70 năm giải phóng Thủ đô

Đầu tư nhà vệ sinh công cộng: Công trình phụ, ý nghĩa lớn

An Nhiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gan gần đây, nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội đang rơi vào tình trạng xuống cấp, hỏng hóc, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng của người dân cũng như mỹ quan đô thị.

Nhà vệ sinh công cộng trên đường Lê Thái Tổ . Ảnh: Thu Hiền
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Lê Thái Tổ . Ảnh: Thu Hiền

Nhà vệ sinh bị bỏ hoang, hỏng hóc

Theo ghi nhận của phóng viên, nhà vệ sinh công cộng cạnh Bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị cỏ cây mọc um tùm, che khuất khiến người đi đường rất khó phát hiện để sử dụng.

Phí đi vệ sinh là 3.000 - 5.000 đồng/lượt. Phía trong nhà vệ sinh có diện tích rất hẹp, thiết bị xuống cấp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đáng nói, phía sau nhà vệ sinh này, nhân viên trông giữ đã tận dụng để bán nước, đồ ăn… rất mất vệ sinh.

Chị Hoàng Thị Hồng - một người dân gần khu vực này chia sẻ: “Nhiều lần tôi có việc đưa đón người nhà ở Bến xe Mỹ Đình, vì mắc vệ sinh nên đành đi tìm nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, khi bước vào trong thì tôi sợ hãi vì mùi xú uế cùng cảnh tượng hãi hùng bởi chất thải tung tóe khắp sàn”.

Không ít nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội đang trong tình trạng bị bỏ hoang một cách phí phạm. Đơn cử, nhà vệ sinh công cộng trên đường Giáp Nhất (quận Thanh Xuân) đã rơi vào tình trạng bỏ hoang không hoạt động. Trong khi một bên khóa trái thì bên còn lại bệ đi vệ sinh bị cáu bẩn, kèm theo mùi hôi khó chịu. Theo nhiều người dân khu vực này, đây là nhà vệ sinh đã bị bỏ hoang từ lâu, rất ít khi thấy người vào đây đi vệ sinh.

Theo chia sẻ của một nhân viên trông nhà vệ sinh ở Hà Nội, chuyện mất trộm đồ trong nhà vệ sinh như bóng đèn, vòi xịt… xảy ra thường xuyên. Thậm chí, trộm còn cắt cả thanh sắt trên mái nhà vệ sinh, gây thất thoát tài sản cũng như mất an toàn cho người sử dụng.

Việc nhà vệ sinh công cộng không đạt tiêu chuẩn, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn tác động tiêu cực đến hình ảnh của Thủ đô, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa, du lịch.

Theo khảo sát xếp hạng điều kiện nhà vệ sinh công cộng tại 69 TP du lịch trên thế giới, Hà Nội có chỉ số điều kiện sử dụng nhà vệ sinh công cộng dành cho khách du lịch quốc tế rất thấp.

Cụ thể, Hà Nội đứng vị trí 66, cách khá xa các TP các nước trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) ở vị trí 42, Bangkok (Thái Lan) ở vị trí 45. Điều này cho thấy vai trò rất quan trọng của các công trình nhà vệ sinh công cộng đối với cuộc sống người dân cũng như sự phát triển của Thủ đô. Đặc biệt, đó còn là tiêu chí quan trọng trong mục tiêu "Vì môi trường xanh – sạch – đẹp" của Thủ đô, xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch.

Đề xuất từ chuyên gia

KTS Trần Huy Ánh cho rằng, nhà vệ sinh công cộng trong TP là một công trình thiết yếu trong quá trình đô thị hóa. Việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng thể hiện một điều rất nhân văn trong quan niệm về xây dựng đô thị, phát triển đô thị. Ngay cả những nơi mật độ dân cư thấp, những điểm du lịch hấp dẫn với khách du lịch quốc tế cũng luôn trong tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng.

“Tôi cho rằng nếu được giao cho các DN để chủ động khai thác, cung cấp dịch vụ tại những nơi công cộng và coi đó là phần tất yếu từ chuỗi dịch vụ của họ thì mới mong có kết quả khả thi. Nếu không thay đổi tư duy, tôi nghĩ rằng khó có thể thay đổi tình hình bất cập hiện nay" – KTS Trần Huy Ánh cho biết.

Ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam hiện nay, trong đó có Hà Nội đang rất yếu kém, đa phần không đảm bảo vệ sinh. Người dân có nhu cầu sử dụng nhưng khi vào thì thấy rất bẩn, cơ sở vật chất bị hỏng hóc, không được dọn dẹp thường xuyên gây tâm lý sợ hãi cho người dân.

Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, tuy là công trình phụ nhưng nhà vệ sinh công cộng lại có ý nghĩa thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút khách du lịch. “Ngoài sản phẩm du lịch, văn hóa, nụ cười tôi nghĩ cần phải đầu tư vào việc này" - ông Hoàng Dương Tùng bày tỏ.

Chia sẻ về giải pháp giúp nhà vệ sinh công cộng phát triển, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, TP có thể để đơn vị tư nhân quản lý vận hành nhà vệ sinh công cộng. Người dân sử dụng và có thể phải trả một số tiền nhất định.

