Chương trình được tổ chức tại Quảng Ngãi với sự tham dự của các vị khách mời:
Ông Cao Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ông Phạm Như Sô - Phó Chủ tịch UBND, Trường ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi
Ông Vũ Đại Thắng - Vụ trưởng quản lý các Khu Kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bà Cù Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi
BTV: Thưa quý vị khán giả, thưa các vị khách mời, nhìn lại quãng thời gian 16 năm qua gắn với sự hình thành và phát triển của KKT Dung Quất có một thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, đó là năm 2005, khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển Khu Công nghiệp Dung Quất thành Khu Kinh tế Dung Quất. Thưa ông Phạm Như Sô, chúng ta đều hiểu rằng đây không đơn thuần là việc thay đổi một cái tên, một cách gọi, mà kéo theo đó là cả một sự thay đổi lớn về quy mô, từ đó tạo nên tác động lớn về nhiều mặt. Mời ông giải thích rõ hơn cho khán giả rõ điều này.
Ông Phạm Như Sô
|
Ông Phạm Như Sô: Quả thật là như vậy. Việc chuyển đổi này đã tạo ra những bước ngoặt cho sự phát triển của Dung Quất.
Trước hết, về mục tiêu, Chính phủ xác định xây dựng KKT Dung Quất là KKT tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, trên cơ sở các ngành chủ lực như hóa dầu, hóa chất cùng các loại hình công nghiệp nặng quy mô lớn như luyện cán thép, đóng tàu biển… Mặt khác, Chính phủ định hướng xây dựng KKT này thành một thành phố công nghiệp mở trong tương lai, có trung tâm lọc hóa dầu, trung tâm thương mại, trung tâm dịch vụ cảng.
KKT là đầu mối giao thông quan trọng với miền Trung và Tây Nguyên, là tiền đề quan trọng để Quảng Ngãi phát triển và có vai trò quan trọng với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Về quy mô, KKT Dung Quất vận hành theo cơ chế khu trong khu, tức là có khu chế xuất, KCN, khu dân cư, khu đô thị, khu hành chính.
Về cơ chế quản lý, Dung Quất áp dụng cơ chế quản lý tập trung, trực tiếp, BQL quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng và các doanh nghiệp hoạt động tên địa bàn…, từ đó phát huy vai trò của BQL.
Chính vì những điều này, có thể nói việc chuyển đổi đã tạo bước ngoặt cho Quảng Ngãi trong tiến trình hội nhập và phát triển.
BTV: Mô hình KKT Dung Quất là mô hình Khu KT biển, lấy cảng biển nước sâu là điều kiện tiên quyết cho sự hình thành và phát triển của các dự án cảng biển. Thưa ông Thắng, thực ra Dung Quất không phải là cảng biển duy nhất ở miền Trung, nhưng tại sao Chính phủ lại chọn và đặt kỳ vọng lớn vào Dung Quất, phải chăng là từ những lợi thế so sánh của một cảng biển nước sâu?
Ông Vũ Đại Thắng
|
Ông Vũ Đại Thắng: Việc chuyển đổi Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất thành Khu kinh tế Dung Quất được thực hiện năm 2005, chỉ 2 năm sau khi Đảng, Chính phủ chủ trương hình thành hệ thống khu kinh tế ven biển, đặc biệt là ở khu vực miền Trung.
Khu công nghiệp lọc hóa dầu Dung Quất hình thành năm 1996 trên cơ sở vùng Dung Quất nằm trong khu vực trọng điểm miền Trung, có lợi thế rất lớn trong việc xây dựng hệ thống cảng nước sâu cũng như Chính phủ quyết định việc xây dựng đây là khu trung tâm lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước.
Trên cơ sở đó, cùng Khu kinh tế mở Chu Lai, Chính phủ quyết định thành lập Khu kinh tế Dung Quất trên cơ sở chuyển đổi khu công nghiệp lọc hóa dầu này.Việc chuyển đổi này trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng yếu tố về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý cũng như các điều kiện khách quan, chủ quan khác, trong đó tập trung vào 3 điều kiện được cho rằng rất tiềm năng của Dung Quất:
1/ Vị trí chiến lược của Dung Quất nằm trong khu vực trọng điểm miền Trung
2/ Khả năng hình thành hệ thống cảng biển nước sâu
3/ Việc vào năm 2005- là năm nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất đã được đưa vào, được xây dựng và khởi động.
BTV: Là một trong những tỉnh có nhiều khó khăn Quảng Ngãi đã vươn lên thành một trong 7 tỉnh có thu ngân sách cao nhất cả nước, và đặc biệt ngân sách năm 2010 của tỉnh đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005. Tôi nghĩ rằng đây là những con số biết nói. Thưa ông Cao Khoa, ông có thể cho khán giả biết ý nghĩa của những con số trên?
Ông Cao Khoa
|
Ông Cao Khoa: Có thể nói sự đóng góp của Khu kinh tế Dung Quất vào sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua cực kỳ quan trọng. Những con số phản ánh kết quả xây dựng đầu tư và phát triển tại Khu kinh tế Dung Quất thời gian qua, chứng minh chủ trương của Trung ương về xây dựng Khu kinh tế Dung Quất là đúng đắn, đồng thời chứng minh những nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân Quảng Ngãi trong quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Những kết quả đó khẳng định vị thế của Khu kinh tế Dung Quất là một trong những khu kinh tế ven biển được đánh giá là thành công nhất. Sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất mở ra sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, trong thời kỳ mới đặc biệt là sự phát triển của các loại hình kinh tế với quy mô lớn hơn, đồng bộ, vững chắc hơn.
BTV: Như phân tích của các vị khách mời, sự hình thành và phát triển của KKT Dung Quất đã tạo một sức lan tỏa vô cùng lớn đối với tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài hiệu quả về kinh tế như các vị vừa phân tích thì KKT Dung Quất còn tác động lớn về mặt XH, đó là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo việc làm. Vậy tác động đó được thể hiện như thế nào?
Bà Cù Thị Thanh Mai
|
Bà Cù Thị Thanh Mai: Về vị trí vai trò, tầm quan trọng của Dung Quất với phát triển kinh tế thì các đồng chí Chủ tịch và Phó Chủ tịch đã nêu.
Tác động xã hội của Dung Quất với Quảng Ngãi là góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và tạo việc làm. Cơ cấu lao động chuyển dịch phù hợp với cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm nông nghiệp.
Ví dụ, năm 2005, tỷ trọng lao động nông nghiệp của Quảng Ngãi là 67,8% và tại Bình Sơn là 85%. Tới 2010, tỷ lệ này giảm xuống còn 61% và 66%.
Tỷ lệ lao động trong công nghiệp, xây dựng của tỉnh năm 2005 là 12,69%, năm 2010 là 17%. Tỷ lệ này của Bình Sơn năm 2006 là 12%, năm 2010 là 15%.
Tỷ lệ lao động trong thương mại, dịch vụ của tỉnh năm 2005 là 19,83%, năm 2010 là 22%. Tỷ lệ này của Bình Sơn là 6% năm 2006, nay là 17%.
Về việc làm, năm 2011, Dung Quất đã giải quyết việc làm cho trên 12.000 lao động, trong đó lao động của Quảng Ngãi chiếm 77,8%, trong 77,8% đó thì lao động của Bình Sơn là 59%.
Rõ ràng KKT Dung Quất phát triển đã tạo cơ hội việc làm cho lao động Quảng Ngãi nói chung và của vùng dự án nói riêng.
BTV: Thực ra trước đây không ít người đã tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của KKT Dung Quất, nhất là giai đoạn triển khai nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp nhiều trở ngại và đã có nhiều nhà đầu tư đến rồi đi. Nhưng rồi mọi hoài nghi đã tan biến. Thưa ông Phạm Như Sô, nguyên nhân nào đã khiến KKT Dung Quất thuyết phục được dư luận như vậy ?
Ông Phạm Như Sô : Theo tôi có 3 nguyên nhân chính:
1/Nhìn vào quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước đối với Khu kinh tế Dung Quất, điều kiện về phát triển kinh tế- xã hội của Quảng Ngãi thì thấy quyết định hình thành Khu kinh tế Dung Quất và đặt trung tâm lọc hóa dầu quốc gia tại đây là quyết định đúng đắn. Và trong các hội nghị, kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã khẳng định vẫn xây dựng nhà máy lọc dầu ở đây, vẫn xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Chính vì điều này, cho nên, dù có những lúc thăng trầm, nhưng chúng ta thấy rằng, Nhà nước vẫn đầu tư xây dựng cảng, các cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, các tiện ích…
Như vậy, chúng ta thấy rằng, quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước để xây dựng khu kinh tế này. Chính vì vậy, điều này tạo niềm tin rất lớn đối với các doanh nghiệp.
2/ Tầm nhìn chiến lược của các nhà đầu tư. Bởi vì họ nhìn vào Khu kinh tế Dung Quất là khu đất có điều kiện phát triển thuận lợi về công nghiệp. Ở đây có cảng biển nước sâu, cảng này không phải chỉ có Quảng Ngãi mới có, nhưng nó có đặc thù riêng.
Gần sân bay Chu lai, trong quy hoạch là phát triển sân bay quốc tế, thuận lợi cho giao thông. Tất cả hạ tầng trục để liên kết, kết nối trong khu kinh tế trọng điểm miền Trung với Tây Nguyên hết sức thuận lợi.
Có nguồn lao động tương đối dồi dào
Tỉnh Quảng Ngãi cũng có cơ chế chính sách phù hợp.
3/ Tạo ra thu hút mạnh mẽ đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Quang Quất có những khó khăn lúc này lúc khác, nhưng về tổng thể đã đạt mục tiêu đề ra.
Hiện đã phát triển công nghiệp nặng, tiếp tới sẽ phát triển công nghiệp nhẹ và các mô hình về dịch vụ thương mại đô thị…
Chính vì 3 nguyên nhân như thế, cho nên, kết quả trong 16 năm hoạt động của khu công nghiệp trước đây và khu kinh tế bây giờ đã kêu gọi thu hút một nguồn lớn dự án và vốn đầu tư đăng ký. Hy vọng thời gian tới, khi mở rộng khu kinh tế Dung Quất, tiềm năng này sẽ tiếp tục được nhân lên.
BTV: Giai đoạn 2006-2010 là giai đoạn đầu tư sôi động nhất của Khu Kinh tế Dung Quất với sự hình thành của tổ hợp công nghiệp nặng đầu tiên của Việt Nam như nhà máy đóng tàu, nhà máy chế tạo thiết bị công nghiệp nặng Dossan, nhà máy lọc dầu Dung Quất được ví như trái tim khu kinh tế. Qua những gì lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi trao đổi, nhìn lại giai đoạn đó, chúng ta đánh giá thế nào về chủ trương, chất lượng, hiệu quả đầu tư của Chính phủ vào Khu kinh tế Dung Quất?
Ông Vũ Đại Thắng: Những gì ông Khoa và ông Sô trao đổi cũng như phóng sự phát đầu chương trình có thể khẳng định kết quả bước đầu của Khu Kinh tế Dung Quất, những kết quả này cũng khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
Tuy nhiên, tôi cho rằng trong thời gian hình thành Khu kinh tế Dung Quất từ năm 2005 đến nay mới có 7 năm còn quá ngắn. Khu kinh tế khác với khu công nghiệp, nó có cả vùng không gian kinh tế rộng lớn, có nhiều chức năng khác nhau. Do vậy, đánh giá hiệu quả còn hơi sớm mà chúng ta cần phải tập trung hơn nữa để giải quyết các vấn đề về cơ chế, chính sách để làm thể nào đưa Dung Quất vào giai đoạn phát triển mới đặc biệt là mở rộng Khu kinh tế Dung Quất trong thời gian tới.
BTV: Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, và để dung hòa được tất cả là không hề dễ dàng. Chúng ta vừa trao đổi về chất lượng và hiệu quả đầu tư của giai đoạn tăng tốc 2006 – 2010 vào khu KKT Dung Quất. Không khó để hình dung giai đoạn đó, Dung Quất trở thành một đại công trường khi một lúc có nhiều dự án lớn đồng loạt được triển khai, song mặt khác thực tế đó cũng đã tạo nên những khó khăn, bức xúc về an ninh trật tự, giải phóng mặt bằng, tái định cư, an sinh xã hội,… Thưa ông Cao Khoa, qua thực tế đó, chính quyền địa phương có thể chia sẻ điều gì?
