Đẩy mạnh chuyển đổi hợp tác xã theo luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, đến tháng 7/2016, các địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội phải hoàn thành việc chuyển đổi mô hình các hợp tác xã (HTX) theo Luật HTX năm 2012.

Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2016, Hà Nội mới có khoảng 40% số HTX hoàn thành việc chuyển đổi. Chặng đường tiếp theo dự báo còn nhiều khó khăn.  

Chưa hết khó với bài toán chuyển đổi

Gần 8 năm qua, các thành viên HTX Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đã đổ nhiều mồ hôi, công sức để gây dựng nên trang trại chăn nuôi lợn khép kín được thiết kế không khác một chung cư mini. Lợn úm và thức ăn gia súc được vận chuyển bằng thang máy. Khu trang trại có một không gian thoáng mát tuyệt nhiên không có mùi hôi thối. Trang trại hiện nuôi khoảng 3.000 lợn thịt và 400 lợn nái, mỗi năm cung ứng cho thị trường trên dưới 800 tấn thịt lợn cùng hàng chục ngàn lợn giống. Ngoài doanh thu hàng năm không dưới 10 tỷ đồng, trang trại còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động.
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An thăm mô hình nhãn chín muộn mang lại hiệu quả kinh tế cao của HTX Đại Thành (Quốc Oai). 	Ảnh: Trọng Tùng
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An thăm mô hình nhãn chín muộn mang lại hiệu quả kinh tế cao của HTX Đại Thành (Quốc Oai). Ảnh: Trọng Tùng
Hoàng Long là một trong những đơn vị trên địa bàn Hà Nội thành công trong việc chuyển đổi mô hình theo Luật HTX năm 2012 hiện đang hoạt động hiệu quả . Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX TP, đến nay đã có khoảng 40% tổng số HTX trên địa bàn TP hoàn thành việc chuyển đổi theo luật. Trong đó, huyện Thanh Oai là địa phương dẫn đầu TP với khoảng 86% HTX chuyển đổi thành công, tiếp đến là huyện Thanh Trì (75%), Phúc Thọ (60%)... Theo chia sẻ của nhiều Chủ nhiệm – Giám đốc HTX, sau khi chuyển đổi, việc tiếp cận vốn vay, khoa học kỹ thuật sản xuất dễ dàng hơn. Đặc biệt, kỹ năng quản lý của các thành viên HTX cũng được nâng cao thông qua các lớp đào tạo, tập huấn. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của các HTX. Qua đó, đóng góp ngày một thiết thực hơn cho kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Dù vậy, tại nhiều địa phương, tỷ lệ chuyển đổi HTX theo luật hiện còn  thấp. Đơn cử như tại Ứng Hòa, mới chỉ có 6/109 HTX tổ chức đại hội. Bà Đặng Thị Tươi – Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa chia sẻ, trên 95% số HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện có quy mô thôn. Vốn và kỹ thuật sản xuất hạn chế. Trình độ năng lực cán bộ quản lý các HTX không cao. Toàn huyện chưa có HTX nào được thuê đất sản xuất, kinh doanh. Đây là những nguyên nhân khiến việc chuyển đổi các HTX theo luật của huyện hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, sự thiếu chủ động sáng tạo cũng là nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ của nhiều HTX. Khảo sát của Liên minh HTX TP cho thấy, chỉ khoảng 20% HTX nhận thức đầy đủ về Luật HTX năm 2012. Những hạn chế này đã và đang trở thành rào cản đối với công tác chuyển đổi các HTX theo luật của nhiều địa phương trên địa bàn TP.

Phấn đấu hoàn thành chuyển đổi trong năm 2018

Trong bối cảnh việc chuyển đổi còn nhiều khó khăn, sự chủ động của các địa phương cũng như vai trò của người đứng đầu tổ chức được xem là yếu tố tiên quyết. Theo bà Lê Thị Kim Dung - Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, nhận thức được những trở ngại mà các HTX gặp phải khi chuyển đổi, huyện đã có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi cho các HTX với 2 mức hỗ trợ là 15 và 30 triệu đồng/HTX (tùy vào ngành nghề). Nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huyện đề nghị các xã thành lập tiểu ban phụ trách việc chuyển đổi HTX, thường xuyên đôn đốc, báo cáo khó khăn vướng mắc từ cơ sở để kịp thời tháo gỡ. Đồng thời, gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương chậm chuyển đổi HTX theo luật. Không chỉ Thanh Oai, hầu hết các địa phương đều có những hỗ trợ ở các mức độ khác nhau đối với việc chuyển đổi các HTX. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Tân – Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho rằng, năng lực của người đứng đầu các HTX là rất quan trọng. Chỉ khi các chủ nhiệm HTX thực sự tâm huyết, sáng tạo để tự “làm mới mình” thì khi đó, việc chuyển đổi các HTX theo luật thực chất mới mong sớm hoàn thành.

Với vai trò là cơ quan thường trực về phát triển kinh tế tập thể, những năm qua, Liên minh HTX TP đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở, đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi các HTX theo mô hình mới. Dù vậy, theo đánh giá của Liên minh HTX TP, việc chuyển đổi các HTX theo tinh thần Luật HTX năm 2012 sẽ không thể hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra (tháng 7/2016). Lý giải về điều này, ông Phạm Văn An – Chủ tịch Liên minh HTX TP cho biết, Luật HTX năm 2012 có hiệu lực từ năm 2013, nhưng đến tháng 5/2014, Bộ KH&ĐT mới ban hành Thông tư hướng dẫn. Khoảng thời gian 2 năm là không đủ để các địa phương có thể hoàn thành công tác này. Theo dự tính, việc chuyển đổi các HTX ở Hà Nội chỉ có thể hoàn thành trong năm 2018.

Cũng theo ông An, thời gian tới, Liên minh HTX TP sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, từng bước thay đổi nhận thức về vai trò, ý nghĩa của HTX trong người dân. Bên cạnh đó, có chính sách mềm dẻo để hỗ trợ các HTX chuyển đổi theo hướng sáng tạo, không gò ép theo khuôn mẫu. Để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi các HTX theo luật, Liên minh HTX TP cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế hỗ trợ riêng cho các HTX nông nghiệp. Đồng thời, Hà Nội sớm thông qua chính sách hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 – 2020 theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 8/4/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-UBND triển khai thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, và Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật HTX trên địa bàn TP, giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, TP đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân trong khu vực kinh tế tập thể đạt từ 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, TP không còn HTX yếu kém, 80 - 90% số HTX hoạt động từ khá trở lên…