Trước tình trạng nhà vệ sinh công cộng xuống cấp hiện nay, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 752/UBND-ĐT về tăng cường công tác quản lý, duy trì và đầu tư xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP giao chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, trước hết là các quận nội đô và các huyện chuẩn bị chuyển thành quận chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng và kịp thời chỉnh trang, duy tu, duy trì các nhà vệ sinh công cộng hiện có trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Đồng thời đề xuất phương án quản lý, duy tu, duy trì bảo đảm hiệu quả, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị. Cùng với đó, rà soát, xem xét sớm đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng tại các khu vực cần thiết trên địa bàn bảo đảm hiệu quả, thân thiện môi trường, đúng quy định.

Cùng với đó, đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường thân thiện, cảnh quan đô thị. Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tham mưu đề xuất, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo.

Kinh nghiệm từ các nước

Nhà vệ sinh công cộng của Thái Lan là một trong những yếu tố khiến người dân nước này cảm thấy yêu thích và tự hào. Bên cạnh hệ thống nhà vệ sinh công cộng thông thường, đất nước này còn có nhà vệ sinh công cộng hạng sang với nhiều ưu điểm nổi bật như: Nội thất bắt mắt với tường được ốp gỗ, trang bị máy điều hòa, hệ thống xông hương thơm loại bỏ mùi khó chịu, thậm chí còn có thể đo huyết áp, đo tỷ lệ mỡ trong cơ thể hay có máy phát nhạc để người sử dụng "thư thái".

Trong tương lai, hệ thống nhà vệ sinh này sẽ được phát triển thành các trung tâm y tế điện tử góp phần vào sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, hệ thống nhà vệ sinh hạng sang này rất sạch sẽ và được cam kết loại bỏ vi khuẩn tối đa khi sử dụng loại nước lau rửa đặc biệt và có nhân viên tẩy trùng sau mỗi lần sử dụng. Hầu hết thiết bị - từ nút xả nước, thùng rác đến hộp đựng xà phòng đều được điều khiển bằng cảm biến, hạn chế các tiếp xúc thông thường.

Tại Singapore, nhà vệ sinh công cộng được cung cấp bởi các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ… Bộ luật về sức khỏe môi trường của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore quy định các tiêu chuẩn thiết kế tối thiểu cơ bản của nhà vệ sinh để giải quyết các vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khu vực giao thông chính, tránh phải di chuyển khoảng cách dài (thường đặt ở siêu thị, chợ, nơi ăn uống, trung tâm hội nghị, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên, khu du lịch, trạm dừng xe buýt, trạm xăng, ga xe điện ngầm, sân vận động, hồ bơi công cộng...). Việc dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ nhà vệ sinh công cộng ở Singapore được thực hiện hằng ngày, theo trình tự giúp ngăn ngừa sai sót trong quá trình làm sạch.

Nhật Bản được biết đến là quốc gia có hệ thống nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ và được chăm chút nhất thế giới. Chính quyền các TP lớn ở Nhật còn liên tục tổ chức các dự án để biến nhà vệ sinh công cộng trở thành những công trình kiến trúc độc đáo. Nhật Bản coi nhà vệ sinh công cộng như một chuẩn mực về văn minh, phẩm chất văn hóa của quốc gia.

KTS Phan Tấn Lộc – người có nhiều năm nghiên cứu các giải pháp của quốc tế về nhà vệ sinh công cộng chia sẻ, trước hết cần phải thay đổi quan điểm về nhà vệ sinh công cộng, đó là phải đẹp, hiện đại và văn minh. Về vị trí, nhà vệ sinh công cộng phải đặt nơi dễ thấy. Nhiều nơi vẫn coi nhà vệ sinh công cộng là công trình cần phải giấu đi khiến nhiều người dân, du khách muốn sử dụng nhưng không tiếp cận được nhà vệ sinh công cộng.

Hiệp hội Nhà Vệ sinh Việt Nam cũng ghi nhận thực trạng nhiều nhà chờ xe buýt, thậm chí nhiều điểm du lịch ở Việt Nam không có nhà vệ sinh công cộng, dẫn đến tình trạng người dân “đi bậy” rất nhiều. Vì vậy, rất cần nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, hiện đại kết hợp nhà chờ xe buýt hay nhà vệ sinh công cộng nên đặt ở những nơi nhiều người qua lại như đường phố, chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm văn hóa giải trí…

Yếu tố quan trọng nữa để phát triển nhà vệ sinh công cộng là chú trọng công tác quản lý, vận hành. Chất lượng nhà vệ sinh tại các trường học, bệnh viện ở trung tâm TP tạm ổn nhưng cũng rất cần thêm các thiết bị, công nghệ, tính năng và các chương trình truyền thông liên quan đến nhà vệ sinh công cộng.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên quản lý nhà vệ sinh công cộng cần được đào tạo, huấn luyện bài bản. Khi nhân viên được trang bị đầy đủ các kỹ năng cũng như đạo đức nghề nghiệp thì không chỉ nâng cao chất lượng nhà vệ sinh công cộng mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người sử dụng.

 

Gần 6 năm trước, Hà Nội đã triển khai kế hoạch xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, cả TP mới có khoảng hơn 400 nhà vệ sinh, tập trung chủ yếu tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Đây là một con số rất ít so với quy mô Thủ đô với hơn 8 triệu dân sinh sống, nhu cầu sử dụng cao.