Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, có thể thấy những quyết tâm rất lớn của Chính phủ để đẩy mạnh phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế.
Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5 - 7%, phấn đấu 7 - 7,5%), chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8 - 10%.
Trong đó, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số...
Tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường bộ ven biển vào năm 2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn; bảo đảm nguồn cung nguyên vật liệu, kiểm soát giá nguyên vật liệu, chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án cao tốc.
Có giải pháp đột phá, thiết thực, hiệu quả, nhất là cơ chế chính sách để thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; đồng thời, báo cáo cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cơ chế, chính sách để xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Tập trung thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)...
Chú trọng phát triển hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa thủy lợi... xung yếu, bị hư hại, có rủi ro, nguy cơ mất an toàn. Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng thủy sản; hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Năm 2025 vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các DN vật liệu, nhất về giá nguyên liệu, trong đó than - nhiên liệu chính trong sản xuất tăng cao (chi 7,29 tỷ USD để nhập khẩu 60,6 triệu tấn than) và điện dự kiến tăng giá từ 2,41- 3,34% khi thực hiện cơ cấu giá bán lẻ điện mới. Đây là 2 yếu tố chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất vật liệu xây dựng.
Chuyên gia vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung
Trong báo cáo chiến lược năm 2025, Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư SSI (SSI Research) nhận định, năm 2025 hứa hẹn sẽ mở ra các yếu tố hỗ trợ mạnh sau thời gian dài chờ đợi và kỳ vọng thay đổi, khi Việt Nam bắt đầu bước vào một Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên mới cũng đồng nghĩa với việc phải chuẩn bị cho những thay đổi chưa từng thấy từ trước tới nay.
Trong đó, có những cải cách đã bắt đầu từ cuối năm 2024 như thực hiện tinh gọn bộ máy Chính phủ hay quyết tâm đẩy nhanh đầu tư công vào hạ tầng và giải quyết những vấn đề tồn đọng trong lĩnh vực bất động sản.
Theo SSI Research, nếu thành công, đây sẽ là 3 yếu tố trong nước có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng năm 2025. Các cải cách hiện tại đang hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư tốt hơn ở Việt Nam, với tầm nhìn rút ngắn thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng.
Đòn bẩy từ đầu tư công
Giám đốc Đầu tư của VinaCapital Đinh Đức Minh cho biết, nếu nhìn lại năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt được mức vượt kỳ vọng khi GDP tăng gần 7,1% (so với dự đoán 6% đầu năm 2024). Động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ đến từ đầu tư công trong nước, xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ với quyết tâm rất lớn. Theo đó, các nhóm ngành tiêu dùng, xây dựng, vật liệu xây dựng có khả năng sẽ thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư.
Các tuyến đường cao tốc, sân bay Long Thành, Metro ở TP Hồ Chí Minh... đã hoàn thành trong năm vừa qua. Nếu không có một quyết tâm cao nhất của Chính phủ trong từng chỉ đạo, hành động, các dự án khó có thể đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng là 6,5 - 7%, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 7 - 7,5%, ông Minh hy vọng Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu này.
Còn theo nhóm phân tích SSI Research, để có thể đạt mức tăng trưởng GDP hai con số như mục tiêu của Thủ tướng, việc đẩy nhanh đầu tư công, đặc biệt là nâng cấp cơ sở hạ tầng và sự phục hồi của ngành bất động sản, sẽ là hai chủ điểm đầu tư trong năm 2025.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ dự kiến sẽ giúp tăng cường nguồn cung bất động sản đáng kể trong năm 2025, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng như ở các tỉnh thành khác. Chính phủ đang nỗ lực giảm thời gian cấp phép cho các dự án mới và giải quyết những vướng mắc pháp lý của các dự án hiện tại. Đồng thời, động lực tiêu dùng trong nước, vốn đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi thị trường bất động sản trì trệ trong một thời gian dài, có thể cần thêm thời gian để người tiêu dùng hồi phục niềm tin và tiêu dùng trở lại.
Vì vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Việt Nam dự kiến sẽ chủ yếu đến từ đầu tư và sản xuất, thay vì từ tiêu dùng trong ngắn hạn. Do đó, nhóm phân tích có góc nhìn lạc quan hơn về các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản nhà ở và công nghệ thông tin trong năm 2025.
Các chuyên gia tại Chứng khoán ACB (ACBS) nhìn nhận, cùng với sự gia tăng đầu tư công, các DN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Đơn cử, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729km, đã bắt đầu thi công từ năm 2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, vận hành từ năm 2026. Theo đó, những DN lớn như Vinaconex, Đèo Cả và CIENCO 4 đã được chỉ định thầu và giai đoạn 2025 - 2026 được xem là "điểm rơi lợi nhuận" của các DN này.
Cùng với đó, một số dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2035, sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá 33,5 tỷ USD, mở ra cơ hội lớn cho các DN ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu.
Theo các chuyên gia, đầu tư công đã có những tiến triển gần đây. Một số dự án quy mô lớn đang được bổ sung vào danh sách đầu tư công, và mô hình BT (xây dựng và chuyển giao) sẽ được tái triển khai vào năm 2025. Điều này rất quan trọng để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng. Việc tinh gọn bộ máy sẽ giảm được chi tiêu thường xuyên của Chính phủ và giúp gia tăng nguồn vốn đầu tư công.