tình hình sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay là cách nhìn của chúng ta về sản xuất nông nghiệp còn đơn giản, thậm chí chưa xác định nước ta là một nước nông nghiệp trên nền công nghệ cao hay công nghiệp. Do cái nhìn đơn giản, tiểu nông nên nhiều chủ trương, chính sách về  sản xuất, thị trường, công nghệ trong nông nghiệp nặng về bảo thủ, chậm đổi mới, không khuyến khích đầu tư nước ngoài và cả trong nước trên lĩnh vực này trên hầu hết các mặt như đất đai, nước, giống, thức ăn, phân bón, công nghệ sau thu hoạch, thị trường…
Nắm bắt được nguyên nhân trì trệ đó, Nhà nước ta đã phát động chương trình nông thôn mới, mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống cho người nông dân thông qua tăng năng suất lao động, đầu tư công nghệ, thay đổi cơ cấu ngành nghề, tăng sức cạnh tranh trên thị trường nông sản. Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỷ đồng ngân sách cho khoa học công nghệ nông nghiệp và những cố gắng này bước đầu có kết quả như việc tăng số DN đầu tư vào nông nghiệp, tỷ lệ các DN khởi nghiệp trong nông nghiệp tăng lên, số lao động được đào tạo bài bản, có kiến thức, nhiều khát vọng đổi mới về nông thôn ngày càng nhiều. Về mặt hàng, trong khi gạo ngày càng suy giảm thì hoa quả, rau đang tăng nhanh, có khả năng chiếm ưu thế, riêng năm nay đã vượt trên 2,4 tỷ USD Mỹ. Cá tra, tôm có mặt ở những thị trường lớn, khó tính của  thế giới. Nhờ đầu tư công nghệ mới, nâng chất lượng, nhiều mặt hàng như hoa tươi, thanh long, dứa, vải thiều trước đây không biết bán đi đâu, nay đã có nguồn tiêu thụ ổn định, trong đó có nhãn trái vụ của Hà Nội bước đầu được thị trường tín nhiệm.
Hà Nội là địa phương đất rộng, người đông, có nhiều thế mạnh, nhất là đa dạng hóa các mặt hàng nông sản. Đã có thời kỳ Hà Nội dẫn đầu cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới nhưng về mặt xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho nông sản chưa phải giỏi. Làm sao để trong một tương lai gần, hoa tươi, gạo ngon, hoa quả đặc sản của Hà Nội nổi tiếng hơn, giống như du lịch hiện nay đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, làm giàu cho quê hương, làm giàu cho nông dân, tránh vết xe đổ hiện nay ở nhiều nước phát triển, đồng ruộng bỏ hoang vì thiếu người làm trong khi TP phải giải quyết nhiều vần đề do dồn ứ lao động từ nông thôn ra.
Việc mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nâng vốn tín dụng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng có thể coi là sự quan tâm đầu tư thích đáng, là cơ hội lớn để ngành nông nghiệp phát triển tạo bước đột phá mới trong nâng cao giá trị, hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập.