Đầu xuân về làng khoa bảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất từ xưa đã nức tiếng xứ Đoài về truyền thống hiếu học. Ngày nay, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn không ngừng được duy trì và phát huy. Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, song với người dân nơi đây, sự học luôn được đặt lên hàng đầu.

Truyền thống hiếu học

Về Hương Ngải trong một ngày đầu năm mới, chúng tôi đến thăm nhà bà Đỗ Thị Từ Tâm, gia đình có truyền thống 5 đời dạy học, từ đời ông nội đến thế hệ cháu của bà bây giờ. Năm nay, bà Tâm bước sang tuổi 75, nhưng người làng vẫn gọi là "cô giáo Từ Tâm". Khuôn mặt phúc hậu với giọng nói trầm ấm, bà tự hào kể về những học trò cũ đã và đang giữ những trọng trách quan trọng của TP Hà Nội như Trung tướng Phí Quốc Tuấn - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; ông Phí Thái Bình - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội… Và tại thôn 8, nơi bà Tâm đang sinh sống cũng có tới gần 70 người làm nghề giáo.

 
Làng Hương Ngải ngày càng khang trang sạch đẹp.     Ảnh: Trần Sơn
Làng Hương Ngải ngày càng khang trang sạch đẹp. Ảnh: Trần Sơn
 
Ông Nguyễn Trần Vượng - Chủ tịch UBND xã Hương Ngải cho biết, chỉ tính riêng giáo viên đang dạy học trên địa bàn xã hiện có gần 200 người (cả nghỉ hưu) là con em Hương Ngải, ngoài ra, còn hàng trăm giáo viên đang giảng dạy ở các nơi khác trong huyện Thạch Thất và trên địa bàn TP Hà Nội. Với truyền thống hiếu học, khoa bảng được hun đúc trong mỗi người, từng gia đình, từng dòng họ từ hàng trăm năm trước, nhiều người Hương Ngải đã học hành thành đạt và có vị trí cao trong xã hội. Chỉ tính từ năm 1995 đến nay, xã Hương Ngải đã có hơn 800 người đỗ đại học, cao đẳng.

 Nhà giáo Ưu tú Bùi Phi Hiển, ở thôn 6 bộc bạch: "Từ xưa, làng Hương Ngải đã có ruộng học điền để khuyến khích người làng đi học, nhất là giúp đỡ những nhà gặp cảnh ngộ khó khăn". Hương ước của làng năm 1730 có ghi lại: "Trẻ con trong làng từ 6 tuổi trở lên phải đến trường đi học. Những đứa trẻ thông minh nhưng nhà nghèo không theo học được thì làng cấp giấy bút cho đi học để thành tài... Hàng năm, đến kỳ bổ thuế dân, phải chiếu bổ lương cho thầy giáo dạy học trường làng". 

Ngày nay, truyền thống hiếu học đáng quý đó vẫn được người dân Hương Ngải duy trì và phát huy. Từ hơn chục năm nay, xã Hương Ngải đã thành lập Quỹ Khuyến học để động viên, khuyến khích con em trong xã phấn đấu học tập. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Hương Ngải tổ chức gặp mặt, khen thưởng các cháu học sinh có thành tích học tập giỏi từ cấp huyện trở lên. Dịp 20/11, tổ chức gặp mặt các nhà giáo có nhiều đóng góp cho phong trào khuyến học của địa phương. Ngày Mùng 4 Tết tổ chức gặp mặt, tuyên dương con em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tại Văn Chỉ của làng. "Ngoài đóng góp của phụ huynh học sinh nơi đây, Quỹ đã quyên góp thêm từ những người con Hương Ngải đã thành đạt đang làm ăn ở nơi xa, đến nay, Quỹ đã thu được trên 200 triệu đồng do các tổ chức, cá nhân đóng góp"  - ông Nguyễn Hữu Xiếu - cán bộ quản lý Quỹ Khuyến học xã Hương Ngải hồ hởi nói. Bên cạnh Quỹ Khuyến học của xã, hiện nay hơn 50 dòng họ trên địa bàn xã đều thành lập quỹ khuyến học của dòng tộc để mỗi dịp giỗ họ có điều kiện động viên tinh thần học tập của con em. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến dòng họ Phí Đình, dòng họ Nguyễn Khắc. Hàng năm, nguồn quỹ của hai dòng họ này đều duy trì khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Đó là chưa kể các hội, đoàn thể của xã cũng có quỹ khuyến học riêng. 

Học để xây dựng quê hương, đất nước

Bà Nguyễn Thị Phương Nghi, người có hơn 20 kinh nghiệm làm công tác quản lý giáo dục ở huyện Thạch Thất, hiện đang làm Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Hương Ngải chia sẻ: "Để có được kết quả đáng tự hào như ngày hôm nay, bên cạnh truyền thống hiếu học, sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền và nhà trường trong công tác xã hội hóa giáo dục, điều đáng quý hơn cả là người dân Hương Ngải đã ý thức được rằng, sự học chính là con đường để làm giàu cho bản thân, gia đình và xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh". Hơn nữa, ở mảnh đất hiếu học này, việc nhiều gia đình nông dân chất phác, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nuôi hai, ba con học giỏi thành tài dường như đã là chuyện "phổ biến". Nhiều gia đình đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn nuôi con ăn học thành tài như gia đình ông Phí Đình Lân, thôn 4, dù chỉ làm ruộng nhưng có tới 15 người con (trai, gái, dâu, rể,) đều tốt nghiệp đại học; gia đình ông Cấn Liên, thôn 2, vợ làm ruộng, bản thân ông bị tàn tật đã nuôi 2 con ăn học đầy đủ và tốt nghiệp đại học loại giỏi...

Cũng nhờ con đường học tập, nhiều người con quê hương Hương Ngải đã trở thành những nhà khoa học, tướng lĩnh và nhà quản lý trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Theo ông Nguyễn Hữu Xiếu, cán bộ quản lý Quỹ Khuyến học xã Hương Ngải, nếu tính cả số người xa quê nhưng nguồn gốc con em Hương Ngải thì xã có gần 2.000 người có bằng đại học, trong đó có 2 phó giáo sư, hơn 30 tiến sĩ. Trung bình mỗi năm, xã Hương Ngải có gần 100 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Hơn 50 người làng Hương Ngải bằng con đường học hành đỗ đạt mà tạo lập cuộc sống ở nhiều nước trên thế giới. Rời mảnh đất hiếu học Hương Ngải trong không khí rộn rã, tưng bừng của bao gia đình trong ngày đầu năm mới. Chúng tôi tin rằng, truyền thống "đất học" còn tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho những người con của Hương Ngải bay cao, bay xa, trở thành nhân tài, đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. 

Hiện toàn xã Hương Ngải có khoảng 4.400 người trong độ tuổi lao động, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt gần 40%. Ngoài ra, xã có khoảng 700 lao động làm việc tại nhiều nước và vùng lãnh thổ. Đời sống người dân Hương Ngải không ngừng được nâng cao nhờ có trình độ học vấn và ham hiểu biết.