Ông Cao Khoa: Có thể nói trải qua một thời gian khá dài phát triển Dung Quất, đặc biệt là khi Dung Quất trở thành một đại công trường thì cũng xuất hiện nhiều khó khăn, phức tạp, trong đó có vấn đề an ninh trật tự, bồi thường, tái định cư… Việc xuất hiện những vấn đề này mang tính khách quan nhưng vấn đề là các cơ quan, các cấp, các địa phương, cần phải tập trung giải quyết như thế nào để bảo đảm sự ổn định và phát triển của Dung Quất.
Có thể nói việc giải quyết những vấn đề này là vất vả, khó khăn, không dễ dàng, nhưng cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Cụ thể, trong an ninh trật tự, cần hết sức chú trọng việc giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, người lao động về mục tiêu phát triển KKT Dung Quất để nâng cao ý thức trách nhiệm của họ, cũng như những quy định của pháp luật…
Mặt khác, cần tăng cường quản lý về xã hội, đặc biệt là về vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa như qua phong trào thể dục, thể thao, văn hóa văn nghệ… giữa thanh niên địa phương và người từ nơi khác, giữa các doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường đoàn kết…
Đương nhiên, khi cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, cần kịp thời điều tra xử lý nghiêm minh để đảm bảo răn đe.
Chúng ta phải làm tốt công tác bồi thường, tái định cư, an sinh xã hội khi triển khai các dự án. Các cơ quan chức năng cần coi việc giải quyết đời sống cho người dân là mục tiêu của KKT và là nhiệm vụ chính trị của chính mình. Do đó, chúng tôi luôn nỗ lực để hài hòa 3 lợi ích, gồm của Nhà nước, của doanh nghiệp và đặc biệt coi trọng lợi ích người dân. Công tác bồi thường phải nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng, áp giá đền bù đúng chính sách, công khai, dân chủ, cho mọi người dân đồng thuận.
Trong tái định cư, đặc biệt quan tâm, kết hợp chặt chẽ tái định canh, định cư cho người dân, giải quyết việc làm, khi tái định cư có việc làm mới tốt hơn, thu nhập cao hơn.
Chúng tôi giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân…
BTV: Tỉnh Quảng Ngãi cũng không tránh được thách thức lớn là giải quyết việc làm cho lực lượng lao động lớn tuổi trình độ thấp và không có đất sản xuất ở những địa bàn chịu ảnh hưởng của các dự án trong khu KT Dung Quất. Chúng ta biết rằng KKT Dung Quất nằm ở địa bàn 2 huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh, và có 20 xã thuộc 2 huyện này nằm trong vòng ảnh hưởng. Thưa bà Cù Thị Thanh Mai, xin bà cho biết tỉnh Quảng Ngãi đã có những giải pháp gì để giải quyết việc làm cho những đối tượng đó ?
Bà Cù Thị Thanh Mai: Trong số lao động không có đất sản xuất, đối với đối tượng trẻ có thể đào tạo nghề, tham gia xuất khẩu lao động. Các đối tượng này có rất nhiều cơ hội tìm việc làm. Nhưng đối với những người lớn tuổi, kể cả những người trong độ tuổi nhưng từ 40 trở lên, việc chuyển đổi nghề rất khó, do có áp lực: không có ngành nghề và trình độ thấp. Cho nên, có 2 cái khó đặt ra.
1, Khả năng học nghề còn kém.
2, Khả năng để tự chuyển dịch công việc để làm dịch vụ thương mại cũng chậm, không nhạy bén.
Để giải quyết việc làm cho đối tượng này, Quảng Ngãi đã xây dựng đề án riêng là đề án chuyển đổi nghề cho đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất canh tác tái định cư trong Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó xác định rất rõ, một là nhóm đối tượng còn đất nhưng ít, có thể bồi dưỡng, tập huấn các chương trình khuyến nông để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích để họ phục hồi thu nhập và ổn định cuộc sống.
Thứ 2, đối với đối tượng không còn đất, có thể tập huấn ngành nghề đào tạo ngắn hạn để họ có thể làm những ngành nghề truyền thống như thợ mộc, thợ nề, trồng rau sạch, trồng hoa, thêu ren…
Thứ 3 là mô hình chúng tôi đã áp dụng là thành lập các HTX: HTX dịch vụ về môi trường, ăn uống, văn hóa- xã hội… Ngay Khu kinh tế Dung Quất cũng cần nhiều dịch vụ thì hiện nay đã có 2 HTX và hoạt động rất có hiệu quả.
Thứ 4, kết hợp với các chương trình việc làm khác, các chương trình xã hội khác, có thể cho họ vay vốn phát triển sản xuất, làm nghề dịch vụ, mở tổ hợp doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay trong Khu kinh tế Dung Quất…Một số ít họ có thể tham gia lao động phổ thông của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất, mà Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất là đầu mối để các doanh nghiệp này có thể sử dụng lao động phổ thông đối với những đối tượng này để giải quyết áp lực về việc làm đối với lao động lớn tuổi và không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp để tham gia vào các nhà máy, xí nghiệp.
BTV: Để phát triển khu Kinh tế Dung Quất chúng ta phải chú trọng đào tạo nhân lực, mà chúng ta đã biết đặc điểm của công nghiệp nặng đòi hỏi công nghệ cao, từ 60-70% nhân lực lao động phải qua đào tạo. Và yêu cầu này đã tạo ra áp lực về nhân lực như thế nào đối với tỉnh Quảng Ngãi?
Bà Cù Thị Thanh Mai: Đúng là yêu cầu phát triển nhân lực của Khu kinh tế Dung Quất nói riêng và tỉnh nói chung đang tạo áp lực cho tỉnh Quảng Ngãi, bởi vì lực lượng lao động trong độ tuổi rất dồi dào. Quảng Ngãi hiện có 705.000 lao động, lao động qua đào tạo là 35,2%, trong đó qua đào tạo nghề là 30,5%. Trong khi đó Khu kinh tế Dung Quất rất cần lực lượng lao động qua đào tạo, tới 60-70%, đó là áp lực rất lớn.
