Đầu tư công và câu chuyện chọn cổ phiếu dài hạn

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine khó lường, thị trường chứng khoán (TTCK) biến động hơn so với các năm trước, không còn khoảng thời gian thị trường phục hồi từ đáy, cứ mua là thắng. Vậy đầu tư vào đâu và đầu tư ra sao để bảo toàn vốn và sinh lời?

Tác động của đầu tư công

Trong khi TTCK chưa có hướng đi cụ thể và chưa có nhóm ngành cổ phiếu nào dẫn dắt thị trường trong những phiên gần đây câu chuyện đầu tư vào cổ phiếu nào mang lại lợi nhuận khi thị trường gặp khó khăn. Chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên tìm hiểu câu chuyện đầu tư dài hơn và linh hoạt.

Chính sách tiền tệ, tài khóa của Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công và trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo SSI Research, trong bối cảnh tình hình đầu tư công hiện tại sẽ giúp nhà đầu tư tìm thấy một số cổ phiếu đáng chú ý. Trong giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư công sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho kinh tế. Thời gian 3-5 năm tới, đầu tư công là lĩnh vực được dành sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ tập trung nguồn lực, để thúc đẩy GDP, với mức tăng dự báo từ 6,5 - 7% trong năm 2022.

Biểu đồ đầu tư công tại các vùng trên cả nước. Ảnh nguồn SSI.
Biểu đồ đầu tư công tại các vùng trên cả nước. Ảnh nguồn SSI.

Điều này không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội. Tổng số dự án triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là gần 5,000 dự án với mức vốn bình quân là 210 tỷ đồng/dự án - gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016 - 2020 (88 tỷ đồng/dự án). Trong đó, kế hoạch giải ngân đầu tư công là 2,87 triệu tỷ đồng, tăng hơn 40% so với con số thực hiện giai đoạn trước.

Các dự án trọng điểm dự kiến tập trung triển khai giai đoạn 2021-2025 gồm cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc Nam, mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Dự án Nhiệt điện Long Phú 1 và Sông Hậu 1,...

Quốc hội mới đây dự kiến giải ngân 50% gói kích thích tăng trưởng kinh tế, khoảng hơn 170,000 nghìn tỷ đồng trong năm 2022. Gói kích thích tập trung vào việc giảm thuế VAT, lãi suất cho vay, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp gồm xây dựng, vật liệu xây dựng.

Cụ thể, đầu tháng 3/2022, gói đầu tư công của Chương trình phục hồi 350.000 tỷ đồng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, cho biết, gói này sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch cụ thể cũng như Phương án phân bổ dự toán năm 2022 tăng thêm đối với các bộ, ngành, địa phương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi Thủ tướng Chính phủ triển khai công tác cụ thể. Dự kiến đến tháng 4 và tháng 5 có thể triển khai được gói đầu tư.

"Chọn mặt gửi vàng" các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công

Các dự án giao thông quan trọng đều liên quan đến xử lý đất nền, cần có các nhà thầu nội địa có chuyên môn kỹ thuật sâu về nền móng các loại kết cấu đặc biệt, xử lý nền đất yếu và công trình ngầm. Đây là các năng lực vô cùng cần thiết cho hàng loạt các dự án tàu điện ngầm, cao tốc, sân bay, cảng biển, chống biến đổi khí hậu và các dự án công nghiệp nặng như gang thép, lọc dầu, nhiệt điện và điện gió ngoài khơi - là những loại dự án sẽ được chính phủ ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2022 - 2025. Tại Việt Nam, FECON (FCN) là nhà thầu kinh nghiệm phát huy lợi thế của mình để tham gia mạnh mẽ vào các loại dự án kể trên.

Các nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công. Ảnh nguồn SSI.
Các nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công. Ảnh nguồn SSI.

Các dự án giao thông hiện nay đã bước vào kỷ nguyên số, nên việc các công trình đi vào vận hành không chỉ đạt về kỹ, mỹ thuật mà còn đảm bảo yêu cầu giao thông thông minh, hiện đại. Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (ELC) chiếm thị phần thứ hai trong phân khúc Giao thông thông minh tại Việt Nam. Kỳ vọng hoạt động kinh doanh của ELC sẽ tăng trưởng mạnh trong 2 năm tới nhờ Chính phủ tập trung đầu tư vào Giao thông thông minh cho hạ tầng đường bộ.

Đi cùng với sự phát triển hệ thống giao thông, các ngành phụ trợ nhựa đường sẽ tăng sản lượng, nhờ đó các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi.

Một trong những đơn vị đang chiếm thị phần từ 25 - 30% nhựa đường tại Việt Nam đó là Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC), với tổng công suất gần 400.000 tấn/năm và 7 nhà máy phủ sóng toàn quốc. Các dự án đầu tư công cầu đường tạo động lực tăng trưởng mảng nhựa đường của PLC như Dự án cao Tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đẩy mạnh tiến độ, tạo động lực tăng trưởng 20% trong năm 2022; Dự án cao tốc Bắc - Nam tạo động lực tăng trưởng dài hạn, trung bình tăng 25%/năm trong giai đoạn 2022-2025. Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 150.000 tỷ đồng, tạo động lực tăng trưởng cho nhóm ngành vật liệu.

Ngành xây dựng sẽ phục hồi song song với sự phục hồi của nguồn cung bất động sản trong các năm tới. Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) là đối tác tin cậy của các chủ đầu tư lớn như Vinhomes, Novaland, Keppel Land… và các chủ đầu tư này dự kiến sẽ triển khai nhiều đại dự án mới.

Đi cùng với phát triển giao thông là phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của các DN. Do đó, doanh nghiệp phát triển các dự án khu công nghiệp được hưởng lợi. Cùng với nhựa đường thì các DN khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng khác như đá, xi măng, cát, sắt thép cũng có cơ hội phát triển đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình giao thông, nhà xưởng.