Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022

Đầu tư đô thị xanh để sinh lời kinh tế

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2022 đã xây dựng một lộ trình để giúp các thành phố áp dụng các giải pháp dựa trên tự nhiên cho cơ sở hạ tầng đô thị, nhằm bảo vệ mình trước thời tiết khắc nghiệt, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Suối Cheonggyecheon được cải tạo ở trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc, là một điển hình về cơ sở hạ tầng thân thiện với thiên nhiên. Ảnh: Reuters
Suối Cheonggyecheon được cải tạo ở trung tâm thủ đô Seoul, Hàn Quốc, là một điển hình về cơ sở hạ tầng thân thiện với thiên nhiên. Ảnh: Reuters

Theo một báo cáo mới của WEF, được công bố tại Hội nghị thường niên Davos 2022 diễn ra từ 17-21/1 dưới hình thức trực tuyến, gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các TP có nguy cơ bị gián đoạn do các thảm họa thiên nhiên. Các TP hiện đóng góp 80% vào GDP toàn cầu nhưng cũng chiếm 75% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu.

Với sự hợp tác của Viện Alexander von Humboldt và Chính phủ Colombia, sáng kiến ​​"Các thành phố sinh học đến năm 2030" của WEF đã công bố một báo cáo đề cập đến tính cấp thiết của mối quan hệ "bất khả xâm phạm" của các TP đối với thiên nhiên.

Mục tiêu của sáng kiến nhằm đảo ngược mối đe dọa thiên tai toàn cầu và tiến lên phía trước với một kế hoạch giúp các TP và thiên nhiên cùng tồn tại hài hòa vào cuối thập kỷ này.

Báo cáo kêu gọi hành động của nhiều bên liên quan để tích hợp cơ sở hạ tầng thân thiện với thiên nhiên vào môi trường, trong đó các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) cho cơ sở hạ tầng và tiết kiệm đất được coi là những cách hiệu quả về mặt kinh tế để các TP đổi mới và đáp ứng những thách thức hiện tại.

Các tác giả giải thích rằng, các thành phố đa dạng sinh học sẽ có 5 đặc điểm, đều hướng đến việc đảm bảo các hành động tích cực với thiên nhiên, về cơ sở hạ tầng, quản trị, kinh tế, sức khỏe và phúc lợi.

Báo cáo ước tính, việc chi 583 tỷ USD cho NbS đối với cơ sở hạ tầng và các biện pháp can thiệp nhằm giải phóng đất đai về tự nhiên có thể tạo ra hơn 59 triệu việc làm vào năm 2030, bao gồm 21 triệu việc làm nâng cao sinh kế dành riêng cho việc khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

Akanksha Khatri, người đứng đầu bộ phận thiên nhiên và đa dạng sinh học tại WEF, nói: "Theo mô hình thông thường, phát triển đô thị và sức khỏe môi trường giống như dầu và nước. Báo cáo này cho thấy điều này có thể thay đổi."

"Thiên nhiên vẫn có thể là xương sống của sự phát triển đô thị. Bằng cách công nhận các thành phố là hệ thống sống, chúng ta có thể hỗ trợ các điều kiện cho sức khỏe của con người, hành tinh và nền kinh tế ở các khu vực đô thị" - ông Akanksha Khatri nói.

Báo cáo cho thấy, bằng cách tăng cường đầu tư vốn vào thiên nhiên, các TP có thể khai thác những lợi ích của thiên nhiên. Các giải pháp dựa trên thiên nhiên trung bình tiết kiệm chi phí hơn 50% so với các giải pháp thay thế do con người tạo ra và mang lại giá trị gia tăng cao hơn 28%.

WEF nhấn mạnh, cách gọi vốn này sẽ thẩm thấu và nuôi dưỡng các giá trị tích cực từ thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy các đổi mới lấy cảm hứng từ sinh học, nhằm tối ưu hóa khả năng cạnh tranh và thịnh vượng của nền kinh tế.

Robert McDonald, một nhà khoa học của The Nature Conservancy và là thành viên của Ủy ban toàn cầu BiodiverCities, nói rằng chỉ cần tăng gấp đôi chi tiêu cho cơ sở hạ tầng xanh - vốn vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong các dự án đô thị - sẽ là "biến đổi lớn về mặt cảm giác của rất nhiều TP".

"Tuy nhiên, lựa chọn truyền thống là xây dựng cơ sở hạ tầng bằng bê-tông vẫn có xu hướng thắng thế, một phần do các mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng của TP", ông Robert với Reuters

Do đó, để đạt được những lợi ích đầy đủ của việc mở rộng đô thị xanh được tin sẽ đòi hỏi sự hợp tác giữa các chính quyền TP, cũng như với các DN và người dân.