Áp lực đầu tiên là lực lượng dồi dào nhưng chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính vì vậy, để giải quyết áp lực này, Quảng Ngãi có những giải pháp, thứ nhất là đề án chung là đề án đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trong đó có nội dung riêng là phát triển nhân lực xã hội qua đào tạo và đào tạo nghề; thứ hai là có đề án riêng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hai đề án này sẽ đáp ứng yêu cầu nhân lực qua đào tạo về nhân lực qua đào tạo ở mức vừa, tầm trung bình cũng như chất lượng cao cho Khu kinh tế Dung Quất, đáp ứng sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Một khán giả ở số điện thoại 0553508… gọi đến hỏi ông Cao Khoa: Qua theo dõi thông tin, tôi thấy Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang phải tạm ngừng hoạt động để khắc phục sự cố. Ngoài ảnh hưởng kinh tế, việc này sẽ ảnh hưởng tới người lao động như thế nào và các cơ quan chức năng có biện pháp gì để giải quyết?
Ông Cao Khoa: Trong thời gian qua, Nhà máy lọc dầu Dung Quất có gặp một số trục trặc và phải dừng sản xuất để khắc phục. Tuy nhiên, thời gian dừng không kéo dài, có thời điểm dài nhất là gần 2 tháng và hiện cũng đang phải tạm dừng để xử lý trục trặc. Theo kế hoạch mà tôi biết, thời gian dừng lần này sẽ khoảng vài tuần.
Tất nhiên, việc Nhà máy tạm dừng hoạt động cũng khiến người lao động phải tạm ngừng làm việc nhưng chưa tới mức mà chính quyền phải tham gia giải quyết. Hiện Ban Quản lý KKT và Nhà máy lọc dầu đang giải quyết.
Ông Phạm Như Sô: Trong giai đoạn đầu hoạt động của nhà máy lọc dầu, do đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, nên có những vấn đề kỹ thuật cần hiệu chỉnh lại. Tuy nhiên, việc tạm ngừng hoạt động không dài và nằm trong kiểm soát của Tập đoàn Dầu khí cũng như của Nhà máy, nên chưa đặt ra vấn đề thất nghiệp hay khó khăn của công nhân. Vấn đề mà bạn đọc nêu là chính đáng nhưng chúng tôi thấy rằng vẫn kiểm soát được và sẽ được đặt ra khi tình hình khó khăn cụ thể, rõ ràng hơn.
Một khán giả hỏi ông Thắng: Nhà nước trong những năm đến sẽ có chiến lược đầu tư như thế nào giúp tỉnh Quảng Ngãi nói chung và Khu kinh tế Dung Quất nói riêng phát triển tốt hơn?.
Ông Vũ Đại Thắng: Câu hỏi này thực sự rất rộng và thuộc tầm tương đối vĩ mô. Tuy nhiên, cụ thể liên quan tới Khu kinh tế Dung Quất, tôi xin trao đổi thế này:
Trong thời gian qua để Dung Quất có hình hài như ngày hôm nay thì ông Khoa và ông Sô đã nói, rất nhiều là đầu tư của nhà nước cho Khu kinh tế Dung Quất. Và trong thời gian tới, việc nhà nước tiếp tục đầu tư hay không, tôi xin khẳng định là vẫn còn.
Lý do là, mới đây, trong quá trình rà soát sắp xếp lại các khu kinh tế của cả nước thì cụm khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất hiện đã được chúng tôi báo cáo và trình Chính phủ chọn là 1 trong những trọng điểm về khu kinh tế của cả nước tập trung đầu tư ngân sách trong giai đoạn 2013-2015.
Chúng tôi xin khẳng định, thời gian tới, khả năng đầu tư cho Dung Quất bằng nguồn ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục.
Ngoài ra, trong những năm qua, trong nguồn thu của nhà máy lọc dầu số 1, Chính phủ cũng để lại 1 phần cho Quảng Ngãi để đầu tư cho tỉnh cũng như đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất để hoàn thành kết cấu cơ bản Khu kinh tế Dung Quất.
Một người dân ở xã Bình Trị, Bình Sơn, hỏi: Gia đình tôi chưa được chuyển đổi ngành nghề, chưa có việc làm, đời sống rất khó khăn, vậy lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có định hướng gì để giúp chúng tôi chuyển đổi nghề?
Ông Cao Khoa: Vấn đề tái định cư trong thời gian qua có những khó khăn. Chúng tôi xác nhận là trong giai đoạn trước đây, khi tổ chức tái định cư chính quyền chưa tính toán đầy đủ đến việc tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi ngành nghề. Do vậy, nhiều khu tái định cư hiện nay, đời sống người dân đang gặp khó khăn nhất định. Chúng tôi thừa nhận và chia sẻ những khó khăn đó đối với người dân trong Khu kinh tế Dung Quất và cụ thể là tại các khu tái định cư.
Trong thời gian tới chúng tôi nghiên cứu xây dựng đề án phục vụ chuyển đổi nghề cho người dân. Trong định hướng chính, như quý vị biết tỉnh Quảng Ngãi đang hướng tới quy hoạch, xây dựng Khu kinh tế Dung Quất trở thành thành phố. Điều đấy có nghĩa là phải bảo đảm người dân chuyển từ ngành nghề kinh tế nông nghiệp (nhưng nay đất sản xuất còn rất ít) sang lĩnh vực dịch vụ. Khi đó người dân sẽ sống trong điều kiện đô thị, thì người dân có thể tổ chức các dịch vụ, đảm bảo việc làm. Trước mắt, đối với những gia đình có con em trong độ tuổi có thể tiếp nhận vào làm trong các nhà máy, thì cũng là một hướng để có thể góp phần giải quyết đời sống cho người dân. Tuy nhiên đây cũng là một định hướng của tỉnh, quá trình giải quyết cần phải có thời gian nên mong người dân thông cảm và chia sẻ với chính quyền trong sự chậm trễ giải quyết công việc của họ tốt hơn.
BTV: Có thể thấy vấn đề không chỉ là trình độ mà còn là ở ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc. Thưa ông Phạm Như Sô, ông có suy nghĩ gì về những ý kiến này?
Ông Phạm Như Sô: Tôi hết sức chia sẻ với ý kiến này và đây là một vấn đề mà thực tế đặt ra. Việc chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp đòi hỏi một quá trình lâu dài. Công nhân có thể được đào tạo, được làm việc trong một xí nghiệp, nhà máy nào đó nhưng tác phong công nghiệp chưa có. Vấn đề mà các nhà đầu tư đặt ra là rất chính xác. Một ví dụ là khi nhà một công nhân có giỗ, thì cả ca, cả kíp lao động cùng nghỉ làm để đi ăn giỗ.
Vấn đề đặt ra là đào tạo tác phong công nghiệp, ý thức công nghiệp cho người công nhân.
BTV: Với đà phát triển như hiện nay thì Khu kinh tế Dung Quất theo dự báo, đến 2015, nhu cầu nhân lực sẽ tăng lên rất nhiều, thưa bà Mai, bà có thể cho biết nhu cầu đó sẽ tăng với mức độ bao nhiêu và tỉnh Quảng Ngãi lại đề ra những giải pháp gì để thực hiện?
Bà Cù Thị Thanh Mai: Đúng theo sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất, nhu cầu nhân lực tăng rất nhiều, hiện nay, lao động cho Khu kinh tế Dung Quát là 13.500 người, đến 2015 là 25.000 người, tức là tăng 46%. Trong đó, ở tất cả các cấp trình đọ đều cần.
Ví dụ, trên đại học, hiện nay là 100, đến thời kỳ đó là 300, tăng 200 người.
Với cao đẳng, hiện nay là 3.000, thì đến 2015 là 5.800, tăng 48%.
Trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề hiện nay là 6.300, đến 2015 là 12.600, tăng 50%.
Đối với sơ cấp và lao động phổ thông hiện nay là 4.100, tới lúc đó là 6.300, tăng gần 30%.
Để giải quyết nhu cầu sử dụng lao động của Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi đã có những đề án như tôi đã nêu ở trên. Và các giải pháp chính cho những đề án này:
Thứ nhất, đổi mới công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề. Tức là bây giờ không giao chỉ tiêu nữa mà phải khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần gì, bao nhiêu, ngành nghề gì để có chỉ tiêu đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và để các cơ sở đào tạo nghề cũng biết những thông số này để thực hiện đào tạo cho phù hợp.
Thứ 2, thực hiện tốt công tác khảo sát hàng năm để bổ sung dữ liệu này. Vì dữ liệu này không phải là bất biến, nó thay đổi theo sự phát triển sản xuất của doanh nghiệp.
Thứ 3, đa dạng hóa các hình thức đào tạo. Đối với nguồn nhân lực đào tạo trong tỉnh có thể đáp ứng được thì đào tạo trong tỉnh. Đối với các nguồn nhân lực trong tỉnh không đào tạo được thì chúng tôi liên kết với các trường đại học có năng lực trong nước. Đặc biệt, đối với nguồn nhân lực chất lượng cao thì đào tạo ngoài tỉnh. Hiện nay, trong đề án phát triển nguồn nhân lực và đề án đào tạo nghề chất lượng cao đã phản ánh đầy đủ các giải pháp này.
Thứ 4, có chính sách thu hút nguồn nhân lực cho Khu kinh tế Dung Quất để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của khu kinh tế.
BTV: Thưa quý vị, từ đầu chương trình chúng ta đã nghe nhiều về sự phát triển của Khu kinh tế Dung Quất, như mục tiêu đề ra trọng tâm của Khu kinh tế này là phát triển công nghiệp nặng, chiếm đến 95% khu kinh tế, mà đặc thù của công nghiệp nặng là ít dịch vụ và không sử dụng nhiều lao động. Đơn cử như nhà máy lọc dầu Dung Quất có vốn đầu tư 3 tỷ USD mà chỉ giải quyết việc làm 1.400 lao động, mà chủ yếu là lao động trình độ cao. Vậy còn 5% trong Khu kinh tế thì sao, theo định hướng thì đây sẽ dành cho ngành công nghiệp nhẹ và các dịch vụ, và những yếu tố này sẽ tạo động lực để phát triển đô thị.
Thưa ông Cao Khoa để phát triển 5% này, tuy rất nhỏ nhưng cũng rất quan trọng, tỉnh Quảng Ngãi có chính sách thu hút đầu tư như thế nào để phá triển công nghiệp nhẹ và dịch vụ?
Ông Cao Khoa: Có thể nói chủ trương của tỉnh Quảng Ngãi trong giai đoạn trước đây là tập trung phát triển công nghiệp nặng là đúng, phù hợp với chủ trương của Trung ương cho vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, đồng thời phù hợp với đặc điểm kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi.
Tuy nhiên, khi tổng kết nhiệm kỳ 2005-2010, Quảng Ngãi thấy rõ nếu chỉ phát triển công nghiệp nặng thì tạo ra đóng góp rất lớn về tăng trưởng GDP và tăng thu ngân sách nhưng không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Do vậy, hoạch định về chủ trương và chính sách của tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới chúng tôi vẫn xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá với định hướng coi trọng phát triển công nghiệp nặng, đồng thời phát triển cả công nghiệp nhẹ với những ngành giải quyết được nhiều nguyên liệu tại chỗ, giải quyết được nhiều việc làm, để bảo đảm cho người lao động có thu nhập, nâng cao đời sống.
Đồng thời, chúng tôi cũng thấy rằng nếu chỉ phát triển công nghiệp mà không phát triển các ngành dịch vụ, thì sẽ tạo ra một nền kinh tế phát triển chưa đồng bộ, thậm chí khi dịch vụ không phát triển thì sẽ kìm hãm sự phát triển của công nghiệp. Vì vậy chủ trương của tỉnh là tập trung phát triển dịch vụ, trong đó, đặc coi trọng các dịch vụ phục vụ cho công nghiệp nhất là vấn đề: ăn, ở, đi lại, học hành, chữa bệnh… cho cán bộ quản lý cũng như người lao động trong Khu kinh tế Dung Quất.
BTV: Thưa ông Phạm Như Sô, hướng đầu tư như vậy cho ngành CN nhẹ sẽ mở ra hy vọng là nguồn lao động của tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm qua đổ vào miền Nam để làm ăn nay sẽ có xu hướng chuyển dịch về lại miền Trung, và có ý kiến cho rằng KKT Dung Quất sẽ có trào lưu phát triển thứ 2 (tức là phát triển công nghiệp nhẹ và dịch vụ). Thưa ông Phạm Như Sô, liệu đó có phải là một nhận định lạc quan và có cơ sở ?
Ông Phạm Như Sô: Tôi nghĩ rằng nhận định lạc quan này là có cơ sở vì chúng ta đã có định hướng, mục tiêu rõ ràng. Quyết định 124 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung phát triển KKT Dung Quất đã chỉ rõ một không gian phát triển rất rõ ràng, gồm cả công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới 2 KCN nhẹ. Thứ nhất là KCN Tiền Phong với quy mô 600 ha sẽ tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ. Thứ hai là KCN Bình Hòa, Bình Phước rộng 1.500 ha, rất lớn.
Hai KCN này sẽ tập trung thu hút, phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ và dự kiến sẽ thu hút một lượng khá lớn lao động.
Trước đây, do chưa giải được bài toán này nên lao động Quảng Ngãi vào miền Nam để làm ăn, sinh sống. Bây giờ, chúng ta sẽ tạo cơ hội để họ trở về, vì tập quán của người miền Trung nói riêng và người Việt nói chung là muốn làm việc gắn bó với quê hương…
Ngoài ra, quy hoạch cũng chỉ rất rõ việc phát triển du lịch, dịch vụ, từ đó sẽ thu hút lao động và lực lượng lao động này cũng sẽ góp phần vào giá trị tăng thêm của sản phẩm công nghiệp. Đây là định hướng đúng đắn. Chúng tôi tính toán rằng trong thời gian tới công nghiệp nhẹ sẽ chiếm khoảng 30% trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh.
Khán giả Nguyễn Thị Hồng Thanh hỏi: Trước đây, được biết là Khu kinh tế Dung Quất được đưa vào trong đề án trở thành đặc khu kinh tế, vậy thì hiện nay, Chính phủ đã có quyết tâm như thế nào để thực hiện chủ trương này?
Ông Vũ Đại Thắng: Hiện nay, cả nước chúng ta có 15 khu kinh tế ven biển và khung pháp lý cao nhất để điều chỉnh các hoạt động của khu kinh tế là Nghị định 29 được ban hành vào năm 2008. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nghị định này cho đến nay, có một số bất cập nhất định …
Hiện nay, nhiệm vụ chúng tôi đang đặt ra là tiến hành sửa đổi Nghị định 29, báo cáo Chính phủ để có thể sớm ban hành, điều chỉnh ngay những vấn đề bất cập hiện đang mắc phải.
Bên cạnh đó, về dài hạn, chúng tôi cũng cho rằng, để có thể quản lý, điều hành các khu kinh tế hiệu quả hơn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế, thì cần có khung pháp lý cao hơn như Luật về khu kinh tế, trong dài hạn. Khi nghiên cứu về Luật khu kinh tế này, chúng ta sẽ tính tới những mô hình như đặc khu kinh tế, thành phố công nghiệp Dung Quất như phần đầu chúng ta đã nói đến. Hiện nay, việc thành lập đặc khu kinh tế Dung Quất chắc cũng cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm.
BTV: Tôi nghĩ rằng khi phát triển thành thành phố thì đặt ra nhiều vấn đề là phải có những dịch vụ đáp ứng đời sống của người dân tại các khu đô thị. Đến thời điểm này thì người dân hoặc những công nhân của những doanh nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất, về sinh hoạt phải nói là có những khó khăn nhất định. Qua quá trình tìm hiểu thì chúng tôi cũng ghi lại một số ý kiến của người dân và câu này cũng xin được hỏi ông Khoa:
Nhóm công nhân của Công ty Doosan Vina, quê ở Quảng Bình, vào làm việc ở Khu kinh tế Dung Quất đã hơn 2 năm, và hiện ở tạ khu tập thể của công ty, tạiVạn Tường, nhưng hiện còn gặp nhiều khó khăn về sinh hoạt, thiếu ccác dịch vụ, tiện ích cũng chưa có chợ, chưa có khu mua bán hàng hóa. Vậy xin hỏi tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới Khu kinh tế Dung Quất có đầu tư xây dựng và mở các dịch vụ để đáp ứng đời sống của công nhân trong khu kinh tế?
Ông Cao Khoa: Đối với Khu kinh tế Dung Quất thì vấn đề chúng tôi rất trăn trở là kế hoạch ban đầu của tỉnh Quảng Ngãi là phát triển công nghiệp đồng thời với phát triển đô thị Vạn Tường. Chính đô thị Vạn Tường tạo ra các dịch vụ cho cuộc sống và lao động của công nhân trong khu kinh tế Dung Quất.
Tuy nhiên, xét về mặt chính sách cũng như các điều kiện khác cụ thể thì nhận thấy trong thời gian qua chưa hấp dẫn nhà đầu tư để đầu tư vào đây. Do vậy, các điều kiện hiện tại cho công nhân ở trong các khu tập thể, nói chung là trong khu kinh tế Dung Quất và kể cả tại vị trí là thành phố Vạn Tường trong tương lai cũng đang gặp khó khăn.
Trong thời gian tới chúng tôi đang nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư để xây dựng đô thị Vạn Tường, sau này sẽ trở thành trung tâm của thành phố Dung Quất trong tương lai. Các chính sách đó đang được nghiên cứu, hoạch định để đảm bảo thu hút được đầu tư và tạo ra những dịch vụ như ăn, ở, đi lại, học hành cho công nhân đang lưu trú trong Khu kinh tế Dung Quất.
BTV: Trước đây, hoạt động của Ban quản lý KKT Dung Quất trực thuộc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về sau được chuyển cho tỉnh Quảng Ngãi quản lý. Thưa ông Phạm Như Sô, điều đó có khó khăn và thuận lợi như thế nào?
Ông Phạm Như Sô: Rõ ràng trong một thời gian, Dung Quất là KKT trực thuộc Trung ương, nay chuyển về cho địa phương quản lý. Tôi cho rằng có thuận lợi vì việc quản lý, đầu tư, phát triển KKT gắn với việc quản lý chính quyền địa phương, cơ sở, từ đó có thể huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường. Đây là một điều kiện thuận lợi cơ bản.
Tuy nhiên, cũng có những khó khăn nhất định mà lớn nhất là vấn đề nguồn lực tài chính để phục vụ phát triển KKT, mở rộng KKT. Như ta đã biết mục tiêu phát triển Dung Quất là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển bền vững trên cơ sở kinh tế mạnh, đảm bảo các vấn đề xã hội và môi trường. Nhưng với một tỉnh, thì nguồn lực tài chính rất hạn chế. Trên thực tế, từ khi chuyển giao về cho tỉnh, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương cho KKT này chỉ bằng khoảng 30% so với trước đây.
Và trước đây, nếu như nguồn ngân sách 126 (theo Quyết định số 126/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ vốn ngân sách trung ương đối với đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế ven biển) có năm lên tới 500 tỷ đồng thì nay chỉ còn 100 tỷ đồng, so với nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo vấn đề xã hội và môi trường là rất khó khăn.
Thu ngân sách trên địa bàn KKT Dung Quất là rất lớn, tới 15-16.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chi ngân sách của tỉnh phải nằm trong điều hành chung của Chính phủ, theo Luật Ngân sách.
Chúng tôi cũng được khoảng 6.000-6.500 tỷ đồng chi thường xuyên cho cả tỉnh, nhưng để đầu tư, phát triển, mở rộng Dung Quất thì chưa có nguồn lực. Chúng ta đã nói đến yêu cầu một cơ chế đặc thù cho Dung Quất để nguồn thu có thể hỗ trợ lại, thực hiện tốt hơn chủ trương phát triển kinh tế tế đi liền đảm bảo môi trường và các vấn đề xã hội.
BTV: Như thế có thể coi đây là những đề xuất của tỉnh Quảng Ngãi đối với Chính phủ, bộ, ngành để có chính sách như thế nào cho phù hợp để khu kinh tế phát triển mạnh hơn. Ông Thắng có suy nghĩ gì qua ý kiến vừa rồi của Ban Quản lý Khu kinh tế?
Ông Vũ Đại Thắng: Chúng tôi chia sẻ với trao đổi của anh Phạm Như Sô. Chúng tôi cho rằng, nguồn lực còn khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn eo hẹp như hiện nay.
Do ngân sách nhà nước còn có những khó khăn nhất định, chúng ta chắc là phải nghĩ những phương án khác để xác định nguồn lực để làm được kết cấu hạ tầng của Khu kinh tế Dung Quất đặc biệt cho phần mở rộng. Hiện chúng ta cũng tính đến những nguồn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước thông qua các hình thức đầu tư BOT, PPP…
Tôi cho rằng, trong thời gian tới chắc chắn Khu kinh tế Dung Quất cùng với tỉnh Quảng Ngãi chắc phải tập trung vào những nguồn lực này hơn và chúng ta có lẽ cũng xác định nguồn lực ngân sách trung ương hỗ trợ chỉ mang tính là nguồn vốn bổ để thu hút hơn nữa các nguồn vốn khác cùng chung sức phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
BTV: Cũng có ý kiến băn khoăn rằng việc chuyển cho địa phương quản lý như vậy liệu có làm giảm sự quan tâm, trợ giúp của Chính phủ?
Ông Vũ Đại Thắng: Tôi cho rằng đây chỉ là sự phân công, phân nhiệm. Sau khi Nghị định 29/2008/NĐ-CP quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, toàn bộ tất cả các vấn đề liên quan đến quản lý khu kinh tế đều đã được thể chế hóa với Nghị định này. Đây cũng là Nghị định giao quyền quản lý các KKT về cho các địa phương.
Như anh Phạm Như Sô đã trình bày, đây là một bước đưa sự phát triển của KKT với sự phát triển của địa phương.
Tôi cho rằng không phải do KKT trực thuộc chính quyền địa phương mà Trung ương thiếu sự quan tâm, bằng chứng là nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tất nhiên là không còn nhiều.
Với Quảng Ngãi và Dung Quất, ngoài nguồn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương thì còn một nguồn ngân sách từ các nhà máy lọc dầu để lại, phân bổ cho Quảng Ngãi và tỉnh đã sử dụng một phần nguồn này lại để đầu tư cho Dung Quất.
BTV: Tháng 1/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 124/ QĐ- TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất đến năm 2015, theo đó, diện tích KKT từ 10.300 ha hiện có được nâng lên ở mức hơn 45.300 ha, tức là tăng 4,5 lần. Thưa ông Thắng, điều chỉnh đó xuất phát từ đâu và có ý nghĩa gì?
Ông Vũ Đại Thắng: Trong giai đoạn đầu, KKT Dung Quất chỉ tập trung phát triển công nghiệp nặng. Cho tới nay, thực tế đã chứng minh rằng Dung Quất đã tương đối chật chội cho sự phát triển.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất, mở rộng quy mô lên gấp 4,5 lần và chủ yếu là mặt biển. Việc mở rộng như vậy tạo điều kiện để Quảng Ngãi và trực tiếp là BQL KKT rộng cửa hơn trong việc thu hút đầu tư.
Ngay khi Thủ tướng Chính phủ chấp nhận mở rộng thì đã có thêm rất nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến Dung Quất, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đang xúc tiến đầu tư một nhà máy nhiệt điện. Sắp tới, một KCN Việt Nam – Singapore thứ 5 tại Việt Nam sẽ được xây dựng tại đây.
Tôi cho rằng đây là những tín hiệu cho thấy việc mở rộng sẽ đưa Dung Quất vào phát triển một giai đoạn mới.
Một người dân huyện Tư Nghĩa có hỏi: Xin cho biết, định hướng những ngành nghề nào ở Khu kinh tế Dung Quất là có triển vọng, tương lai thu hút lao động nhiều?
Bà Cù Thị Thanh Mai: Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi đã có chương trình tư vấn học nghề, việc làm và đã được đưa lên trang thông tin điện tử việc làm. Hiện trong Khu kinh tế Dung Quất, ngành nghề rất cần là luyện cán thép, lọc hóa dầu, đóng tàu và các ngành công nghiệp nặng. Còn nếu học trái ngành nghề thì rất khó. Chúng tôi đã tư vấn về vấn đề này, trong chương trình của sàn giao dịch việc làm cũng đã có.
BTV: Vậy Sàn giao dịch việc làm tổ chức định kỳ như thế nào, ở những địa bàn nào. Qua những lần tổ chức vừa rồi, bà có thể rút ra kết quả như thế nào?
Bà Cù Thị Thanh Mai: Sàn giao dịch việc làm chúng tôi tổ chức hàng tháng và ở tất cả các địa phương, như ở Khu kinh tế Dung Quất thì chúng tôi mở tại địa bàn huyện Bỉm Sơn và ngay tại khu kinh tế Dung Quất.
Tại sàn giao dịch việc làm này, những năm qua đã tạo sự quan tâm của người dân và người lao động. Trước kia người dân rất ít quan tâm và đi học tự phát, cho nên ngành nghề đào tạo thì có nhưng việc làm thì không gắn liền. Sàn giao dịch việc làm đã gắn kết được đào tạo và sử dụng lao động, gắn kết được giữa yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề để thực hiện đào tạo nghề theo địa chỉ.
BTV: Theo mục tiêu đề ra đến năm 2015, Khu kinh tế Dung Quất sẽ thu hút 13 tỷ USD vốn đầu tư, thu ngân sách khoảng 16.000 tỷ đồng và Quảng Ngãi sẽ đứng vào top 10 tỉnh thành có mức thu ngân sách cao nhất cả nước. Và để thực hiện được mục tiêu đó thì Dung Quất cần 7.500 tỷ đồng để đầu tư cho hạ tầng. Thưa ông Khoa với nguồn lực tài chính lớn như vậy thì tỉnh Quảng Ngãi sẽ tính như thế nào, tự thân vận động và có những đề xuất chính sách như thế nào?
Ông Cao Khoa: Thực ra để đầu tư phát triển Khu kinh tế Dung Quất mà lại là Khu kinh tế Dung Quất mở rộng lên trên 45.000 ha thì nguồn lực tài chính để phục vụ cho đầu tư phát triển hạ tầng là rất lớn.
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần 7.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng Dung Quất. Để có nguồn lực này chúng tôi quan niệm phải đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư chứ không thể dựa vào ngân sách.
Để khai thác nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế thì chúng tôi phải có chính sách khuyến khích chủ đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thấy rằng khi người ta tham gia vào hạ tầng thì cũng thu được lợi nhuận.
Trong vấn đề này chúng tôi có quan điểm cái gì có lợi cho nhà đầu tư và cho tỉnh thì để nhà đầu tư làm còn lại ngân sách sẽ làm. Trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho Khu kinh tế Dung Quất thì trách nhiệm của tỉnh vẫn phải thực hiện nhưng không đủ. Cho nên hiện nay chúng tôi đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu nhà máy lọc dầu Dung Quất cho việc đàu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế Dung Quất và giải quyết một số vấn đề quan trọng về an sinh xã hội trong tỉnh nói chung.
Chính phủ cũng đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ lưu ý chúng tôi rằng cần có đề xuất của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về cơ chế cũng như nguồn từ đâu. Chúng tôi xin cơ chế cụ thể như sau. Mỗi năm thu ngân sách từ Khu kinh tế Dung Quất 15.000-16.000 tỷ đồng và chúng tôi xin khoảng 10% từ tổng thu đó, khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, từ nay đến năm 2015. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng thu lớn hơn thì chúng tôi cũng xin tăng hơn, tức khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.
Còn đối với nhà đầu tư thì cần áp dụng các hình thức đầu tư hợp lý trong điều kiện kinh tế hiện nay, mà cụ thể là trong Khu kinh tế Dung Quất. Ví dụ như hình thức BOT thì tôi nghĩ nhà đầu tư sẽ không thực hiện, chỉ có thể là BT hoặc PPP. Với hai hình thức này tương đối phù hợp với nhà đầu tư và chúng tôi có thể làm được.
Hiện chúng tôi đang làm việc với một số nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần có sự quan tâm để cơ chế đầu tư theo hình thức PPP có thể thực hiện được trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung và Khu kinh tế Dung Quất nói riêng.
BTV: Để đạt được yêu cầu phát triển “mạnh” và” bền vững” của KKT như Dung Quất thì không chỉ đạt được những con số, những chỉ tiêu là đủ, mà còn phải giải quyết triệt để rất nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề môi trường. Nhìn bề ngoài thì các Khu CN, Khu KT rất nhộn nhịp, sôi động nhưng bên trong luôn ẩn chứa rất nhiều mối đe dọa về môi trường. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm quản lý Nhà nước của các địa phương, các cơ quan chuyên môn; là trách nhiệm, cam kết của các nhà đầu tư, để không xảy ra tình trạng như lâu nay là đến khi vụ việc gây ô nhiễm vỡ lở, dân bức xúc rồi các cơ quan NN mới vào cuộc. Thưa ông Phạm Như Sô, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Phạm Như Sô: Mục tiêu chúng tôi đặt ra và kiên trì theo đuổi là thực hiện 3 trụ cột là cùng với phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề về xã hội và môi trường. Chúng tôi hết sức quan tâm tới vấn đề môi trường và xã hội vì nếu không thì việc phát triển kinh tế cũng không có ý nghĩa gì mấy.
Vừa qua UBND tỉnh đã ban hành quy hoạch quản lý môi trường Dung Quất và phân định rất rõ 7 vùng về môi trường phải quan tâm, tùy từng khu vực mà đặt giải pháp phù hợp.
Thứ hai, chúng tôi bắt buộc các nhà đầu tư phải có đánh giá tác động môi trường, đánh giá này phải được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo các tiêu chí.
Thứ ba, trong vận hành, sản xuất, việc kiếm tra, giám sát, giúp đỡ nhà đầu tư là hết sức cần thiết để xử lý các vi phạm và bổ sung các khiếm khuyết, tồn tại…
BTV: Thưa quý vị, qua trao đổi với các vị khách mời có thể hình dung cả một khối lượng công việc rất lớn ở phía trước liên quan đến sự đầu tư và phát triển của khu KT Dung Quất. Chúng ta hy vọng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và các Bộ, ngành, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, khu KT Dung Quất sẽ để đảm bảo phát triển đúng định hướng là một khu KT đa ngành – đa lĩnh vực mà trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp nặng quy mô lớn, bên cạnh đó là các ngành công nghiệp nhẹ, các dịch vụ, xứng đáng là khu KT động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi.